30/12/2016 13:29 GMT+7

Khó cho người Việt vào Anh bất hợp pháp

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Người nhập cư từ Việt Nam nằm trong số những nạn nhân buôn người ít được quan tâm nhất tại Anh, theo báo The Guardian.

Một người nhập cư cầm tấm biển “Người nhập cư đang nguy khốn” trong một cuộc biểu tình ở Le Havre, tây bắc nước Pháp, ngày 19-12 - Ảnh: AFP
Một người nhập cư cầm tấm biển “Người nhập cư đang nguy khốn” trong một cuộc biểu tình ở Le Havre, tây bắc nước Pháp, ngày 19-12 - Ảnh: AFP

Cơ quan di trú Anh đã lục soát gần 300 tiệm làm móng (nail) và bắt giữ 97 người, bao gồm người Việt Nam, Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Reuters dẫn thông báo từ Bộ Nội vụ Anh ngày 28-12.

Tiệm nail hay ổ buôn người?

Các hoạt động truy quét tiệm nail trên nằm trong “Chiến dịch Magnify” được triển khai từ ngày 27-11 tới 3-12, theo BBC. Khoảng 68 doanh nghiệp bị cảnh báo phải đóng phạt 20.000 bảng Anh cho mỗi cá nhân không có giấy phép lao động.

Đây là động thái mạnh tay của chính quyền Anh nhằm vào nạn buôn người, trong đó đặc biệt chú ý đến các tiệm nail.

“Chiến dịch này gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những công ty đang cố tình vi phạm luật nhập cư và tìm cách bóc lột sức lao động của những người trong diện dễ tổn thương” - Bộ trưởng di trú Robert Goodwill khẳng định.

Từ lâu Anh đã đưa nghề làm nail vào diện “nghề tiềm ẩn nguy cơ”. Trong vụ bắt giữ gần 100 người vừa qua, có 14 người được chuyển đến Trung tâm Giới thiệu lao động quốc gia Anh, một cơ quan hỗ trợ những người được xác định là nạn nhân của tệ nạn buôn người.

BBC cho biết rất nhiều người lao động tại Anh ở các tiệm nail, công trường, nhà thổ, trang trại cần sa... bị nghi thuộc dạng “nô lệ thời đại mới”.

Những kẻ buôn người dùng cách thức chiêu dụ công dân nước khác đến Anh làm việc thông qua lời hứa hẹn trên Internet về mức lương, công việc, cuộc sống, thậm chí hôn nhân, nhưng sau cùng buộc họ làm chuyện phạm pháp.

Trong các hình thức hoạt động, tiệm nail là tấm bình phong phổ biến nhất của giới buôn người. Từ năm 2013, một cuộc điều tra của The Sunday Times cho biết ước tính 100.000 người Việt lao động tại các tiệm nail ở Anh. Tuy nhiên, tờ này dẫn kết quả điều tra dân số cho thấy chỉ 29.000 người Việt có giấy phép sinh sống và lao động ở Anh.

Đạo luật thảm họa

Nếu không có giấy phép lao động, những người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị trục xuất về nước. Đây là cách xử lý theo đạo luật về nô lệ thời kỳ mới được thông qua năm 2015 tại Anh. Tuy nhiên, đạo luật này gây tranh cãi khá nhiều vì bị cho là chỉ làm tổn hại người lao động, chứ không phải dân buôn người.

Trong bài viết ngày 20-12, báo The Guardian cho biết các nhà hoạt động chống buôn người khẳng định chính quyền Vương quốc Anh đã thất bại trong việc xác định ai là “người lao động bất hợp pháp”, ai là “nạn nhân buôn người”, từ đó không thể bảo vệ phần lớn các nạn nhân.

Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh cho biết trong số những nạn nhân của nạn buôn người, người Việt ít được bảo vệ hơn các nhóm quốc tịch khác. Chỉ 11% người Việt được chấp nhận và cung cấp dịch vụ bảo vệ năm 2015, trong khi mức trung bình là 27%.

The Guardian phỏng vấn và thấy rằng những người Việt bị trục xuất phần lớn gánh nợ và không được hỗ trợ, một số trường hợp gặp vấn đề về tinh thần và thể chất.

Mỹ quản lý chặt nghề nail

Các nhà hoạt động chống buôn người ở Anh chỉ trích đạo luật mới của chính phủ nước này. Họ so sánh rằng ở Mỹ có một biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động và Bộ An ninh nội địa để đảm bảo việc thực thi luật lệ di trú không chồng lấn với công việc của thanh tra lao động.

Tại Mỹ, người Việt Nam cũng hành nghề làm nail khá nhiều và thường xuyên bị kiểm tra định kỳ.

“Tại Mỹ, cơ quan chức năng hay kiểm tra đột xuất về cơ sở vật chất, báo cháy, vệ sinh dụng cụ hành nghề..., các cửa tiệm không đáp ứng sẽ bị phạt. Người làm nail buộc phải học và thi lấy bằng làm nail. Ai không mang theo bằng thì bị phạt tiền, ai chưa có bằng mà làm chui thì bị cấm thi” - Uyên, người Việt Nam làm nghề nail ở quận Cam, California (Mỹ) ba năm nay, cho biết.

Chính phủ Anh ước tính có 13.000 người đang trong tình trạng nô lệ thời hiện đại ở Anh, trong đó Albania là nước có số nạn nhân nhiều nhất.

Tác giả Caroline Robinson viết trên The Guardian ngày 28-8-2015 rằng đạo luật về nô lệ thời kỳ mới tạo ra một “môi trường thù địch” và chỉ khiến tội phạm buôn người có lợi.

Theo đó, những người lao động nhập cư bất hợp pháp nghiễm nhiên là đối tượng bị xét, bị trục xuất, trong khi chính họ là những người bị lừa sang Anh.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên