10/04/2009 04:00 GMT+7

Kho báu chìm dưới biển

TRẦN NGỌC TOẢN
TRẦN NGỌC TOẢN

TTO - Trong lịch sử nước ta còn ghi lại biết bao nhiêu trận chiến xảy ra trên biển, trên các cửa sông, trong các vịnh suốt từ Bắc chí Nam. Và còn biết bao nhiêu sự kiện khác đã chìm vào quên lãng liên quan đến hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các nước gần xa.

SK5o8zjK.jpgPhóng to

Tàu Bình Minh đưa đoàn nghiên cứu đi khảo sát quanh các đảo. Điều gây cho tôi nhiều ấn tượng là trên đường đi, tôi nhìn thấy nhiều xác tàu. Có lẽ đó là những tàu bị đắm không quá lâu nên khung sườn vẫn còn nguyên vẹn.

Gần đảo Phan Vinh mang tên người anh hùng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, về phía Tây vành đai san hô, khi nước triều thấp có thể lội bộ ra xem một xác tàu hoen rỉ. Không biết con tàu xấu số này của ai, chìm từ bao giờ, có ai còn sống sót không vì chẳng có một thông tin gì còn sót lại. Đồ đạc trên tàu nếu có thì cũng đã được những người trước kia đến đây thu nhặt hết rồi. Trên khung sắt đen ngòm có rất nhiều con hàu, những con sinh sau bám vào lưng những con đã chết, tạo thành những chùm hoa biển.

Chú Dũng phát hiện một điều lý thú mà đến nay chưa ai giải thích được: con hàu tiết ra chất gì mà có thể kết dính thân nó với chất sắt thân tàu chắc chắn đến nỗi phải dùng đến máy mài mới làm sạch được. Ở Hà Nội, chúng tôi có nghe nói đến nhóm nghiên cứu của giáo sư Phái đứng đầu đã từng sản xuất được loại keo dán các thanh sắt làm dầm cầu được mà không cần phải bắt bu lông. Chắc chắn loài hàu này chẳng học hành gì ráo mà cũng cha truyền con nối từ triệu năm về trước sản xuất ra loại keo chất lượng còn cao hơn sản phẩm của con người thông minh tạo ra. Tôi sẽ nói với bà để bà tiếp tục nghiên cứu vấn đề hấp dẫn này.

Nếu chúng ta biết được thành phần chất keo loài hàu tiết ra, biết được công thức và cơ chế sản xuất hoặc biết phương pháp tách chiết chất này, thì chắc chắn sẽ làm ra được loại keo sinh học tuyệt vời, rẻ tiền và đa dụng. Thế mới biết thiên nhiên giành cho con người những kho báu nhưng chỉ có học thức mới có thể tìm được câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra!”.

Ở đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Núi Le, mỗi nơi đều có thể gặp từ một đến bốn xác tàu kiểu như vậy. Khoang tàu trở thành cung điện dành riêng cho các loài cá nhỏ, tôm, cua, được trang trí bằng vô số các cành rong rêu đủ màu sắc, phất phơ uốn lượn giữa khối nước trong vắt. Các chú kể rằng khi triều cường cũng có những chú cá to lớn chui vào để bắt mồi rồi bị mắc kẹt khi nước triều lui. Dân chài bắt được, mổ bụng ra đôi khi còn tìm thấy chiếc nhẫn vàng, chiếc đồng hồ đeo tay, những di vật của những người quá cố. Chỉ nghe mà cũng đủ để phát khiếp.

Dọc Biển Đông còn rất nhiều nơi có những xác tàu như thế, nhất là trên những con đường hàng hải cổ xưa. Tàu chìm, mang theo những của cải bị cát, bùn do những dòng nước ngầm mang đến vùi lấp nên vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đó là những kho báu được giấu kín, và là đối tượng của ngành khảo cổ học đại dương.

Trong lịch sử nước ta còn ghi lại biết bao nhiêu trận chiến xảy ra trên biển, trên các cửa sông, trong các vịnh suốt từ Bắc chí Nam. Và còn biết bao nhiêu sự kiện khác đã chìm vào quên lãng liên quan đến hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các nước gần xa. Chắc rằng các sự kiện đó còn để lại dấu tích trong lớp bùn, cát đáy biển như gươm, giáo, cung nỏ, súng thần công, khiên, giáp, mũ mão cũng như các đồ dùng sinh hoạt, các loại hàng hóa, chiến lợi phẩm vùi theo cùng tàu thuyền bị đắm.

Biết đâu một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm lại được ấn tín của An Dương Vương khi rẽ nước đi vào Biển Đông để không bị rơi vào tay Triệu Đà; giáp trụ của bộ tướng Toa Đô khi bị đuổi chạy khỏi Chiêm Quốc hồi thế kỷ mười ba, Thấn cơ sang pháo của Hồ Nguyên Trừng sáng chế, gươm báu của quân tướng Tây Sơn trong đầm Thị Nại, v.v... và các bia ký, tượng vàng, tượng đá tạc vua chúa, thánh thần ở các đền miếu, thành quách xây dựng gần bờ biển bị sụt lở, cuốn trôi theo sóng nước thuộc các triều đại của vương quốc Phù Nam, Chân Lạp, Champa, Đại Việt ngày xưa.

Mới cách đây vài năm thôi ở vùng biển Thừa Thiên - Quảng Nam chúng ta đã vớt được hàng chục khẩu đại bác cổ, phòng vệ bờ biển thuộc thế kỷ 18-19 và chắc chắn sẽ còn tìm thấy ở các vùng biển khác. Đúng là một kho tư liệu vô giá mà ta phải kiếm tìm để bổ sung cho lịch sử của dân tộc.

Các công ty tìm kiếm cổ vật của châu Âu có cả một danh sách ghi lại các con tàu viễn dương bị mất tích dài dằng dặc. Trên vùng Biển Đông, tàu Kemphaan 100 tấn của công ty Đông Ấn Hà Lan bị đắm ở Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào) ngày 22-10-1633 với toàn bộ hàng hóa và 18 khẩu đại bác; tàu Alblasserdam mất tích ngày 14-7-1735; tàu Keizerin trọng tải 200 tấn chở đồ gốm sứ mất liên lạc ở vùng biển Trung Bộ từ ngày 29-10-1636; tàu Gouden Leew, 330 tấn, chìm tại vùng đảo ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ năm 1674, v.v... mà đến nay không ai biết chính xác vị trí tàu chìm ở đâu.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, tin tìm được kho báu ở gần Cù lao Chàm (Hội An – Quảng Nam) đã khuấy động cả dư luận không những ở Việt Nam mà còn cả ở châu Âu, châu Mỹ. Tàu không biết tên, bằng gỗ tếch, một loại gỗ rất cứng của Trường Sơn, dài 30m, chở đầy đồ gốm, sản xuất cách đây 500 năm tại làng Chu Đậu, một làng gốm nổi tiếng bên tả ngạn sông Thái Bình. Trên tờ Mercury tháng Sáu năm 2000 có đăng lời bà Dessa Goddar, giám đốc ngành nghệ thuật Á châu của một tổ chức ở San Francisco nói lên ý nghĩa của phát hiện này như sau: “Phát hiện này đang trả lại cho Việt Nam một chương của di sản nghệ thuật mà người ta thường nghĩ là đã hoàn toàn biến mất”.

Trước kia một vài sản phẩm gốm của Đại Việt có ghi thời gian ra đời và nơi sản xuất là Chu Đậu được tìm thấy ở vài bảo tàng châu Âu nên người ta mới biết đến làng gốm Chu Đậu của Việt Nam nhưng đã mất tăm, mất tích cách đây 300 năm. Lần này không những chúng ta tìm lại được gốm Chu Đậu mà còn với khối lượng hàng nghìn sản phẩm. Cổ vật trục vớt được ở Cù lao Chàm cho thấy con tàu đã mua gốm từ một thương cảng nào đó ở đồng bằng Bắc Bộ và đang trên đường chở đi tiêu thụ ở thị trường các nước phía Nam thì bị chìm. Ngày nay các bạn có thể nhìn thấy các cổ vật này trưng bày trang trọng trong bảo tàng lịch sử Việt Nam và nhiều bảo tàng khác trên thế giới.

Điều quan trọng là cùng với khám phá này, các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm ra được làng Chu Đậu thuộc tỉnh Hải Dương, phục hồi lại được dòng sông cổ, tìm lại được thương cảng từ lâu đã không còn, nối liền với phố Hiến và kinh thành Thăng Long. Các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đến làng, khai quật được rất nhiều lò gốm hoang phế, chôn vùi trong lòng đất với vô số kiểu dáng, hoa văn, màu sắc men độc đáo. Các sản phẩm gốm, sành sứ cao cấp, chất lượng ngang hàng với các sản phẩm cùng thời của Trung Hoa, Nhật Bản.

Một doanh nhân tâm huyết với đồ gốm bỏ tiền đầu tư, xây dựng xưởng, đường sá, khôi phục lại một ngành thủ công mang tính văn hóa lâu đời. Cháu chắt chút chít của những nghệ nhân làng Chu Đậu ngày xưa bây giờ lại được đào tạo trở thành những nghệ nhân mới, kiến thực rộng và đầy tài hoa, tiếp tục đưa ra thị trường thế giới những sản phẩm truyền thống được nâng cấp ngang tầm thời đại. Một dòng gốm nổi tiếng được hồi sinh làm rạng rỡ cho văn hóa Việt.

Tháng 6-1997, ở Cà Mau trong một chuyến đi biển, một gia đình câu được một con cá mú khá to, dài gần nửa mét, nặng 20kg. Trong bụng cá, lẫn lộn với thức ăn có một mảnh gốm sứ. Cuộc săn lùng tàu đắm bắt đầu và cuối cùng tìm được chiếc tàu cổ, chìm ở hải phận huyện Trần Văn Thời, ở độ sâu 36 mét nước. Các nhà khoa học thuộc Hội khoa học lịch sử và Bảo tàng lịch sử Việt Nam xác định con tàu tìm thấy ở Cà Mau là con tàu chở hàng từ Trung Quốc đến các thị trường Tây Á.

Con tàu đắm phát hiện ở Bình Thuận là con tàu thứ 5 được Việt Nam khai quật khảo cổ học thành công. Sau khi tìm được con tàu ở Cà Mau, sau Tết 2001 lại có tin đồn về một con tàu dài 20 sải tay, nằm ở đáy biển thuộc huyện Tuy Phong cách Phan Thiết khoảng 60km về phía Đông. Các thợ lặn lấy lên từ độ sâu 40 mét nước được 61.000 hiện vật, chủ yếu là đồ sứ Chương Châu, Phúc Kiến và một số khác từ Quảng Đông, Trung Quốc. Con tàu xác định được đóng trong thế kỷ 19. 17.000 hiện vật được bán đấu giá tại Melbourne, Australia, thu được 1,2 triệu đô la Mỹ. Hiện nay ở Việt Nam cũng đã có những đơn vị chuyên nghiệp đi tìm và khai quật tàu đắm.

Việc tìm kiếm nói chung là khó khăn, vì kích thước tàu nhỏ, phần lớn bằng gỗ, lại chìm dưới cát, bùn, các phương pháp vật lý ứng dụng trong khảo cổ học trên đất liền không sử dụng được hoặc hiệu quả thấp. Cho đến nay các phát hiện đều dựa vào các thông tin từ những người đánh cá. Hy vọng trong tương lai công nghệ đánh bắt hải sản và khảo cổ học tân tiến hơn có thể góp phần tìm ra các kho báu này mà từ lâu biển cả vẫn giữ gìn để trả lại cho chúng ta.

TRẦN NGỌC TOẢN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên