08/10/2007 08:20 GMT+7

Khi trẻ em "xóm liều"... làm phim

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Đó là câu chuyện thú vị về chiếc máy quay khi được đặt vào tay những em nhỏ từ 10-14 tuổi ở một xóm nghèo ven sông Hồng.

izBM7DDm.jpgPhóng to

Thực hiện những cảnh quay cuối, từ trái sang: Nguyễn Thị Nhung (13 tuổi), Lê Thu Hà (10 tuổi), Nguyễn Thị Tuyết (12 tuổi)

TT - Đó là câu chuyện thú vị về chiếc máy quay khi được đặt vào tay những em nhỏ từ 10-14 tuổi ở một xóm nghèo ven sông Hồng.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Lần đầu tiên, một bộ phim tài liệu do trẻ em VN thực hiện được trình chiếu vào ngày 4-10 tại rạp Cinematheque (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội). Phim cũng được phát hành dưới dạng DVD với phụ đề Anh - Pháp - Việt tại buổi chiếu vào ngày 11-10 tới nhằm gây quĩ từ thiện cho chính những nhân vật trong phim.

Dự án My life - my view (Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi) do thạc sĩ Phan Ý Ly cùng các cộng sự khởi xướng từ tháng 3-2007, với ý tưởng để nhân vật tự kể chuyện về cuộc sống của mình thông qua một phương tiện có sức mạnh truyền thông là chiếc máy quay video. Sau gần nửa năm, những thước phim ngộ nghĩnh, hồn nhiên và đầy ngẫu hứng đã được những nhà làm phim nhỏ tuổi dàn dựng thành một bộ phim tài liệu dài 45 phút, kể về cuộc sống của chính mình và những người xung quanh. Các em đặt tên cho tác phẩm của mình là Thảo nguyên xanh tươi.

Học với Wendy

Ở thành phố có nhiều xe, nhiều cửa hàng, có nhiều trường lớp cho mọi người đi học, nhiều nhà cao cửa rộng to gấp đôi nhà mình nữa. Ở đây thì chỉ có nhà nổi thôi, không có nhà cao tầng. Nhưng thành phố ít cỏ hơn lại không có sông. Mà nếu lên phố có thể mình sẽ bị hắt hủi. Những người trên phố có người tốt, có người xấu. Những người không tốt tưởng mình là móc túi. Còn những người tốt thì người ta thấy mình nghèo nên thương...

(Trích lời trong phim - U.LY ghi)

Một buổi học quay phim bắt đầu từ sáng sớm. "Học viên" là những em nhỏ sống trong những căn nhà thuyền ở khu vực bãi Giữa nằm dưới chân cầu Long Biên. Phần lớn các em bị suy dinh dưỡng, lem luốc và không được học hành vì cuộc sống bấp bênh theo mực nước lên xuống của sông Hồng. Gọi là "học", nhưng thật ra là những giờ chơi đầy lý thú với Wendy (tên chiếc máy quay phim do các em đặt theo một nhân vật hoạt hình). Wendy lúc đầu chỉ là những cục đất, gạch to tướng mà các em nhặt được có trọng lượng tương đương một chiếc camera. Những bài tập lần lượt được Phan Ý Ly đưa ra với bọn trẻ: nhìn vào mắt nhau để luyện sự tập trung, tập giơ tay để cầm máy quay đỡ mỏi, tập đứng vững để khi quay không bị rung, tập lắp pin cho máy (mà các em gọi là cho Wendy ăn phở!), tập cả... matxa cho nhau để có sức khỏe mà quay. Với sự hướng dẫn của "chị Ly", các em nhỏ rất hào hứng với trò chơi tưởng tượng này. Sáu tháng trôi qua, Wendy đã thật sự trở thành người bạn thân thiết của những đứa trẻ chưa học hết lớp 3, suốt ngày lang thang nhặt rác ở bãi Giữa.

Cuộc sống ở bên lề cuộc sống

Bãi Giữa là một dải đất phù sa nằm giữa hai bờ sông Hồng thuộc phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, nơi mà mỗi khi nhắc đến người trên phố thường nghĩ ngay đến một "xóm liều" với kim tiêm, rác thải, trộm cắp… Ở đó có một cộng đồng dân cư nhỏ với 20 hộ sống trên những chiếc thuyền cũ kỹ. Họ là dân tứ xứ tụ về đây, lầm lũi trong cuộc mưu sinh cơm áo bằng những nghề cửu vạn, bốc vác, đi phu, nhặt rác... Cuộc sống của họ tạm bợ trên một khúc sông đỏ ngầu với mọi sinh hoạt nấu ăn, giặt giũ, nước uống, vệ sinh cá nhân. Những đứa trẻ sinh ra vì thế mà ốm yếu, bệnh tật, thất học và không ít trường hợp bị quấy rối, bị dụ dỗ tiếp tay cho kẻ xấu. Nghèo khó, lại bị phân biệt đối xử, người dân ở đây không nhận được những sự quan tâm và chăm sóc từ các dịch vụ cộng đồng.

Ấy vậy mà đối với các em nhỏ, ở cái nơi ai ai cũng lắc đầu cho là tạm bợ ấy lại chính là một "thảo nguyên xanh tươi" thấm đẫm tình thương yêu. Qua cách nhìn của các em bằng những thước phim sống động, giữa không gian tràn ngập rác và nước đục ấy vẫn có những mảng cỏ xanh non, những vệt nắng vàng ruộm, những ngọn gió lành trong mát. Là buổi sớm tinh mơ với tiếng gà văng vẳng. Là buổi đêm đậm đặc dưới chân cầu Long Biên nơi chúng cùng nhau chơi trò "rồng rắn lên mây". Là mái nhà trên chiếc thuyền cong cong, trong đó có một cái đài, một cái tivi, một cái đồng hồ báo thức. Lời bình của phim nghe cứ đều đều mà thấm đẫm chất trẻ thơ hồn hậu: "Nhà mình ở trên sông, xung quanh là bãi ngô. Nhà to lắm, chứa được đến sáu người. Đến nhà mình các bạn phải đi cùng người lớn vì ở đây có rất nhiều nhện. Mình quen mà còn sợ nữa là các bạn…".

Những thước phim phần lớn được các em ghi lại trong những lúc không có mặt những người thực hiện dự án. Sau đó các em được hướng dẫn cách phân tích các cảnh quay và từ những tư liệu có thật sắp xếp lại thành một kịch bản phim với lời bình do các em tự viết.

Thảo nguyên xanh tươi cho thấy một thực trạng đau lòng qua cái nhìn lạc quan và hồn nhiên của trẻ con. Cái nhìn ấy chở theo những thông điệp xúc động về tình cảm, ước mơ, hoài bão của những thân phận bé nhỏ nơi xóm liều, đồng thời cũng chuyển đi những định nghĩa về cuộc sống ở một nơi bên lề cuộc sống…

Tham vọng của Phan Ý Ly

Thạc sĩ Phan Ý Ly (sinh năm 1981) hiện là cố vấn độc lập trong lĩnh vực nghệ thuật trong phát triển cộng đồng với nhiều dự án tại châu Á và châu Phi. Khi thiết kế dự án My life - my view, Phan Ý Ly không giấu tham vọng mang lại một đóng góp tiên phong về khả năng sử dụng quá trình sáng tạo trong công tác phát triển con người, nhất là với những nhóm đối tượng bị lãng quên và dễ tổn thương. Những bộ phim sẽ được trình chiếu cho cộng đồng, chính quyền và những nhà tài trợ tiềm năng xem để tìm ra những phương pháp tiếp cận và hỗ trợ những “nhân vật” trong phim. Ly bảo đó là một hành trình cần niềm tin không chỉ của riêng mình.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên