11/12/2007 01:15 GMT+7

Khi tôi mười sáu...

ĐỒNG ANH
ĐỒNG ANH

TT - Sau Những lá thư không gửi, lại một cuốn sách nữa của nữ văn sĩ Susie Morgenstern được dịch ra tiếng Việt: Khi tôi mười sáu.

(Đọc tiểu thuyết của Susie Morgenstern, Nhà xuất bản Phụ Nữ)

eLtxITvz.jpgPhóng to
TT - Sau Những lá thư không gửi, lại một cuốn sách nữa của nữ văn sĩ Susie Morgenstern được dịch ra tiếng Việt: Khi tôi mười sáu.

Tuổi 16 của Hoch - một cô bé người Do Thái sống trên đất Mỹ - được Susie Morgenstern thể hiện dưới dạng những trang nhật ký, tự sự. Đã qua rồi cái thời Anne Frank với những dòng nhật ký về tháng ngày trốn chui trốn nhủi chống nạn kỳ thị chủng tộc trên căn gác tối. Tuổi 16 của Hoch không khác gì tất cả những nam nữ thiếu niên trên đời này: khám phá, vui sướng, thất vọng và lại tiếp tục hi vọng.

Tuy nhiên, cái gốc gác Do Thái làm những câu chuyện xảy ra với Hoch có thêm những điều là lạ, thú vị. Người Do Thái tươi sáng nhưng thấu suốt, đời sống tâm linh của họ phong phú, niềm đam mê học hỏi của họ tràn đầy, tình cảm gia đình của họ khăng khít. Ngay cả khi những đứa con trong gia đình bắt đầu nhuốm đầy suy nghĩ phá phách nổi loạn của bạn bè cùng lớp, thì nhìn lại cách ông bà và cha mẹ chúng sống, chúng vẫn có mong muốn tìm lại chút "bản sắc" cho mình.

Đọc Khi tôi mười sáu, ai cũng có thể tìm thấy những điểm tương đồng với tuổi 16 của mình. Như thể tuổi dậy thì là một tập hợp bao gồm những yếu tố hoàn toàn trái ngược: rụt rè mà nổi loạn, tự ti mà kiêu ngạo, vờ lãnh đạm nhưng cuồng nhiệt đam mê, nhiều hi vọng nhưng cũng dễ thất vọng. Tất cả những điều đó gộp lại thành một nỗi hoang mang, dẫn đến những hành động mà ngay cả chính họ cũng không giải thích nổi.

Bạn bè, gia đình bỗng trở thành một thứ gì đó cực kỳ mật thiết với Hoch, khi cô 16. Đã từng có một cuộc tranh luận về bình đẳng giới nảy lửa khi Hoch quyết định xin vào dàn nhạc jazz của trường, đã có một vụ trốn nhà được tính toán vào đúng Giáng sinh, đã có một vụ ăn cắp không thể hiểu nổi trong siêu thị, chỉ đơn giản vì bộ bikini đó không phải hàng giảm giá... Những vụ rắc rối đó đều xuất phát từ tâm thế của Hoch: bị mọi người và cả chính bản thân mình kỳ vọng quá nhiều. Nhưng cuối cùng, cũng chính những người ấy và tự bản thân cô đã giúp cô tháo gỡ mối bòng bong đó, để cô hiểu kỳ vọng không phải là một thứ áp lực khiến người ta cùng đường. Kỳ vọng đơn giản chỉ là một trạng thái khác của tin tưởng và yêu thương.

Cách những người trong gia đình Hoch cư xử với nhau có thể không phải là một kiểu mẫu, nhưng đáng để cho bất cứ gia đình nào trên đời này học hỏi. Mẹ yêu con bằng một tình yêu mù quáng mà chính đứa con cũng thấy được, chị em yêu thương nhau bằng một sự đồng cảm và thông cảm tuyệt đối, cậu cháu thân nhau bằng một tình bạn khăng khít... Không có bất cứ lời hoa mỹ nào được tìm thấy trong gia đình ấy, nhưng một không khí yêu thương cứ chờn vờn trong đầu độc giả suốt từ đầu đến cuối sách mỗi khi Hoch nhắc về gia đình. Và có lẽ đó là một trong những chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của Hoch khi cô phải vượt qua giai đoạn khó khăn của đời mình: tuổi 16 ngập tràn những hoang mang.

Người đọc dù nhiều lần có mất kiên nhẫn với một bản dịch còn rối rắm và sơ suất cũng không muốn dừng lại nửa chừng, vì không muốn bỏ lỡ những điều thú vị từ Susie Morgenstern.

ĐỒNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên