![]() |
Đông đảo bạn trẻ TP.HCM đã đến với ngày hội sách đang được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên - Ảnh: THANH ĐẠM |
Bạn đọc cần gì ở nhà văn?
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trả lời không chút đắn đo: “Cần những tác phẩm hay!”. Rồi ông nói chậm lại, như cân nhắc từng từ khi tự hỏi (nhưng quan trọng thế nào là hay?) và tự trả lời: “Nhiều nhà văn nước ngoài đâu cần biết người VN thích đọc gì, họ cứ viết, và mình đọc thấy thích. Tác phẩm hay là vậy, có thể làm người đọc thấy được khát vọng, tâm trạng, hình ảnh của chính mình trong tác phẩm. Cho dù người viết trước hết là viết cho chính bản thân. Nếu cái tôi của nhà văn phù hợp với đa số thì người đọc sẽ đón đọc niềm nở. Các nhà lý luận thường hay nói đến chân, thiện, mỹ nhưng với riêng tôi, làm nên một tác phẩm hay tôi thấy có ba điều: buồn - đau - đẹp. Vậy thôi, như lời ru của mẹ, chỉ từ lòng mẹ ra mà chứa hết những điều cao quí của nghệ thuật”.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bày tỏ: “Nói chung, bạn đọc cần ở nhà văn, hay nói sát hơn, ở các tác phẩm văn học sự quyến rũ của nhu cầu giải tỏa (trong đó có giải trí), sự chia sẻ và sự định hướng. Tác phẩm nào đạt được độ thỏa mãn ba hoặc một, hai trong ba nhu cầu đó đều có người đọc. Nhưng để có sức hút mạnh mẽ vượt trội với người đọc, nhà văn cần bộc lộ tính ưu việt cá thể trong nghệ thuật hoặc trong những vấn đề con người và xã hội đang quan tâm trong tác phẩm, để anh khác hoặc nổi bật hơn đám đông mà không phải là đại diện của đám đông. Điều này thật ra không có gì xa lạ. Chẳng nhà văn nào không muốn phát sáng hơn người, nhưng từ lâu văn học chúng ta ở trong tình trạng, vì nhiều lý do, sự phát sáng lại không nằm ở tác phẩm, hoặc người không có khả năng phát sáng lại cố làm điều đó bằng mọi cách”.
Cay đắng nhiều hơn, chua chát nhiều hơn, nhà văn Nguyễn Quang Lập lần này lại có cách nhìn hình như là khắt khe:
“Tôi nghĩ họ chẳng mong gì to tát, toàn những lẽ đương nhiên nhưng làm được không phải là chuyện dễ. Họ mong nhà văn nước nhà ở sự thành thật. Tài chẳng bằng thiên hạ cũng cam lòng chứ thành thật xin đừng kém cạnh. Viết bằng ngòi bút thẳng là điều thiên hạ vẫn hay làm thì mình cũng làm như thế đi, đừng nông nổi mà bẻ cong ngòi bút. Khổ nỗi nhiều người không biết viết thành thật là phải viết làm sao, là phải viết thế nào, cái gì là cái thành thật và cái gì không phải nó? Ấy là một nhẽ. Ở trong sự thành thật mà bạn đọc mong chờ còn chứa đựng cả sự thật thà, thứ phẩm hạnh thường được các nhà văn dùng để trưng diện chứ ít khi dùng để hành nghề.Thật thà thì làm sao mà sống? Mình thực có hai chữ, mà phải có đủ chục chữ mới nuôi được vợ con: không vay mượn, không chế biến, không xào xáo làm sao đắp điếm đủ cả trăm trang sách?
Thật ra nhiều người có đủ cả chục chữ văn nhưng có đến bảy tám chữ húy kỵ, bố bảo cũng không dám. Thành thử đọc văn cứ như xem tivi, cứ như đọc văn hàng xóm, thứ văn phỏng dịch vẫn tràn ngập thị trường. Ở trong sự thành thật ấy còn chứa đựng cả sự trung thực, thứ phẩm hạnh dùng để dỗ người thì dễ, răn mình thì khó. Cứ năm bảy ông nhà văn (Việt) ngồi với nhau thì y như rằng đề tài trung thực được bày ra cuộc rượu. Bày cho người khác có một nói một thật dễ biết bao. Anh này giục anh kia viết đi viết đi, có sao nói vậy, ý này ý kia tuyệt đấy, sâu sắc đấy, mày không viết thì uổng lắm, phí lắm, mày có viết không, hay mày định làm văn nô cả đời? Tàn cuộc rượu cũng là tàn mọi sự. Anh nào anh nấy cắp đuôi về nhà cặm cụi chế biến văn giả cầy đem bày bán chợ đời, nuôi vợ con độ nhật”.
Nhà văn cần gì ở bạn đọc?
Có vấn đề tế nhị nào đó nên không mấy người thích trả lời câu hỏi này. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ nói một câu: “Tôi tìm người tri kỷ trong người đọc”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập thì lắc đầu, rằng không nên, không thể, “tự anh phải nỗ lực hết mình để thỏa mãn nhu cầu bạn đọc, chứ không phải ngược lại, yêu cầu bạn đọc phải thỏa mãn các sáng tác của anh”.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cũng nói vậy: “Nhà văn đừng đòi hỏi gì ở bạn đọc, ngay cả với tác phẩm viết cho hai bạn đọc là vợ và con anh. Dù coi viết văn là lao động sáng tạo, kiếm sống hay “cuộc chơi” thì cảm hứng cầm bút của những người có tinh thần trách nhiệm với việc mình làm vẫn tựu trung về sự giải tỏa tâm lý, tâm sự, khát vọng cho chính mình, vì vậy khi bắt đầu viết anh đã có sẵn loại người đọc nào để tỏa sang. Sách viết xong, người đọc của anh, có thể là cả nhân loại đau thương đang thiếu người cứu rỗi, cũng có thể chỉ là vợ và con anh đang hí hửng, mà không hiểu, không thích thì anh nên hỏi lại họ cần gì. Nếu họ bảo văn anh khiến họ vẫn thích coi đá bóng hơn thì anh hãy thử đi làm cầu thủ”.
___________________
Và mấy điều “thiết nghĩ” của nhà thơ Nguyễn Duy
“Chúng ta đang có một thực tế văn chương rất mâu thuẫn. Những cái cũ kỹ giáo điều thì vẫn cũ kỹ giáo điều như cũ; người đọc chán rồi, không muốn tiếp nhận nữa. Mặt khác, lại xuất hiện những cái xa lạ, những cái u ơ, ú ớ, ù ờ thần kinh, người đọc không thể tiếp nhận nổi. Cả hai thái cực ấy làm người đọc vừa chán ngán, vừa lo ngại. Người ta ít quan tâm đến văn học đến mức tôi có cảm giác người ta chả cần nhà văn nữa.
Còn nhà văn, trong những khu vực được phép múa may cứ múa thế nào thì múa, loạn xạ, hoa cả mắt, làm người đọc tối tăm cả mặt mày. Nhất là thơ, ai có tiền thì in, không cần bán, không cần ai mua, chỉ cần cho và tặng. Loại sách này nhiều đến nỗi tôi có cảm giác rằng nhà văn chả cần gì đến người đọc.
Còn hội nhà văn ấy à, hội bây giờ khá đông (chưa tới 1.000 hội viên, chứ không phải hơn 1.000 như anh Nguyễn Huy Thiệp nói !), nhưng thực tế có bao nhiêu nhà văn thật và có bao nhiêu nhà văn có tác phẩm có giá trị được người đọc hâm mộ? Ít, thậm chí rất ít. Nếu cứ như thế mà hội nhà văn vẫn cứ tồn tại và đại hội nhà văn vẫn cứ thành công tốt đẹp dài dài thì tôi nghĩ hội nhà văn cũng chả cần nhà văn, cũng chả bảo vệ được nhà văn đâu (xin nói rõ là nhà văn thật).
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến hội, từ đầu tư sáng tác, tổ chức đại hội, luôn dành cho hội những khoản kinh phí tuy chưa gọi là thỏa đáng nhưng cũng đã là cao trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo. Nhưng sòng phẳng mà nói, hội nhà văn đã trả lại cho dân, cho bạn đọc những giá trị gì đáp ứng được sự quan tâm của người đọc? Hội nhà văn chưa đáp ứng được, hoặc đáp ứng được rất ít, mà ít đến mức tôi có cảm giác hội cũng không cần bạn đọc.
Thật sự trong lòng tôi, tôi ao ước một ngày nào đó hội nhà văn lại cần đến cả hai. Và cả hai, nhà văn và bạn đọc lại cần đến nhau...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận