12/04/2012 12:42 GMT+7

Khi người lính khóc

NGUYỄN TRUNG TUYÊN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
NGUYỄN TRUNG TUYÊN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

TTO - Trong một buổi chỉ huy hành quân qua phố, tôi chợt giật mình khi thấy một cô bán hàng rong, vẫn cái nón lá, đôi quang gánh trái cây và dáng người hao gầy vất vả.

Khi người lính khóc

TTO - Trong một buổi chỉ huy hành quân qua phố, tôi chợt giật mình khi thấy một cô bán hàng rong, vẫn cái nón lá, đôi quang gánh trái cây và dáng người hao gầy vất vả.

Cảm xúc trong tôi như trào ra khi nghĩ tới mẹ, có lẽ trên con phố nào đó ở Hà Nội mẹ vẫn đang quẩy gánh hàng rong.

Tôi nhớ năm học đầu tiên trong lần về phép hè, tôi tới bãi Phúc Xá để thăm mẹ. Đó là nơi nghỉ trọ của những người lao động nghèo, những người bán hàng rong và trong đó có mẹ tôi. Buổi chiều đến thăm mẹ, tôi chờ mẹ đến gần 8 giờ tối, lúc đó mẹ mới đi bán hàng về. Gặp mẹ tôi vui sướng, hạnh phúc biết bao, lâu rồi tôi mới được nhìn thấy mẹ. Mẹ như gầy hơn, khuôn mặt lộ rõ những vất vả, bươn chải của cuộc sống, nhưng trên cái nhọc nhằn, vất vả đó, mẹ vẫn sáng ngời niềm tin, tình yêu thương dành cho các con.

Mẹ vẫn bảo: “Vất vả thế nào mẹ vẫn chịu được, mẹ chỉ mong anh em các con ăn học nên người để sau này đỡ khổ như bố mẹ”. Ăn bữa cơm bình dân với mẹ, tôi kể mẹ nghe nhiều chuyện quân ngũ, về kỷ niệm đêm gác đầu tiên, về những chặng đường hành quân rèn luyện, về những buổi học dã ngoại nắng cháy thao trường của miền đất Sơn Tây…

Nghe tôi kể, mẹ cười và bảo tôi kể chuyện y như bố viết thư cho mẹ ngày trước. Mẹ động viên tôi phải cố gắng học tập, rèn luyện cho tốt để tiếp nối con đường của bố còn dang dở. Tôi thầm hứa với mẹ sẽ học tốt hơn, rèn tốt hơn để sau này trở thành một người sĩ quan tốt, đó là động lực, nguồn cổ vũ lớn lao để tôi vượt qua những khó khăn vất vả trong suốt năm năm học viên.

Sau bữa cơm, tôi cùng mẹ trở về nhà trọ, tôi chợt nhận ra vai áo mẹ tôi được may nhiều lớp, tôi hỏi mẹ, mẹ cười và bảo: “May như vậy để khi gánh hàng cho đỡ đau vai”. Tôi nhìn kỹ vai áo mẹ, trên những lớp vải đó là những vết sờn rách, tôi hiểu vì sao vai áo mẹ sờn rách như vậy.

Tôi cũng không biết hơn mười năm qua mẹ đã gánh bao nhiêu tấn trái cây, đi hết bao nhiêu con phố. Có lẽ mỗi ngày mẹ đi bán hàng là bằng cả cung đường hành quân của đơn vị tôi bây giờ. Chính những gánh hàng trĩu vai với những con phố dài và những ngày bán hàng vất vả đã làm vai áo mẹ sờn rách. Nghĩ tới đó tôi đã bật khóc, người lính khóc vì thương mẹ quá. Mẹ cũng khóc, mẹ bảo: “Dù vai áo mẹ có sờn rách nhưng thấy các con trưởng thành là mẹ vui rồi”.

Từ đó, hình ảnh vai áo sờn của mẹ đã in đậm trong tâm trí tôi. Nó nhắc nhở tôi về sự vất vả, hi sinh của mẹ, chính vai áo sờn của mẹ đã đưa anh em chúng tôi bước chân vào giảng đường đại học. Đến bây giờ, khi đã trở thành một sĩ quan nhưng khi nhớ tới mẹ, nghĩ tới vai áo sờn đó là tôi chỉ muốn khóc, điều từ đáy lòng tôi muốn nói với mẹ là: “Con yêu mẹ, con cảm ơn mẹ!”.

Về nhà trọ, tôi được nghe nhiều câu chuyện của những người bạn bán hàng rong của mẹ. Tôi lo lắng khi nghe thông tin thành phố Hà Nội cấm bán hàng rong ở nhiều tuyến phố. Các cô, các bác và mẹ tôi sẽ rất khó khăn khi bán hàng, mẹ lại phải vất vả hơn, đi xa hơn trên những con phố dài, tôi chỉ mong mình sớm ra trường để có lương giúp đỡ gia đình, để mẹ đỡ phải vất vả.

Sự lo lắng của tôi như tan biến khi có người nói: “Chỉ có bà Xuyến là sướng, ba đứa con đều học đại học, cao đẳng, có con như thế đi bán hàng có bị công an đuổi cũng thấy sướng”. Cả phòng trọ cười vang, mẹ cũng cười và tôi biết mẹ tôi tự hào về chúng tôi nhiều lắm, anh em tôi cũng luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để đền đáp sự vất vả, hi sinh của mẹ.

Trong câu chuyện, nghe đâu đó có người nói: “Chẳng bù cho con bà Huê, học đại học gần đây mà chẳng đến thăm mẹ, lúc nào đến chỉ xin tiền rồi đi luôn”. Tôi liếc nhìn cô Huê, trên khuôn mặt của cô thoáng nét buồn, cô chỉ cười trừ rồi ngồi yên lặng. Tôi hiểu cô nghĩ gì, không biết đứa con của cô quá bận học hay cô xấu hổ khi có mẹ là người bán hàng rong. Nếu cô ta sợ đến khu nhà trọ nghèo này và xấu hổ với bạn bè vì mẹ mình làm nghề bán rong thì thật đáng trách.

Nếu được nói với cô ta, tôi sẽ đặt cho cô ta câu hỏi: mẹ bạn bán hàng rong là vì ai? Bạn có biết mẹ bạn đã gánh bao nhiêu gánh hàng, đi bao nhiêu con phố và thay bao nhiêu vai áo sờn rách không? Tôi nghĩ nếu cô ta tìm hiểu và trả lời được những câu hỏi đó chắc chắn cô ta sẽ không có những hành động như vậy.

Với tôi chẳng có gì là xấu hổ, mà trái lại tôi càng tự hào và thương mẹ hơn. Chính nghề bán hàng rong đó đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay, là con người bán hàng rong thì càng phải phấn đấu để mẹ mình không phải vất vả như vậy nữa. Sau này khi lập gia đình, chắc chắn tôi vẫn kể cho vợ con tôi nghe về vai áo sờn của mẹ, về những con phố mẹ đã đi qua, về những gánh hàng nặng trĩu vai…

Tối hôm đó tôi ngủ lại với mẹ, lâu lắm rồi tôi mới có giấc ngủ ngon như vậy. Trời gần sáng, mẹ cùng các cô, các bác trở dậy để ra chợ Long Biên lấy hàng, tôi nhìn đồng hồ mới 3g sáng, mẹ bảo tôi cứ ngủ đi mai còn về quê thăm ông bà. Mẹ đi rồi tôi nằm mà không ngủ tiếp được, tôi tự đặt câu hỏi không biết đến mùa đông mẹ sẽ như thế nào, dậy sớm như vậy chắc là rét lắm, mẹ lại vất vả hơn, gầy hơn, vai áo mẹ lại sờn rách nhiều hơn, tất cả là vì anh em chúng tôi. Nghĩ đến vậy nước mắt tôi lại trào ra và người lính lại khóc…

Đến sáng tôi trở dậy đã thấy mẹ chuẩn bị hàng xong, một gánh trái cây thật ngon và đẹp mắt, mẹ cười và đưa cho tôi một nắm xôi ăn sáng. Nắm xôi đó làm tôi nhớ đến nắm cơm của mẹ mà hồi còn đi học phổ thông, mỗi sáng mẹ đều dậy sớm nắm cho tôi để tôi ăn trưa khi đi học xa nhà. Tôi cầm nắm xôi mà hạnh phúc biết chừng nào, nó chứa trong đó là cả tình yêu thương trời biển của mẹ. Tôi nhận thấy mẹ đã thay chiếc áo khác nhưng trên vai mẹ vẫn là vết sờn rách và có lẽ mẹ còn nhiều chiếc áo nữa cũng như vậy. Chính những vai áo sơn đó mẹ đã nuôi dậy anh em tôi khôn lớn…

Mẹ khoác balô đưa tôi ra xe, mẹ bảo: “Ngày trước mẹ khoác balô tiễn bố nay lại khoác balô tiễn con, con cố gắng mà phấn đấu”. Tôi nhớ lời mẹ và nguyện quyết tâm phấn đấu để đạt được những gì mà bố còn để lại dang dở, để mẹ được vui lòng và để mẹ không còn mặc những chiếc áo sờn vai đó.

Trước khi lên xe, mẹ dúi vào túi tôi một số tiền, mẹ bảo lấy tiền đi xe, khi nào lên đơn vị thì mua quà cho các bạn. Khi ấy tiền trả nhà xe, tôi sững sờ khi thấy mẹ đưa cho tôi cả tập tiền 2.000 đồng, 5.000 đồng; đó có thể là những đồng tiền mẹ chưa kịp đếm của buổi bán hàng hôm qua. Tôi cầm những đồng tiền mẹ cho mà rưng rưng nước mắt, sợ mọi người trên xe nhìn thấy, tôi chỉ biết gục đầu vào balô mà khóc và người lính lại khóc vì thương mẹ…

Giờ đây, tôi đã trở thành một sĩ quan có bản lĩnh, không ngại khó, ngại khổ nhưng mỗi lần nghĩ tới vai áo sờn của mẹ là tôi chỉ muốn khóc. Nhiều lúc sợ đồng đội nhìn thấy, tôi trở về phòng mà khóc một mình. Ngày còn là học viên ở chung phòng với đồng đội những lúc như thế tôi chỉ trùm chăn mà khóc.

Khi đọc những dòng tâm sự này các bạn đừng nghĩ tôi là kẻ yếu đuối, mít ướt mà đơn giản vì tôi thương mẹ. Mẹ tôi vất vả, hi sinh cho anh em tôi nhiều lắm, công lao của mẹ có gì so sánh bằng đây? Một câu chuyện kể ra như vậy đâu có nói hết được về những công lao và sự hi sinh của mẹ.

Mục đích tôi tham gia cuộc thi Nét bút tri ân là để được nói ra những điều tôi muốn nói về mẹ, để mọi người được chia sẻ, để ai đó nếu có mẹ làm nghề bán hàng rong thì hãy tự hào vì mẹ, hãy yêu mẹ và thương mẹ hơn.

Điều cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ với các bạn là nếu thấy ai đó bán hàng rong xin đừng coi thường, miệt thị, bởi lẽ chính những vai áo sờn và những gánh hàng rong đó đã đưa chúng tôi vào giảng đường đại học, những con người đó chính là những vĩ nhân trong lòng của những đứa con.

NGUYỄN TRUNG TUYÊN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

NGUYỄN TRUNG TUYÊN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân