04/06/2010 08:03 GMT+7

Khi nào xét xử giám đốc thẩm?

Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI
Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI

TT - Vụ án Nông trường Sông Hậu vừa được hội đồng giám đốc thẩm (GĐT) tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) xét xử GĐT vào ngày 27-5, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại từ đầu do có nhiều sai sót trong việc xét xử.

Một vụ án khác đang được dư luận quan tâm là vụ ba thanh niên Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên (tức Lợi) và Nguyễn Đình Kiên bị TAND tỉnh Hà Tây (cũ) và tòa phúc thẩm TANDTC kết tội cướp tài sản và hiếp dâm. Cả ba bị bắt giam từ năm 2000, mãi đến ngày 26-1-2010 VKSND tối cao có kháng nghị GĐT và ra quyết định trả tự do cho cả ba người.

Vụ án này sẽ được GĐT bởi hội đồng thẩm phán TANDTC.

Để trả lời thắc mắc của nhiều bạn đọc xung quanh phiên tòa GĐT như điều kiện, quy trình xét xử, thành phần tham dự..., luật sư Nguyễn Tiến Tài có bài viết tóm tắt dưới dây:

GĐT là xét lại bản án (hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật) nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án, như:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Phân cấp xét xử

Hội đồng GĐT tòa hình sự TANDTC (GĐT vụ Nông trường Sông Hậu) gồm ba thẩm phán.

Nếu phiên tòa GĐT do ủy ban thẩm phán TAND cấp tỉnh (*) hoặc hội đồng thẩm phán TANDTC (**) (sẽ xem xét vụ án ba thanh niên nói trên) tiến hành thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của ủy ban thẩm phán hoặc hội đồng thẩm phán tham gia xét xử.

Quyết định GĐT của ủy ban thẩm phán hoặc hội đồng thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên tán thành.

Không giống với những phiên tòa bình thường, phiên tòa GĐT chỉ có hội đồng GĐT, đại diện VKS cùng cấp. Mặc dù luật có quy định khi xét thấy cần thiết, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa GĐT. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy việc triệu tập này rất hiếm khi xảy ra.

Không bắt buộc xử theo hướng kháng nghị

Phiên tòa GĐT phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị. Xin lưu ý rằng vì tòa án xét xử theo nguyên tắc độc lập và tuân theo pháp luật, do đó không nhất thiết tòa sẽ xử theo hướng kháng nghị. Hội đồng GĐT có quyền ra một trong ba quyết định sau:

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án;

2. Hủy bản án và đình chỉ vụ án;

3. Hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử lại (như vụ Nông trường Sông Hậu).

(*) Luật không quy định cụ thể bao nhiêu thành viên mà chỉ giới hạn không quá 9 người.

(**) Luật không quy định cụ thể bao nhiêu thành viên mà chỉ giới hạn không quá 17 người.

Bản án bị GÐT <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Cấp xét xử GÐT

Bản án của TAND quận, huyện

Ủy ban thẩm phán của TAND TP, tỉnh

Bản án của TAND tỉnh

Tòa hình sự TANDTC

Bản án của tòa hình sự TANDTC

Hội đồng thẩm phán TANDTC

Bản án của các tòa phúc thẩm TANDTC

Hội đồng thẩm phán TANDTC

Nhiều bản án của cùng một vụ án

Cấp trên của nơi ra bản án cao nhất

Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên