Ngay khi vừa in ra, Cánh đồng bất tận đã được đông đảo bạn đọc cả nước đón nhận với sự thán phục, thích thú trước bước phát triển mới của ngòi bút NNT, trước một thiên truyện đầy chất nhân văn đau đớn.
Dư luận cuối năm 2005 đầu 2006 vẫn tiếp tục hâm mộ NNT và Cánh đồng bất tận thì thật bất ngờ trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 643-644 tháng 4-2006 có in truyện ngắn Dòng sông tật nguyền của Phạm Thanh Khương (PTK)... mà đọc xong tôi giật mình. Dòng sông khá giống Cánh đồng về cốt truyện, nhân vật, tình tiết và nội dung.
Theo lẽ tự nhiên Cánh đồng có trước, Dòng sông có sau, người đọc thấy cái sau giống cái trước thì nghĩ ngay là cái sau có mối liên quan gì đó đến cái trước (*). Nhưng cái sự liên quan này là do đâu? Do tình cờ, những ý tưởng sáng tạo giống nhau của hai tác giả không quen biết nhau?
NNT ở Hội Văn nghệ Cà Mau, truyện Cánh đồng viết xong là gửi in ngay. PTK ở Bộ Tư lệnh biên phòng, truyện Dòng sông gửi dự thi truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Trong lịch sử văn học chuyện này cũng đã có nhưng xác suất rất ít, hiếm khi gặp.
Hay do ảnh hưởng, không phải tình cờ, PTK đã có đọc truyện NNT rồi “pha chế” lại? Theo logic hình thức thì có thể loại suy như vậy.
Nhưng, đọc Dòng sông thấy giống Cánh đồng nhiều mặt như đã nói, còn giọng điệu thì khác, có thể nói là khác hẳn. Tôi còn muốn nói là cách kể và giọng văn của Dòng sông không ám ảnh và day dứt bằng Cánh đồng.
Trước hiện tượng này và trong trường hợp này tôi nghĩ cứ để bạn đọc đọc cả hai truyện, rồi theo lẽ tự nhiên và cách hiểu của riêng mình mà xét đoán...
(*) Tác giả Bùi Việt Thắng trong bài “Phát lộ truyện ngắn” (VNQĐ số 647 tháng 6-2006) có viết: “DSTN, theo chỗ tôi biết, được Phạm Thanh Khương viết ngay sau lúc dự trại sáng tác do tạp chí VNQĐ tổ chức, nghĩa là tháng 3-2005. Nhưng mãi hơn một năm sau mới được công bố”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận