![]() |
Đây là tâm sự của Thanh B.,14 tuổi, trong lá thư em gửi đến Trung tâm Tư vấn tâm lý - giáo dục và hướng nghiệp trẻ TPHCM. Theo ông Phan Thúc Xán, giám đốc trung tâm, hiện tượng con cái mất niềm tin ở cha mẹ chiếm khoảng 30% trong tổng số các ca tư vấn tại trung tâm.
Lớn cùng nỗi hoang mang
Gọi điện đến trung tâm, cậu bé Hồng Q. học sinh lớp 5, ngập ngừng: "Ba con luôn cấm con xem hình ảnh, phim sex, bảo đó là chuyện xấu xa. Vậy mà một hôm thức khuya, thấy phòng ba còn sáng đèn, con vào thì thấy ba vào mạng chăm chú coi phim bậy bạ đó. Con không lên tiếng, chỉ đứng một lúc rồi đi ra. Con không tin ba nữa, cả với những điều rất tốt đẹp khác mà ba đã dạy cho con".
Không ít bà mẹ đã đến trung tâm sau khi đọc trộm nhật ký của con. Bà Thảo Chi, phó giám đốc của một doanh nghiệp, ray rứt: "Không hiểu sao con gái tôi lại biết tôi và bố nó đã chia tài sản, dù chúng tôi vẫn chưa ly hôn. Thật ra, vợ chồng tôi đều lo làm ăn, không ai ngoại tình, nhưng vì không hợp tính nên phải sòng phẳng chuyện tài sản để "mạnh ai nấy lo, không ỷ lại nhau”. Về con cái, chúng tôi vẫn cùng có trách nhiệm chăm sóc, nhưng con tôi lại viết trong nhật ký "mình muốn nhanh chóng biến khỏi căn nhà có hai kẻ giả dối...". Từ hai năm nay, mẹ con tôi ít khi nói chuyện với nhau. Tôi cứ tưởng, tính con ít nói, không ngờ nó đã có bạn trai từ năm lớp 8, để chuyện gì cũng chia sẻ với nhau”.
Cô bé Tuyết M., học sinh lớp 9, không muốn đến lớp vì ba em vừa bị phát hiện là một con bạc. Niềm tự hào về một người cha tài giỏi luôn được mọi người kính nể đã tan thành mây khói. Cô bé nức nở: "Dù ba là người xấu thì vẫn là ba của em, nhưng bây giờ em sợ nhất là không còn biết tin vào ai, vào điều gì. Ba luôn nói những điều hay lẽ phải. Vậy mà...".
Di chứng khó lường
Theo bác sĩ Phạm Thịnh, cộng tác viên của Trung tâm NT, trong mắt của bất cứ một đứa trẻ nào đều có hình ảnh "trần trụi đời thường" và "thần tượng lý tưởng" của ba mẹ. Vì thế, khi trẻ phát hiện ba mẹ không phải là người tốt như lời nói, mà rất xấu trong hành vi... thì sự sụp đổ trong lòng trẻ là một điều tất nhiên.
Thay đổi đầu tiên ở trẻ là có cảm giác tổ ấm gia đình đã không còn an toàn, nên đa số trẻ không muốn về nhà nữa. Ở lứa tuổi chưa chín chắn trong suy nghĩ, trẻ cảm thấy bế tắc, hoang mang, học hành sa sút... các em dễ trở thành "miếng mồi ngon" cho các băng nhóm tệ nạn.
Hậu quả của sự khủng hoảng này không chỉ diễn ra ngay hiện tại mà còn tiềm ẩn hủy hoại cả tương lai của trẻ, nếu vấn đề không được giải quyết. Bởi đó là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hình nhân cách của trẻ.
Ngọc A . đang là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Dân lập Văn Hiến, sống khép kín, luôn xa lánh chỗ đông người. Cô đi học với tâm trạng cho qua mấy năm đại học, nhìn cuộc đời với một gam màu u tối. Từ năm ba tuổi, cô đã chứng kiến ba mẹ cãi nhau, gây gổ nên bắt đầu cảm thấy hoang mang bởi trước mặt mọi người, ba mẹ cô vẫn là một cặp vợ chồng khá vui vẻ.
Vào tuổi mới lớn, Ngọc A. còn biết được nhiều biểu hiện không trung thực của cha với người ngoài. Mẹ cô chỉ biết lo
làm ăn và oán trách, chửi rủa chồng. Khi cô vào đại học, cha mẹ cô ly hôn, đúng như đã thỏa thuận với nhau là chờ đến khi con gái trưởng thành. Cô nói: "Cha mẹ tôi muốn chứng tỏ vì cùng yêu thương con nên họ cố sống vì tôi, nhưng tôi lại thấy họ quá ích kỷ. Tôi chỉ muốn sống một mình, nhưng vì chưa đủ điều kiện nên phải sống chung với mẹ tôi”.
Chuyên viên Ngô Minh Uy, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Dân lập Văn Hiến, cho rằng để "chỉnh sửa" quan điểm sống, lối suy nghĩ của các cô cậu tuổi "teen” đang trong giai đoạn khó khăn, chán nản rất cần có thời gian trị liệu lâu dài, mà việc đầu tiên khi xác lập cho họ niềm tin là tin vào chuyên viên tâm lý, người đang giúp họ hội nhập lại với cuộc sống. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cha mẹ - những tấm gương sống động. Muốn "chỉnh đốn" con cái, trước hết cha mẹ phải biết tự chỉnh đốn lại mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận