Phóng to |
Nữ diễn viên Marg Helgenberger tham gia cùng Hiệp hội Biên kịch Mỹ biểu tình tại một trong các cổng của Hãng Universal, Los Angeles ngày 5-11 - Ảnh: Reuters |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Ở Hollywood, bốn nghiệp đoàn có "thế lực" nhất là Hội Nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP), Hội đạo diễn Mỹ (DGA), Hội Diễn viên điện ảnh (SAG) và Hội Biên kịch Mỹ (WGA). Các tổ chức nghề nghiệp này là những liên đoàn lao động nghề nghiệp, không phải là các tổ chức của nhà nước, được lập ra để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên trong hiệp hội. Khi các nghiệp đoàn này ra đời, một trong những tiêu chí đầu tiên của họ chính là bảo vệ quyền sáng tạo của hội viên trước áp lực của các nhà sản xuất.
DGA, SAG và WGA đều có các hợp đồng giao ước với AMPTP mà theo đó, một số chính sách ràng buộc căn bản được giao kết để bảo vệ các quyền lợi về kinh tế như: tiền lương tối thiểu mà các hãng phim phải trả cho hội viên của mỗi nghiệp đoàn, chi phí bảo hiểm, đi lại, phần trăm chia lợi nhuận từ các tác phẩm họ tham gia...
Các nghiệp đoàn sẽ thay mặt hội viên đi... đòi tiền từ các hãng phim, sẽ đứng ra bảo vệ họ trong trường hợp có tranh chấp về tiền bạc hay về vị trí nghề nghiệp (chẳng hạn như vụ lùm xùm Tôi là ngôi sao mới đây của đạo diễn Hồng Ngân và Hãng phim HK Film), và cả việc chăm sóc hội viên khi về già với các chính sách an dưỡng.
Ngược lại, hội viên của các nghiệp đoàn này không được phép tham gia các dự án phim của các hãng phim không có hợp đồng với các nghiệp đoàn, để tránh trường hợp xảy ra kiện tụng thì họ không thể bảo vệ được hội viên của mình. Cũng vì thế, không hẳn đạo diễn, diễn viên hay biên kịch tên tuổi nào cũng là hội viên của các nghiệp đoàn lao động (George Lucas, Quentin Tarantino hay Robert Rodiguez từ chối trở thành hội viên của Hội đạo diễn Mỹ và họ không làm đạo diễn cho các hãng phim lớn của Hollywood, hoặc tự mở hãng phim riêng của mình).
Trong dịp hè vừa qua, một đoàn các nhà làm phim VN sang Mỹ để theo học khóa ngắn hạn tại Trường điện ảnh Nam California (USC School of Cinematic Arts) đã đến thăm và giao lưu với hội đồng quản trị của Hội đạo diễn Mỹ (DGA). Sau khi nghe giới thiệu về các hoạt động của DGA, hầu hết mọi người đều chặc lưỡi khi nghĩ đến... Hội điện ảnh VN. Cũng là một hiệp hội nghề nghiệp, nhưng Hội điện ảnh VN hầu như không có các hoạt động để bảo vệ quyền lợi hội viên của mình, từ quyền lợi về kinh tế đến quyền lợi về sáng tạo.
Từ khi thành lập vào năm 1936, DGA đã từng có những cuộc đình công để gây sức ép với các hãng phim, đòi hỏi các nhà sản xuất Hollywood (trước đó vốn không xem đạo diễn ra gì) phải tôn trọng quyền sáng tạo của đạo diễn, phải trả lương tối thiểu hợp lý và đảm bảo các điều kiện làm việc tối thiểu. Thế nhưng một thành viên của DGA cũng nhấn mạnh với đoàn làm phim VN rằng: "Các bạn không thể đình công và gây áp lực với các hãng phim như DGA từng làm khi mới thành lập nếu các bạn chưa có một nền điện ảnh đủ lớn mạnh. Để gây được áp lực, các bạn phải có ảnh hưởng, không chỉ ảnh hưởng với điện ảnh trong nước mà còn cả với điện ảnh thế giới. Để được vậy, trước tiên các bạn phải sản xuất thật nhiều phim và nhiều phim hay".
Cuộc đình công lần này chỉ mới bắt đầu diễn ra, vì thế chưa thể kết luận được sức ảnh hưởng của các nhà biên kịch Hollywood cũng như sức mạnh của nghiệp đoàn lớn đến đâu. Thế nhưng, việc 12.000 hội viên đồng loạt ngừng viết kịch bản chứ không phải chỉ vài cá nhân lẻ tẻ đấu tranh cũng đã phần nào bộc lộ được vai trò quan trọng của các hội nghề nghiệp tại Hollywood.
Không có tiền, không có niềm vui Theo báo Los Angeles Times, các nhà biên kịch tại New York là những người đầu tiên bỏ bút xuống đường. Hàng chục người đã tập trung xếp hàng biểu tình bên ngoài trụ sở Hãng truyền hình NBC tại tòa nhà Rockefeller Plaza, giơ cao biểu ngữ: "Đình công", "Không có tiền, không có niềm vui". Trong khi đó, tại thành phố Los Angeles, 15 đoàn biểu tình, mỗi đoàn có tới hàng trăm người, cũng tụ tập trước cửa các studio và trụ sở sản xuất phim. Hãng tin AFP cho biết trước studio của Hãng Disney tại Los Angeles, các nhà biên kịch hô vang những khẩu hiệu theo vần điệu như: "Chủ các hãng phim, giàu có và thô lỗ. Chúng tôi không thích thái độ của các người". Trong số những người tham gia biểu tình có rất nhiều nhân vật nổi tiếng như James L. Brooks - nhà sản xuất show truyền hình ăn khách The Simpsons hay Thomas Lennon - đồng tác giả kịch bản bộ phim hài đạt doanh thu hơn 570 triệu USD Đêm tại viện bảo tàng. Nhiều diễn viên cũng có mặt để ủng hộ các nhà biên kịch. "Chúng tôi không hề vui vẻ gì khi đình công - AFP dẫn lời ông Lennon cho biết - Tuy nhiên, chúng tôi muốn một hợp đồng công bằng". Ông Howard Suber, tác giả cuốn Quyền lực điện ảnh, nhận định cuộc đình công có thể sẽ kéo dài. Còn người phát ngôn của WGA thì khẳng định "bóng đang nằm trong sân của Hội Nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP)". Nhà sản xuất của một số chương trình truyền hình đã phải dự trữ sẵn chương trình cho đến tận tháng một hoặc 2-2008. Nếu các chương trình dự trữ đó bị sử dụng hết, các hãng truyền hình sẽ phải phát sóng lại những show cũ hoặc sử dụng chương trình mới không nằm trong hợp đồng với WGA. Trong khi đó, theo Reuters, sự ảnh hưởng của cuộc đình công đối với phim điện ảnh sẽ ít rõ ràng hơn do các hãng phim lớn đã dự trữ sẵn kịch bản cho đến hết năm 2008. Hiếu Trung |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận