21/03/2009 07:26 GMT+7

Khát vọng guitar

CÁT VŨ
CÁT VŨ

TT - 20g ngày 24-3-2009, tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, TP.HCM sẽ diễn ra chương trình biểu diễn guitar với sự có mặt của hai nghệ sĩ quen thuộc Dương Kim Dũng, Nguyễn Thị Phương Thảo và hai gương mặt trẻ đầy triển vọng lần đầu tiên ra mắt công chúng: Lê Bá Tài và Điền Đức Minh Nghĩa.

uLQzvO3r.jpgPhóng to
Guitarist Dương Kim Dũng - Ảnh tư liệu

Chương trình biểu diễn nằm trong khuôn khổ hoạt động thường kỳ của Câu lạc bộ guitar cổ điển Phú Nhuận - một câu lạc bộ được khai sinh từ năm 1980 và có lẽ là câu lạc bộ guitar duy nhất trong cả nước được duy trì suốt 29 năm qua.

Lẻ loi một câu lạc bộ

Lòng đam mê và sự kiên trì

Con số thí sinh đến với bộ môn guitar của Nhạc viện TP.HCM mỗi năm đông xếp thứ ba, chỉ sau thanh nhạc và piano. Nhưng thường đầu vào đông vui mà đầu ra luôn hiu hắt. Phải thật sự có năng khiếu và lòng đam mê cùng sự kiên trì trong khổ luyện thì người học mới vượt qua được đoạn đường hơn mười năm từ sơ cấp đến đại học. Chỉ riêng việc luyện ngón một ngày mất không dưới bốn giờ.

Những yêu cầu khắt khe ấy đã khiến số đông rơi rụng dần, mỗi năm có được một người tốt nghiệp đã được coi là thành công. Việc có được những guitarist tài năng hiện nay đang được công chúng yêu thích, hơn nữa được khẳng định bằng những giải thưởng trong nước và nước ngoài như Nguyễn Trí Đoàn, Nguyễn Trí Toàn, Bùi Tuấn Anh, Cao Hoàng Hà, Trần Phương Quang, Nguyễn Thanh Huy, Dương Kim Dũng, Kim Chung, Phương Thảo... là một điều rất đáng trân trọng.

Gọi là thường kỳ nhưng không thể định kỳ, trong 29 năm ấy, những buổi diễn guitar ở đây cũng thăng trầm, nổi trôi bồng bềnh với bao nỗi niềm như chính cuộc đời nghệ thuật của các guitarist.

Năm 1980, những người quản lý Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận chợt nhận ra có một đội ngũ đông đảo nghệ sĩ guitar tài năng đang bị lãng phí, muốn quy tụ họ bằng một câu lạc bộ biểu diễn. Mặt khác, các guitarist hàng đầu lúc ấy cũng ao ước có một sân chơi để tiếp cận và truyền niềm đam mê của mình đến với đông đảo khán thính giả.

Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa quên buổi ra mắt đầy ấn tượng của Câu lạc bộ guitar cổ điển Phú Nhuận. Đó là đêm 15-5-1980, ngoài trời cơn mưa dông xô ngã cây phượng già trước hội trường Nhà văn hóa Phú Nhuận làm đứt đường dây điện. Khán phòng chìm trong ánh nến vàng lung linh huyền ảo, người nghe ngồi đầy kín như mê đi trong tiếng đàn tài hoa của hai nghệ sĩ Châu Đăng Khoa và Phùng Tuấn Vũ.

Sự phấn khích ở cả người diễn lẫn người nghe đã biến các buổi biểu diễn guitar cổ điển tiếp theo trở thành ngày hội với những tên tuổi luôn được mong chờ: Châu Đăng Khoa, Phùng Tuấn Vũ, Trần Văn Phú, Đặng Văn Khôi, Nguyễn Thái Cường, Phùng Tuấn Khanh, Vũ Ngọc Giao, Lê Vĩnh, Bùi Thế Dũng, Ngô Thị Minh, Dương Kim Dũng...

Với lịch biểu diễn khá dày mỗi tháng 1-2 lần, sau hơn hai năm sức hấp dẫn của những ngón đàn trong câu lạc bộ đã mở đầu cho những cuộc thi tài năng guitar đầu tiên trong cả nước, giúp bổ sung cho sân chơi này nhiều gương mặt trẻ như Huỳnh Hữu Đoan, Trần Phương Quang, Huỳnh Bá Thơ, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Trí Đoàn, Nguyễn Trí Toàn, Trần Hoài Phương...

Thế nhưng cùng với năm tháng là những biến chuyển mọi mặt về kinh tế và xã hội đã tác động không nhỏ đến đời sống của nhạc cổ điển nói chung và guitar nói riêng. Tuổi tác cũng khiến lớp khán giả cũ không mấy ai còn hăng say đến nhà hát, trong khi khán giả thế hệ mới phần lớn bị cuốn theo trào lưu nhạc thời thượng.

Không sống được với nghề, những nghệ sĩ tài hoa thuở ban đầu của câu lạc bộ một số định cư ở nước ngoài, số còn lại tìm nghề khác mưu sinh hoặc an phận với công việc dạy đàn. “Tre già” đã lần lượt ra đi, “măng non” chưa đủ độ cứng, hoạt động của câu lạc bộ diễn ra cầm chừng mỗi năm một vài lần, có lúc phải tạm nghỉ đến ba bốn năm, và chỉ mới gượng dậy một cách đầy nhọc nhằn vài năm trở lại đây với một thế hệ guitarist mới.

9rcD7Tbu.jpgPhóng to
Guitarist Nguyễn Thị Phương Thảo - Ảnh tư liệu

Dốc lòng cho điểm diễn duy nhất

Không được xếp vào dàn nhạc giao hưởng nên guitar có một đời sống biểu diễn riêng. Những đêm guitar diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận là một nỗ lực rất lớn của từng nghệ sĩ tham gia chương trình. Họ tự lo mọi việc, từ nội dung đến tổ chức, ứng tiền trước rồi bán vé thu lại chỉ mong đừng lỗ là may, nhưng điều khiến họ tiếc xót nhất là miệt mài tập luyện hàng năm trời chỉ để phô diễn trong một lần rồi thôi, ngoài điểm diễn ở Phú Nhuận không còn một nơi nào khác.

Thật ra đã một lần trót nặng nợ với guitar khó ai có thể thanh thản quay đi được. Nghệ sĩ Châu Đăng Khoa - một trong những người tiên phong của Câu lạc bộ guitar cổ điển Phú Nhuận - sau một thời gian cùng vợ lo chuyện kinh doanh đã mở một quán cà phê lấy tên là Guitar Gỗ để thỉnh thoảng có cơ hội truyền nỗi đam mê một đời của mình đến với khán giả. Bận chuyện làm ăn, bao nhiêu năm qua anh vẫn tiếp tục sáng tác ca khúc, khí nhạc cũng như chuyển soạn cho guitar để rồi lâu lâu như vào năm 2002 và 2005, anh lại “trở về mái nhà xưa” làm một đêm nhạc của riêng mình. Chương trình Châu Đăng Khoa thứ ba anh định thực hiện trong năm 2009. “Guitar đã ở trong máu rồi làm sao bỏ được” - anh trần tình.

Trần Hoài Phương vốn là sinh viên năm 2 Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Sau khi xem các nghệ sĩ guitar nổi tiếng lúc đó về trường biểu diễn, anh bỏ Bách khoa theo về Nhạc viện học một mạch hết bậc đại học. Nhưng rồi nghe lời khuyên của một người thầy cũng là nhạc sĩ đàn anh, Trần Hoài Phương thi lại vào Đại học Kinh tế, được học bổng đi Pháp. Lang thang các cửa hàng nhạc ở Paris, anh thấy trên kệ đĩa bán CD guitar của một nhạc sĩ người Ecuador đánh nhạc của Đức Huy, anh tự hỏi tại sao guitarist VN không đánh nhạc Việt? Chút tự ái dân tộc đó đã trở thành sức mạnh giúp anh vượt qua nhiều khó khăn để rồi hai năm sau cho ra mắt album guitar Góp lá mùa xuân với 10 tác phẩm của Trịnh Công Sơn được anh chuyển soạn và biểu diễn.

Hiện nay, dù tất bật với công việc của phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn, Trần Hoài Phương vẫn là thành viên ban điều hành Câu lạc bộ guitar cổ điển Phú Nhuận. Anh thổ lộ đôi khi công việc khiến anh mệt mỏi nhưng nghe đến guitar mắt lại sáng lên, lại chuyển soạn, lại đưa ra hàng loạt sáng kiến cho hoạt động của câu lạc bộ. Anh định ra vài CD, tham gia biểu diễn đôi lần để “trả nợ học hành” nên thỉnh thoảng người thân trong gia đình lại thấy anh trốn vào góc nhà ôm đàn tập đến nửa khuya để chuẩn bị cho một chương trình biểu diễn mới. “Guitar là cái gì đó mà không thể bỏ được!” - anh thường tự trách mình như vậy.

Người có cơ hội ra đi vẫn không thể đi hẳn huống chi người đã dốc lòng ở lại. Nhưng là ở lại với nỗi buồn triền miên cho một khát vọng guitar bị chơi vơi giữa dòng nước xoáy...

CÁT VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên