![]() |
Lễ hội Nam Giao với đám rước cung đình rực rỡ và hoành tráng đã tạo nên không khí hội hè náo nhiệt trên đường phố Huế |
Từ đồng tổ chức đến hợp tác
Theo ông, nếu như ở Festival lần thứ nhất cách đây bốn năm, phía Pháp là nhà “đồng tổ chức” (mà trong thực tế là nhà tổ chức chính - PV), đến lần thứ nhì là “đối tác”, thì nay quan hệ chuyển sang “hợp tác”, phía VN đảm nhiệm (hầu như) hết mọi việc với một giám đốc festival và cả bộ máy tổ chức là của phía VN.
Chuyển giao công nghệ tổ chức có thể được xem như là trọn vẹn, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn trong những lĩnh vực khác. Có thể minh họa đánh giá đó bằng nhận xét sau của đại sứ Pháp: khởi sự, cắt băng khánh thành thì dễ, duy trì tiếp tục mới khó, và nay đã sang đến kỳ thứ ba thì điều đó có nghĩa rằng festival này là một hướng đi phù hợp với Huế. Đã khẳng định được một thương hiệu Festival Huế, mọi việc còn lại là nâng cao sức mạnh cho thương hiệu đó.
Festival Huế 2004 mang màu sắc của hội hè đình đám thật sự. Tuy nhiên, “bữa đại tiệc” festival lần này vẫn cứ còn đó những “hạt sạn nghiệp dư” khiến du khách không khỏi mệt mỏi, chẳng hạn: việc thay đổi giờ diễn chương trình nhưng không thông báo, thiếu thông tin hướng dẫn cho du khách (giữa vô số chương trình và đường đi lối lại trong Đại nội), bán nhiều vé nhưng ít chỗ ngồi...
Và nổi cộm nhất là tình trạng tăng giá khách sạn, chèn ép khách - căn bệnh mãn tính mà ban tổ chức festival hay nói rộng ra là ngành du lịch Thừa Thiên - Huế dường như bất lực. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc trở lại Festival Huế lần sau của du khách nội địa (từ ngày 10 đến 18-6, 32.696 khách nội địa đến Huế, trong khi Festival 2002 là 75.000 khách).
Quảng bá quá muộn
Festival Huế lần này được biết đến hầu như chỉ trong thời gian diễn ra, bởi truyền hình TV5 của khối Pháp ngữ: từ New York, Montreal đến Algiers... trong những ngày này đều có chương trình về Festival Huế. Tất cả những gì đại sứ Pháp nhận xét đều đúng cả. Thế nhưng, từ góc nhìn vi mô, lại có một số chi tiết cụ thể chưa cho phép hài lòng.
Claude Mathis, người phụ trách các chương rình văn hóa của Pháp tại festival lần này, nhất trí với Báo Tuổi Trẻ rằng một người nước ngoài muốn tìm kiếm Festival Huế trên mạng sẽ hầu như chỉ tìm được một số trang web của VN, còn thì không có mấy thông tin về festival, rải rác có vài dòng trên website du lịch Le Routard. Hầu như không có mấy nhà tổ chức tour du lịch Pháp nói riêng, và nước ngoài nói chung, mở ra những tour “Festival Huế”. Tại sao thế?
Về phía Pháp, Claude Mathis - người đã từng giữ chức vụ tổng thư ký AFAA (Hiệp hội Hoạt động văn hóa Pháp) , chuyên đảm trách công việc đưa các đoàn nghệ thuật Pháp ra nước ngoài biểu diễn, tức một quan chức rất thạo nghề tổ chức biểu diễn - giải thích: “Tôi cũng đã đi “rao” Festival lần thứ ba này từ mấy tháng trước cho các nhà tổ chức tour.
Thế nhưng, thật khó thuyết phục họ khi chưa trả lời được với họ rằng chương trình biểu diễn của festival cụ thể sẽ có những gì. Phải hiểu rằng trong vị trí người bán tour du lịch, các hãng lữ hành phải đảm bảo rằng đến với Festival Huế du khách sẽ được xem những chương trình văn nghệ gì và dứt khoát phải đúng chương trình.
Cho đến trước festival một vài ngày ban tổ chức mới đưa ra chương trình chính thức, sự chậm trễ này được giải thích là do không chủ động được chương trình của các đoàn nước ngoài, nhưng về mặt du lịch thì xem như thất bại. Không thể rao một đằng bán một nẻo trên thị trường du lịch, nhất là khi các hãng lữ hành lên kế hoạch cả năm trước”.
Có phải vì lý do đó mà số du khách quốc tế đến với Huế trong thời gian festival chỉ xấp xỉ 7.000 khách (6.667 khách tính từ 10 đến 18-6), thấp hơn rất nhiều so với khách quốc tế của Festival 2002 (21.000 khách trong 12 ngày).
Để có một festival chuyên nghiệp và thường xuyên
Để làm tốt tất cả công việc dài hơi đó, từ việc hình thành ý tưởng, xây dựng chương trình, rồi quảng bá, nhất là ra nước ngoài, cần tiến đến thành lập một bộ máy festival chuyên nghiệp, có đầy đủ các bộ phận chuyên trách về quản trị, truyền thông và PR, hoạt động độc lập.
Huế qua ba lần làm festival đã khẳng định đây là hướng đi đúng để làm giàu từ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của mình, và xây dựng Huế theo mô hình “thành phố festival”. Nếu thế thì không thể “dựng màn lên, hạ màn xuống” theo từng thời vụ như hiện nay.
Tất nhiên, tính chuyên nghiệp của bộ máy ấy không phải ở chỗ nhiều người, lắm phòng ban. Phía Pháp chỉ có một cán bộ từ sứ quán ở Hà Nội vào cùng sáu thực tập sinh từ Pháp qua tham gia trong hai tháng, vậy mà lo đủ mọi chuyện, từ phụ trách đón các đoàn nghệ thuật, thu xếp chỗ ăn ở, xe cộ, đối tác..., đến cả việc đi phát tờ bướm quảng cáo mỗi khi có những buổi diễn đột xuất như buổi diễn của Xavier Rist chiều chủ nhật 13-6.
Nếu có một chuyên viên phụ trách truyền thông đích thực, sẽ không thiếu những tiếp xúc giữa các nhà tổ chức và nhất là các nhà biểu diễn với báo chí. Các festival như ở Avignon, La Rochelle, mỗi sáng đều tổ chức cho các đạo diễn, huấn luyện viên tiếp xúc với báo chí để giới thiệu, giải thích về buổi diễn hay thi đấu tối đó, giúp họ hiểu hơn về nội dung, ý đồ của mình.
Một buổi diễn xiếc hiện đại như La Syncope du 7 tại Festival 2004 không dễ hiểu lắm để mà viết bình luận. Những tiếp xúc trực tiếp như thế vẫn hay hơn là “bản tin festival” hằng ngày với những thông tin mờ nhạt, vừa tốn nhân sự, vừa không thỏa mãn nhu cầu tiếp cận thông tin nguồn.
Hơn nữa, một festival chuyên nghiệp không thể năm nay tháng tư, năm sau tháng sáu, mà cần phải ấn định chính xác ngày tháng. Điều này các lễ hội của dân gian từ xưa đã làm được, thế mới gọi là “đến hẹn lại lên”. Và không phải chỉ chính xác ngày, mà còn phải chính xác thời gian của từng chương trình biểu diễn.
Một điều kiện cần nữa cho một Festival Huế, đã được khẳng định từ Festival 2004, đó là thời tiết. Nếu chỉ diễn ra trong nhà hát, hội trường thì không thể có hội hè, nhưng các hoạt động ngoài trời như các kỳ festival vừa qua vẫn chưa thật sự có phương án thích nghi với trời mưa.
Tổng hợp từ ý kiến của du khách và người dân Huế, chúng tôi đề xuất nên củng cố và hoàn thiện để duy trì một số chương trình sau đây, như là hoạt động thường xuyên của thành phố du lịch Huế: - Phố đi bộ bên bờ sông Hương, với các hoạt động như vẽ chân dung cho du khách, mua bán tranh, sáng tác nghệ thuật sắp đặt (installation) và nghệ thuật biểu diễn (performance), vẽ tranh trên mặt đường, chơi thư pháp, hòa tấu kèn đồng ở Nhà kèn... Ngay bây giờ cần lưu tâm đến vấn đề vệ sinh. - Ấn tượng Huế xanh - một tour du lịch miễn phí hoàn toàn mà chất lượng cao. Đặc biệt đã thiết kế được nội dung một chuyến dạo chơi nhẹ nhàng mà gây ấn tượng mạnh: rất Huế. Thế nhưng tour du lịch này lại mới chỉ là cuộc chơi ngẫu hứng của một nhóm thanh niên tình nguyện xanh thành phố Huế trong mấy ngày festival mà thôi. - Chợ quê ngày hội, thu hút khách bởi một hình ảnh khác của Huế: mộc mạc và bình dị (bên cạnh một Huế cung đình trầm mặc, quí phái). Cầu ngói Thanh Toàn, bộ sưu tập nông cụ, bài chòi và bánh canh là những món đậm đà, đặc sắc, nhưng cách tổ chức phiên chợ quê vẫn còn vội vã, luộm thuộm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận