![]() |
Nhà biên kịch Nguyễn Hồ |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Sau thành công của loạt phim tài liệu ký sự như Trung Hoa du ký, Mekong ký sự, Ký sự hỏa xa, Ký sự Tân Đảo…, Đài truyền hình TP.HCM đang có những dự án làm tiếp các phim Ký sự sông Hằng, Ký sự sông Volga… Bên cạnh đó, Đài truyền hình VN cũng đang thực hiện phim Lan Thương - Mekong… Những dự án của các “ông lớn” này khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Và, thêm một hãng phim cũng đã vào cuộc: Mekong Film. Điều đáng nói ở đây Mekong Film là một hãng phim tư nhân, mới toanh, qui mô nhỏ. Nhưng điều gì khiến họ dám “đương đầu” với một dự án lớn như vậy?
Chúng tôi đã gặp nhà biên kịch Nguyễn Hồ - người viết đề án Khám phá VN cho Mekong Film…
* Thưa ông, Khám phá VN do ông viết đề án, Hãng Mekong thực hiện phải chăng là một cuộc “cạnh tranh” với các “ông lớn”?
- Thoạt trông thì thấy như vậy. Nhưng xin nói rõ hơn đây là dự án mà tôi đã theo đuổi từ nhiều năm trước, ngay sau khi về hưu (4-2003, Nguyễn Hồ trước đó là giám đốc Hãng phim TFS - Đài truyền hình TP.HCM - PV). Khi đang công tác tại hãng phim, tôi cũng từng trực tiếp tham gia làm các phim tài liệu Trung Hoa du ký và Mekong ký sự…
Tôi nhận thấy đây là một hướng đi đầy hứa hẹn. Bản thân tôi cũng học được nhiều từ việc tổ chức đoàn phim, sử dụng thiết bị cũng như phương pháp thể hiện nội dung… Nhưng cũng có thể nói hầu hết các phim ký sự của chúng ta dẫu vô tình hay hữu ý đều nghiêng về chính luận, tính khám phá khách quan về đời sống, môi trường, văn hóa… còn ít. Cho nên tôi bắt tay vào thực hiện dự án Khám phá VN với mong muốn làm những phim khám phá thật sự kiểu “Discovery”...
![]() |
Rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: N.C.T. |
- Nói thật là tôi cũng mang đề án này “chào hàng” nhiều nơi. Có nơi “oK” nhưng lại không tìm được “đầu ra”. Cũng có hãng phim nước ngoài sẵn sàng làm ngay nhưng tiền của họ “khiêm tốn” nên tôi sợ chất lượng không đảm bảo. Cuối cùng cũng có một nơi hưởng ứng rất nhiệt tình, đó là Mekong Film do Nguyễn Văn Vạn làm giám đốc. Anh Vạn là người có nghề làm chủ nhiệm phim đã trên 10 năm và rất tâm huyết với phim tài liệu. Nói đúng hơn là anh Vạn cũng có máu khám phá và thích… liều mạng.
* Và, ngay từ phim đầu tiên này sẽ có sự xuất hiện của diễn viên Hồng Ánh trong vai trò MC - người dẫn chuyện xuyên suốt?
- Về cơ bản Hồng Ánh đã nhận lời. Chúng tôi để cho Hồng Ánh tự viết kịch bản MC, tất nhiên là phải bám sát đường dây của kịch bản phim. Đoàn làm phim cũng quay các cảnh dựa trên đường dây kịch bản, xong rồi về dựng lại, kịch bản cũng được viết lại. Đó là phong cách làm phim khám phá kiểu “Discovery”. Xin nhấn mạnh, chúng tôi không làm theo kiểu chính luận mà thật sự khám phá với tôn chỉ: “vẽ lại bản đồ gene” đất nước VN hiện đại bằng phim ký sự.
Khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ bấm máy vào ngày 23-9 (kịch bản: Tường Phương, thạc sĩ Lê Đức Tuấn; đạo diễn: Trần Thanh Hùng); phim dự kiến dài 15 tập, mỗi tập 20 phút, tổng kinh phí 500-600 triệu đồng. Những dự án khác đang triển khai của Mekong Film là: Phố Tây, Người Hoa Chợ Lớn, Vườn quốc gia Cát Tiên, Lòng chảo Đồng Tháp Mười, Địa đạo Củ Chi… |
* Nhưng xem các phim của Discovery, chúng ta thấy MC thực chất là những người trong cuộc: nhà báo, nhà khoa học… Họ đã dẫn chuyện rất tự nhiên vì am tường sự việc, với kiến thức chuyên môn vững chắc… Liệu Hồng Ánh có đảm đương nổi không?
- Chúng tôi cũng đã tính đến chuyện này. Cho nên, ngoài Hồng Ánh là MC dẫn chuyện xuyên suốt, chúng tôi sẽ có những “MC tại chỗ”, tức là những người tại địa phương, nơi đoàn phim làm việc, bất kể là nông dân hay tiến sĩ, miễn họ am hiểu vấn đề và nói chuyện một cách hồn nhiên. Đó cũng là điểm thú vị trong hành trình khám phá VN.
* Phim ký sự VN trước đó đã từng đi rất xa, đã từng đến tận Trung Quốc, Amazon, Tân Đảo, nhưng bây giờ các ông lại đi rất gần. Có lý do nào không, thưa ông?
- Phim Mekong ký sự, theo tôi, cái khó nhất không chỉ ở Trung Quốc hay Campuchia, mà chính là ở hạ nguồn trên phần đất Nam bộ. Khán giả bao giờ cũng chuộng cái mới lạ, cái họ chưa biết và rất khắt khe với những gì họ đã quen thuộc. Phim ký sự khám phá phải theo tiêu chí hay, mới, lạ. Chưa hay thì cũng phải mới, lạ mới có khán giả.
Làm phim khám phá đất nước mình mà với tư duy cũ, công nghệ cũ thì sẽ không mới, không lạ, do đó cũng khó hay. Có lẽ nhà đầu tư cũng như nhà đài e ngại với phim ta, thích “hương xa hơn hương gần” là vì vậy. Khám phá đất nước con người VN cần phải có cả một quyết tâm và một chiến lược đầu tư cho dòng phim chuyên nghiệp. Qua phim Ký sự Tân Đảo, tôi rút được bài học: muốn khám phá thế giới, trước hết phải khám phá người Việt mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận