01/05/2011 05:23 GMT+7

Khám phá Trường Lũy

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TT - Sau khi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận Trường Lũy (Quảng Ngãi) là di tích lịch sử văn hóa quốc gia (ngày 9-3-2011), đã có nhiều khách du lịch chọn Trường Lũy làm nơi khám phá...

t5DR6hH0.jpgPhóng to

Một góc Rum Đồn ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) - Ảnh: V.Q.C.

Từ TP Quảng Ngãi muốn đến thăm bốn đoạn Trường Lũy đã dựng bia bản ở huyện Nghĩa Hành và Ba Tơ, du khách có thể đi taxi, thuê xe khách 12 chỗ ngồi, nhưng hấp dẫn nhất là đi xe máy.

Rời thành phố từ sớm mai, trực chỉ hướng tây nam lên Nghĩa Hành qua những cánh đồng xanh khoảng 10km là đến thị trấn Chợ Chùa. Tại đây, có thể dùng bữa sáng với món cháo vịt hoặc ghé quán cà phê vườn nào đó phía trên cầu Bến Đá ăn bánh mì ốpla, nhâm nhi cà phê trước khi tiếp tục hành trình.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học VN, người đã cùng các chuyên gia khảo cổ Trung tâm Viễn đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội nghiên cứu từ năm 2005-2010, Trường Lũy được xây dựng đầu thế kỷ 19, có chiều dài 133km đi qua tám huyện của Quảng Ngãi và hai huyện của Bình Định, trong đó đoạn Quảng Ngãi có chiều dài 113km. Tuy nhiên qua những hiện vật khai quật ở Trường Lũy cho thấy Trường Lũy được xây dựng từ thế kỷ 17.

Qua đèo Eo Gió, rồ ga bỏ lại con đường uốn quanh vách núi là lên đến cầu Cộng Hòa. Dừng xe trên cầu, ngắm sông Vệ lững lờ trôi, xa xa là những xóm nhà, bãi mía xanh rờn, cảm nhận sự yên bình vùng quê miền trung du.

Đến thôn Thiên Xuân, trước khi lên đèo Đá Chát có thể dừng chân ở vùng đèo Bỏ Giáp, ghé “đồn ông Quan Ta” - một đồn lính sơn phòng triều Nguyễn dựng lên để bảo vệ Trường Lũy, gặp những bậc cao niên trong vùng để nghe những giai thoại thú vị.

Sau khi đổ dốc đèo Đá Chát ngoằn ngoèo, bạn sẽ dừng chân ở đoạn Trường Lũy thuộc thôn Tân Long Hạ, xã Ba Động, từ đó ngược lên vài cây số theo biển chỉ dẫn là đến đoạn Trường Lũy thôn Nam Lân. Tại đây, khách du lịch được mục sở thị những đoạn lũy còn khá nguyên vẹn với đáy lũy rộng khoảng 4m, chiều cao 3m, mặt lũy rộng 2-2,5m xếp bằng đá, bề mặt khá bằng phẳng.

Tháng năm và mưa nắng đong đầy trên những bờ lũy rêu phong. Ở đoạn Trường Lũy thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), địa lan chen nhau mọc từ những khe đá nên nhìn từ xa thành lũy chìm trong màu xanh mượt mà. Nhiều du khách đã bỏ công tìm nhưng không hề thấy có chất kết dính nào giữa các hòn đá nên rất thán phục kỹ thuật xây lũy độc đáo của người H’Rê bản địa.

Buổi trưa, du khách có thể bày các món ăn đã chuẩn bị sẵn để ăn ngay dưới chân đoạn Trường Lũy mát rượi rồi mắc võng nằm nghỉ. Nếu muốn tận hưởng hương vị vùng cao thì ngược đường 10km đến thị trấn Ba Tơ ghé một quán nào đó gọi cá niêng nướng hoặc luộc chấm muối ớt. Đậm đà hơn thì dùng các món ăn đặc trưng của đồng bào H’Rê như thịt trâu nướng lá lốt, thịt trâu nấu xà bần nhâm nhi với món rượu cần của người H’Rê tại sân vườn Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ.

Trời ngả chiều, ngược đường về đến thị trấn Chợ Chùa, bạn đừng quên ghé đoạn Trường Lũy xã Hành Dũng, cách thị trấn Chợ Chùa chừng 10km về hướng tây. Tại đây còn lưu dấu vết Rum Đồn (đồn lính sơn phòng) với bốn bức thành xếp bằng đá, bên ngoài có đoạn đường xưa chạy qua. Không ngăn cách giữa miền ngược với miền xuôi, đây là nơi đồng bào các dân tộc vùng cao mang quế, chè, sa nhân đổi cho người Kinh để mua mắm, muối, chiêng ché, nồi đồng. Từ đây, ngược lên khoảng 500m là đến đồn lính sơn phòng triều Nguyễn nằm ở ngay đỉnh đèo Chim Hút...

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên