19/10/2008 20:02 GMT+7

Khalid MuHmood: "Việt Nam đã không phụ lòng tôi"

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bố là người Iraq, mẹ là người Anh nhưng Khalid Muhmood quyết định đến Việt Nam để khởi nghiệp vào 14 năm trước với niềm tin vào cơ hội phát triển ở một đất nước giàu tiềm năng.

RCacKJDs.jpgPhóng to
Khalid cùng vợ, cô Arabella Peters, người luôn bên cạnh ông trong cả công việc và cuộc sống
Bố là người Iraq, mẹ là người Anh nhưng Khalid Muhmood quyết định đến Việt Nam để khởi nghiệp vào 14 năm trước với niềm tin vào cơ hội phát triển ở một đất nước giàu tiềm năng.

Dù bộn bề với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của một trung tâm Anh ngữ lớn nhất nhì nước, Khalid vẫn dành thời gian để tham gia các hoạt động từ thiện cùng Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam. Đôi lúc lại thấy ông xuất hiện trên truyền hình trong vai trò khách mời đặc biệt của chương trình Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia… hay cùng bạn bè trong đội bóng Saigon Raiders chơi đá banh những ngày cuối tuần.

Dường như với Khalid, cuộc sống tất bật chưa bao giờ làm ông mệt mỏi bởi niềm tin “cứ làm những gì mình thích và thích những gì mình làm”.

“Việt Nam đã không phụ lòng tôi”

Nhắc lại những năm đầu mới đến Việt Nam, Khalid vẫn nhớ rõ lúc ấy trên đường chỉ toàn xe đạp hay xích lô và muốn gửi fax phải đến tận bưu điện trung tâm làm thủ tục nhiêu khê. Rồi thành phố chuyển mình phát triển từng ngày, xe hơi chen chúc kín đường và người ta có thể gửi e-mail ngay trên điện thoại di động. Những đổi mới, thịnh vượng ấy không chỉ là niềm tự hào của người dân, mà còn là niềm vui của Khalid vì sự chọn lựa đúng đắn của mình ở thời điểm 14 năm trước.

Bố mẹ ông đều hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và gặt hái nhiều thành công ở châu Âu lẫn Trung Đông, nhưng Khalid không muốn dựa dẫm vào nền tảng mà gia đình có sẵn. Bằng niềm tin tuổi trẻ, ông đến Việt Nam và chọn nơi đây để bắt đầu sự nghiệp, dù cả bố mẹ và bạn bè đều can ngăn, họ cho rằng Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á khác có nhiều triển vọng hơn. Thực tế đã không phụ lòng Khalid, đất nước hình chữ S không chỉ giàu sức sống, phát triển nhanh mà còn rất quan tâm đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ.

Hơn mười năm qua, trong vai trò sáng lập và điều hành Trung tâm Anh ngữ Apollo, Khalid đã gặp rất nhiều tấm gương vượt khó khiến ông cảm phục tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Từ những bà mẹ làm phụ bếp hay hầu bàn ráng dành dụm tiền cho con ăn học đến những cậu bé bụi đời lang thang kiếm sống vẫn nuôi khát vọng, ý chí vượt lên số phận đói nghèo.

Trong số đó, có một cậu bé đánh giày được trung tâm ngoại ngữ của Khalid tài trợ ăn học vì ông nhìn thấy đằng sau những vất vả, lấm lem của cuộc sống sớm bươn chải ấy là một tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Và một lần nữa, niềm tin vào cuộc sống, vào con người đã không làm ông thất vọng. Nhờ vốn tiếng Anh và kinh nghiệm học được từ những nơi mà Khalid giới thiệu vào giúp việc, cậu bé đánh giày ngày xưa giờ đã là chủ của ba nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội, là niềm hãnh diện và ấm lòng của Khalid mỗi khi nhắc đến.

Bên cạnh những học bổng khuyến học mà trung tâm ngoại ngữ của ông dành cho các tấm gương vượt khó, Khalid còn cùng các người bạn nước ngoài tham gia các hoạt động giúp ích cộng đồng nơi đây. Vì lẽ đó mà mọi người trong Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) đã tín nhiệm bầu ông làm chủ tịch.

Cuối tháng 9 vừa qua, BBGV vừa tổ chức cuộc chạy bộ Fun Run 2008 nhằm gây quỹ hỗ trợ các hoạt động từ thiện với sự tham gia của hơn 5.000 người và quyên góp được gần 38.000 USD. Đây là năm thứ chín cuộc chạy bộ từ thiện thu hút đông đảo các doanh nhân nước ngoài cùng toàn thể nhân viên của những doanh nghiệp đa quốc gia tham dự. Mơ ước của Chủ tịch BBGV là chương trình Fun Run mỗi năm không chỉ có những đoàn thể nước ngoài mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam để lòng từ tâm, nhân ái của tất cả mọi người vượt qua ranh giới quốc gia.

Đi, nhìn và suy ngẫm

Cùng lúc đảm nhiệm cả hai chiếc ghế chủ tịch, một nơi là tâm huyết do mình xây dựng, một nơi là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp đến từ quê hương Anh quốc, trọng trách ấy không làm Khalid cảm thấy bị áp lực. Ông cân bằng giữa cuộc sống và công việc bằng những chuyến đi khám phá đất nước Việt Nam và cảm nhận rõ những thay đổi trong lối sống của con người khắp miền Nam Bắc. Khalid hiểu rõ đất nước này đến nỗi cứ sang tháng 10 là ông muốn ra Hà Nội để đắm mình trong trời thu mát dịu, còn những ngày giáp Tết thì chỉ có Đà Nẵng hây hẩy gió xuân mới giữ được chân ông.

Đi nhiều, thấy nhiều nên Khalid có những suy nghĩ khá sâu sắc, nhạy bén về con người nơi đây. Ông tâm sự trong nhật ký cá nhân trên mạng (blog) của mình rằng: “Người Việt Nam đúng là người Ý của Đông Nam Á. Người Ý dù đi bất cứ đâu cũng phàn nàn là thức ăn ở đó không ngon bằng thức ăn ở quê họ. Người Việt cũng y như vậy!”. Kết luận đó được ông rút ra sau một chuyến công tác đưa những phụ huynh Việt Nam sang Anh tìm trường cho con du học, và cả đoàn phải lòng vòng suốt buổi để tìm cho bằng được nhà hàng có phục vụ món nước mắm đặc sản của người Việt.

Một sở thích khác mà Khalid có thể say sưa kể hết cả ngày, đó là đá banh. Ông cùng những người bạn thành lập đội bóng mang tên Saigon Raiders và thi đấu giao hữu với các đội bóng đến từ các công ty bạn. Trên sân bóng, mọi ưu phiền, mệt nhọc tan biến và Khalid có thể bình tâm suy nghĩ về những thành bại, được mất trong cuộc sống đã trải qua.

Ngay cả khi thấy những cầu thủ trên sân, ông cũng liên tưởng đến công việc, chẳng hạn một cầu thủ chỉ biết giữ bóng và phô diễn kỹ thuật cá nhân sẽ không bao giờ giúp ích cho tập thể bởi anh ta không muốn ai khác ngoài bản thân ghi bàn. Đó là lý do Khalid rất hâm mộ huấn luyện viên Alex Ferguson của câu lạc bộ Manchester United vì ông thầy của “Quỷ đỏ” chú trọng đào tạo những cầu thủ trẻ coi trọng tập thể và biết tạo nên bàn thắng từ sự phối hợp ăn ý của cả đội. Điều này gợi nhắc cho ông về cách tuyển dụng và tin dùng những nhân viên trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết. Dù những người trẻ có thể sẽ phạm sai lầm nhiều hơn những nhân viên có kinh nghiệm, nhưng Khalid tin vào tinh thần hăng say và thái độ tích cực, linh động khi hợp tác làm việc đội nhóm của họ.

Dường như chưa bao giờ niềm tin mất đi trong người đàn ông mang hai dòng máu Á - Âu này từ khi ông đặt chân đến Việt Nam, tin vào cuộc sống, tin vào con người, tin vào những chọn lựa và quyết định của bản thân. Và niềm tin cũng đã mang về cho Khalid Muhmood những vinh dự ông không quên bao giờ. Đó là Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vào năm 2007 và khi bài viết này đến tay độc giả, Khalid cũng đang chuẩn bị lên đường về nước Anh để nhận Huân chương MBE do chính Nữ hoàng Anh trao tặng vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở nước ngoài.

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên