15/11/2006 17:41 GMT+7

Khai mạc triển lãm quy mô lớn về tranh sơn mài Việt Nam

Theo Nhân Dân
Theo Nhân Dân

Lần đầu tiên, một triển lãm quy mô lớn về tranh sơn mài Việt Nam đã khai mạc chiều nay 15-11, tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, với 96 tác phẩm, thì triển lãm này không phải lớn nhất về số lượng tranh sơn mài, nhưng có một quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bởi đây là lần đầu tiên trong lĩnh vực sơn mài, có một triển lãm chuyên đề tập hợp đầy đủ các tác giả tiêu biểu Việt Nam từ quá khứ tới hiện tại, từ Bắc tới Nam trong quy mô toàn quốc.

Trong số 81 tác giả tham dự triển lãm, có 13 tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực sơn mài thuộc thế hệ các hoạ sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đó là các đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Khang… Họ là những người có công đầu trong việc phát triển chất liệu sơn ta từ trang trí sang nghệ thuật hội hoạ, đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của nghệ thuật sơn mài độc đáo của Việt Nam.

4Dwg0rPf.jpgPhóng to

Trần Văn Cẩn - Mùa đông sắp đến - 1957 - 1960

MLOrFk28.jpgPhóng to

Nguyễn Sáng - Múa vòng - 100x90cm - 1980

68 tác giả còn lại có mặt tại triển lãm là thế hệ kế tục, gắn bó với sơn mài và đã đạt được những thành công trong lĩnh vực này. Có thể kể đến các hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên, Lê Trí Dũng, Lý Trực Sơn, Trương Bé… và những gương mặt trẻ sau này như Nguyễn Quốc Huy, Công Kim Hoa, Trịnh Tuân…

B0o22IJJ.jpgPhóng to

Nguyễn Quốc Huy - Nắng trong vườn - 120x180cm - 200

Ban tổ chức cho biết, tiêu chí tuyển chọn các tác phẩm để giới thiệu tại triển lãm trước hết là phải dùng chất liệu truyền thống. Ban tuyển chọn chỉ chấp nhận những tìm tòi sáng tạo thể hiện qua chủ đề tác phẩm.

96 tác phẩm được tuyển chọn từ ba nguồn: sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sưu tập của Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh và từ các tác giả đương đại gửi đến tham dự. Hai nguồn trên thì chẳng có gì bàn cãi, vì đây đương nhiên là những tác phẩm có giá trị đã được khẳng định qua thời gian. Còn những tác phẩm của các tác giả đương đại, mặc dù có một số ý kiến thắc mắc là chưa hoàn toàn dùng chất liệu truyền thống, nhưng Ban tổ chức khẳng định, đó là tác phẩm của các tác giả có nhiều năm gắn bó với sơn mài và nếu có một vài sự pha tạp về chất liệu thì cũng chỉ là điểm xuyết phục vụ cho sáng tạo tìm tòi.

Ông Trần Khánh Chương cũng cho biết, với sự tập hợp đông đủ các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của sơn mài Việt Nam, triển lãm này hy vọng mang lại một cái nhìn khái quát về sự phát triển của sơn mài trong nửa thế kỷ qua.

Đánh giá về sự phát triển tiếp nối này, ông Hoàng Đức Toàn, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, thành viên Hội đồng tuyển chọn cho biết: Những tác phẩm của thế hệ hoạ sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thực sự là những di sản quý giá của nghệ thuật sơn mài. Có thể thấy rõ sự kỹ càng tỷ mỉ, một không gian ước lệ và sự mô tả hiện thực cuộc sống sinh động trong các bức Chạy giặc trong rừng của Tô Ngọc Vân, Cảnh nông thôn của Nguyễn Gia Trí, hay trong các tác phẩm của Trần Văn Cẩn, Hoàng Tích Chù…

Đến thế hệ các hoạ sĩ sau này, đã có sự phát triển đa dạng trong nghệ thuật sơn mài. Đa dạng về đề tài, chủ đề, ý tưởng. Đa dạng trong bút pháp thể hiện. Nếu như các hoạ sĩ thế hệ trước chú trọng đến những chi tiết tỉ mỉ, thì các hoạ sĩ đương đại đơn giản hơn với mảng, khối, thể hiện qua bố cục. Nhiều tác phẩm sơn mài mang phong cách siêu thực, lập thể, trừu tượng cũng được thể hiện thành công như Tổ ba người của Vũ Duy Nghĩa, Vật của Đoàn Văn Nguyên…

1jAS5r7B.jpgPhóng to

Đoàn Văn Nguyên - Vật -200x120cm - 2006.

Nhưng dù những tìm tòi sáng tạo của các hoạ sĩ phong phú, đa dạng đến thế nào, thì sơn mài của Việt Nam chỉ thực sự có giá trị độc đáo ở chỗ là phải giữ được chất liệu truyền thống và quy trình sáng tác hoàn toàn thủ công.

Chất liệu sơn ta lấy từ nhựa của cây sơn trồng nhiều ở vùng đồi trung du tỉnh Phú Thọ với những đặc điểm như đen, bóng, bền chắc, thường được dùng trong việc trang trí các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các công trình kiến trúc đình chùa.. Đến những năm 30 của thế kỷ XX, sơn ta được sử dụng làm chất liệu mới cho sơn mài. Theo một số chuyên gia về lĩnh vực này, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có nghệ thuật sơn mài phát triển, rực rỡ và độc đáo.

Theo Nhân Dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên