Trong ruột người có rất nhiều loại vi khuẩn làm nhiệm vụ phân giải thức ăn tạo ra chất bã và hơi xen lẫn. Hằng ngày cơ quan tiêu hóa của mỗi người thải ra một lượng khí có thể tích từ 600-2.000ml. Ruột co bóp, sôi bụng, hơi được đẩy ra ngoài thành đánh trung tiện ở hậu môn là điều bình thường.
Có một số loại thức ăn khi tiêu hóa sản sinh ra nhiều khí hơn những thức ăn khác. Đứng đầu bảng là hạt đậu. Đậu gây đầy hơi, đó là vì vỏ hạt đậu chứa những chất đường không tiêu hóa được. Khi đậu vào đến đại tràng, các vi khuẩn ở đó ăn các chất đường và sản xuất ra nhiều sản phẩm phụ là khí. Muốn làm giảm hiện tượng đầy hơi do đậu, cần ngâm kỹ hạt đậu khô với nước và rửa sạch đậu trước khi nấu để loại bỏ hết lượng đường không tiêu hóa được ở vỏ đậu. Ngay việc dùng đậu đóng hộp cũng cần phải xả nước và rửa sạch đậu.
Một số thức ăn khác cũng sản sinh ra nhiều hơi là bắp cải, súp lơ, cải xoong, cải xoăn... Ngoài ra, với một số người không dung nạp đường lactose trong sữa và không tiêu hóa được thì triệu chứng rõ ràng nhất là đầy hơi sôi bụng và trung tiện nhiều. Uống các loại nước giải khát có gas, hay do ăn quá nhanh, nuốt thức ăn lẫn với hơi cũng làm bị đầy hơi.
Để tránh hiện tượng đầy hơi sôi bụng, khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ và ngậm miệng khi ăn. Bớt uống nước khoáng, đồ uống có gas, nếu có thói quen nhai kẹo cao su thì cần phải bỏ. Chỉ ăn đậu đã loại bỏ vỏ và giảm ăn các loại rau sản sinh nhiều khí như nói ở trên. Có thể uống thêm các viên thuốc than hoạt tính như carbophos, uống 1-2/viên ngày, uống trong 3-5 ngày.
Ngoài ra nên thường xuyên luyện tập thể dục và chọn chơi 1-2 môn thể thao để giúp ruột tránh ứ đọng khí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận