![]() |
Bị can Lê Minh Hoàng nguyên giám đốc CTĐL TP.HCM bị bắt vào tháng 10-2005 |
“Chẻ” gói thầu, nâng khống giá...
Tháng 8-2003, Lê Minh Hoàng ký tờ trình gửi Tổng công ty điện lực VN (EVN) về việc duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị cho các công trình sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên lưới điện thành phố năm 2004. Trong đó có gói thầu điện kế kỹ thuật số 1 pha, số lượng 40.000 chiếc, đơn giá 340.000 đồng/chiếc (tổng trị giá 13,6 tỉ đồng).
Tháng 10-2003, phó tổng giám đốc EVN Trần Quốc Anh ký phê duyệt tờ trình, có ghi rõ gói thầu 44 là điện kế kỹ thuật số 1 pha (gọi tắt điện kế điện tử), số lượng 40.000 chiếc, đơn giá 340.000 đồng/chiếc... và giao cho giám đốc Công ty Điện lực (CTĐL) TP.HCM lập hồ sơ mời thầu, cũng như thực hiện công tác đấu thầu.
Danh sách các bị can đề nghị bị truy tố Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc CTĐL. Lê Văn Hoành, nguyên phó giám đốc CTĐL. Huỳnh Ngọc Thành, nguyên phó phòng kinh doanh CTĐL. Nguyễn Văn Hiệp, nguyên trưởng Phòng kỹ thuật CTĐL. Lê Văn Tinh, nguyên trường Phòng vật tư CTĐL. Thiều Túc, nguyên phó giám đốc Trung tâm Thí nghiệm điện. Lê Ngô Hữu Thiện Tâm, nguyên trưởng phòng Hợp tác quốc tế CTĐL. Nguyễn Ngọc Hồ, nguyên trưởng phòng kinh doanh CTĐL. Nguyễn Trung Thảo, nguyên phó phòng tài chính kế toán CTĐL. Võ Thành Long, nguyên Quản đốc phân xưởng điện kế Trung tâm thí nghiệm điện. Phạm Kim Hưng, nguyên trưởng phòng tài chính kế toán CTĐL. Thái Minh Dương, nguyên trưởng phòng Hợp tác quốc tế CTĐL. Nhóm sản xuất và buôn bán hàng giả; trốn thuế Trần Công Điền, nguyên phó tổng giám đốc Công ty Linkton Vina Phan Hữu Quang, Quản đốc phân xưởng Công ty Linkton Vina Nguyễn Trọng Hiếu, nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty Linkton Vina Trần Thị Liên, phó chủ tịch HĐQT công ty Linkton Vina Đặng Thị Kim Liên, nguyên kế toán trưởng Công ty Linkton Vina * Hai bị can Wong Justin và Wong Ka Ho, nguyên tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Linkton Vinna bị đề nghị truy tố hai tội sản xuất và buôn bán hàng giả; tội trốn thuế, nhưng do đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã quyết định tạm đình chỉ điều tra. Khi bắt được sẽ phục hồi điều tra và xử lý. |
Thế nhưng, Nguyễn Thanh Long - nguyên trưởng phòng kinh doanh - lại có công văn gửi Phòng hợp tác quốc tế và xuất nhập khẩu đề nghị số lượng đấu thầu mua sắm... 10.000 chiếc điện kế điện tử (ĐKĐT).
Lê Ngô Hữu Thiện Tâm, nguyên Trưởng phòng hợp tác quốc tế và xuất nhập khẩu, trình đề nghị này lên ông Lê Minh Hoàng và được ông giám đốc đồng ý “duyệt” với đơn giá một chiếc ĐKĐT là 580.000 đồng/chiếc.
Như vậy, ngay từ khâu lập tờ trình, lập hồ sơ mời thầu, Lê Minh Hoàng và Lê Ngô Hữu Thiện Tâm đã tự ý “chẻ” số lượng từ 40.000 thành 10.000 ĐKĐT và nâng đơn giá từ 340.000 đ/ chiếc lên 580.000 đ/ chiếc, trái với kế hoạch đã được EVN phê duyệt mà không báo cáo EVN. “Đây là hành vi cố ý làm trái... của các bị can để hợp thức hóa các thủ tục chuẩn bị cho việc đấu thầu”.
Cơ quan điều tra cho biết một hồ sơ mời thầu bắt buộc phải đáp ứng 12 điều kiện nhưng hồ sơ mời thầu của CTĐL TP thì từ thiếu đến... thiếu (thiếu kinh nghiệm đã thực hiện dự án, trình độ cán bộ, bảng cân đối kế toán, lợi nhuận...) vẫn được chấp nhận! Chưa kể, hồ sơ mời thầu được Lê Ngô Hữu Thiện Tâm soạn thảo và Lê Minh Hoàng đã”duyệt” trước khi tổ chuyên gia xét thầu được thành lập.
Ngoài ra, hồ sơ mời thầu của Linkton chào ĐKĐT 1 pha, nước sản xuất Singapore, nhưng nhà thầu Linkton đã nộp ĐKĐT 1 pha mẫu ghi mã hiệu LTE 66 220V-10 (40)A của Công ty Linkton Vina - vi phạm điều kiện tiên quyết của tiêu chuẩn xét thầu.
Lê Ngô Hữu Thiện Tâm khai: “Khi xét thầu, ông Lê Minh Hoàng có biết hồ sơ của nhà thầu Linkton Singapore vi phạm các điều kiện trong hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn xét thầu nhưng vẫn đồng ý để nhà thầu này đạt yêu cầu, phê duyệt cho trúng thầu”.
“Công nghệ” làm hàng giả
Quá trình điều tra đã làm rõ “công nghệ” sản xuất hàng giả được các bị can tính toán ngay từ đầu và tổ chức thực hiện một cách qui mô và tinh vi.
“Qui trình” sản xuất hàng giả được các bị can thực hiện bằng việc dựng nên một liên doanh Linkton Vina với một bên “đại diện” là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Quang Trung (công ty Quang Trung, trụ sở 672/6 Lê Quang Định, P.1, Q.Gò Vấp, TP.HCM) do Trần Thị Liên làm đại diện, tỉ lệ góp vốn là 35%, bên còn lại là công ty Linkton Singapore.
Ngày 1-10-2003, Wong Justin Kaleung, lúc đó là Tổng giám đốc công ty Linkton Vina, ký hợp đồng mua của công ty Shanghai Star Instrument (Trung Quốc) 2 băng kiểm tra tự động nhiệt năng đồng hồ nhằm phục vụ việc... kiểm tra ĐKĐT. Tiếp đó, Justin ký nhiều hợp đồng mua của công ty này một số lượng lớn vỏ đồng hồ kỹ thuật số, bo mạch điện tử và gấp rút hướng dẫn công nhân qui trình lắp ráp ĐKDT 1 pha.
Sau đó, Wong Ka Ho (phó tổng giám đốc Công ty Linkton Vina) và Trần Thị Liên đã bàn bạc thống nhất ký hợp đồng với ông vợ chồng ông Lê Văn Hoành (nguyên phó giám đốc CTĐL TP) và Lê Thị Mười thuê căn nhà của ông bà này tại 43EF Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận để đặt trụ sở văn phòng giao dịch và trưng bày sản phẩm. Sau khi trúng thầu, ngày 30-1-2004, Justin ký hợp đồng với CTĐL TP bán 10.000 chiếc ĐKĐT, 25 bộ đầu đọc và 1 bộ phần mềm, trị giá 383.000 USD.
Ngay sau đó, Công ty Linkton Vina và “đối tác” là Công ty Quang Trung ký hợp đồng với các công ty của Trung Quốc mua bo mạch, linh kiện đồng hồ kỹ thuật số và linh kiện trong nước đưa về 43EF Hồ Văn Huê để sản xuất, lắp ráp ĐKĐT.
Chưa hết, Justin còn lấy pháp nhân của công ty Vinh Thuận và DNTN Sing Chế ký nhiều hợp đồng với các công ty của Trung Quốc rồi làm thủ tục bán lại cho công ty Linkton Vina (chia hoa hồng cho các công ty). Nhằm”thu gom” đủ linh kiện phục vụ việc sản xuất hàng giả, công ty Linkton Vina ký hợp đồng với các công ty trong nước để mua đế nhựa, hộp nhựa bảo vệ, ốc vít, nắp đậy, mặt nhãn hiệu đồng hồ...
Việc sản xuất ĐKĐT dỏm được thực hiện trên công nghệ... thủ công, Bằng “công nghệ” và linh kiện hết sức “trời ơi”, từ ngày 30-1-2004 đến 6-12-2004, “nhà máy” 43EF Hồ Văn Huê đã cho ra lò 312.000 chiếc ĐKĐT dán mác “Linkton Singapore” và bán cho CTĐL TP mà không qua công đoạn kiểm định, đăng ký phê duyệt mẫu theo qui định của pháp luật.
Táo tợn hơn, Justin và ka Ho đã làm giả C/O (nguồn gốc xuất xứ hàng hóa) của 10 hợp đồng bán hàng cho CTĐT TP và bốn hợp đồng khác không có C/O. Theo kết quả giám định của Bộ KHCN-MT, toàn bộ 312.000 ĐKĐT mà Công ty Likton Vina bán cho CTĐL là hàng giả.
Theo kết luận điều tra, Công ty Linkton Vina từ khi có quyết định thành lập cho đến khi có quyết định khởi tố chủ yếu chỉ sản xuất ĐKĐT tại 43EF Hồ Văn Huê. Tổng số tiền CTĐT TP thanh toán cho công ty Linkton Vina là gần 186 tỉ đồng.
Như vậy, theo qui định của pháp luật, các cơ quan chức năng đã khẳng định 312.000 ĐKĐT là hàng giả thì không thể đưa ra sử dụng lại, điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Ngoài ra, từ ngày từ 1-2 đến 15-4-2004, Justin và Ka Ho thay nhau ký nhiều hợp đồng nhập khẩu linh kiện ĐKĐT với công ty Shanghai Star Instrument, dùng thủ đoạn gian dối trong khai báo hải quan nhằm mục đích trốn thuế gần 4 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng việc chi phí mua sắm ĐKĐT 1 pha, CTĐL TP có thể hiện trong báo cáo quyết toán năm 2004 đã được EVN phê duyệt, đồng thời từ tháng 7-2004 đến tháng 7-2005 phòng kinh doanh CTĐL TP đều có báo cáo tổng hợp số ĐKĐT gửi Ban kinh doanh thuộc EVN. Vì thế, theo chúng tôi, lãnh đạo EVN và các phòng chức năng không thể không đề cập đến trách nhiệm liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận