05/02/2007 14:19 GMT+7

Kéo dài sự sống bệnh nhân ung thư

Theo MỸ HẰNG - Tiền Phong
Theo MỸ HẰNG - Tiền Phong

Bệnh nhân ung thư vú tiêm thuốc Aslem sống lâu hơn nhóm không tiêm ba năm. Những nhóm ung thư khác bước đầu cũng cho kết quả khả quan sau khi dùng thuốc này. Đây là thành tựu sau 35 năm nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học VN.

ElU2Ow1f.jpgPhóng to
PGS. TS Đào Kim Chi với sản phẩm thuốc tiêm điều hòa miễn dịch đầu tiên trên thế giới do Việt Nam sản xuất

Bệnh nhân ung thư sống lâu hơn

“Ba năm sau khi phẫu thuật và điều trị bằng thuốc tiêm Aslem, đến nay sức khỏe của tôi khá lên rất nhiều”, chị L., một bệnh nhân ung thư vú điều trị tại viện K (Hà Nội), cho biết. Chị L. là một trong 74 bệnh nhân tình nguyện tiêm Aslem sau phẫu thuật vào năm 2004. Đến nay chị L. vẫn khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường.

“Theo dõi hiệu quả của Aslem trong điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư vú phối hợp với phẫu thuật, tia xạ và hóa chất ở bệnh viện K năm 2004 cho thấy, 74 bệnh nhân ở nhóm được điều trị bổ trợ bằng Aslem có sự cải thiện về thời gian sống thêm ba năm so với nhóm bệnh nhân không được điều trị. Số bệnh nhân xuất hiện tái phát ở nhóm không được điều trị cao hơn so với nhóm được điều trị bằng Aslem", PGS. TS Đào Kim Chi, Chủ nhiệm đề tài KC.10.DA13 - nghiên cứu thuốc tiêm Aslem cho bệnh nhân ung thư - cho biết.

Liên tiếp các cuộc thử nghiệm trên nhiều loại ung thư khác cũng bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan. 23 bệnh nhân ung thư gan tại BV Việt Đức, có dùng bổ trợ Aslem, sống thêm 21 tháng sau mổ so với 12 bệnh nhân khác chỉ phẫu thuật đơn thuần.

Theo dõi trên bệnh nhân ung thư gan di căn giai đoạn nặng cho thấy bệnh nhân được phẫu thuật không dùng Aslem có thời gian sống thêm sau mổ trung bình 11 tháng; bệnh nhân được phẫu thuật có dùng Aslem thời gian sống thêm sau mổ trung bình 20 tháng. Thử nghiệm Aslem trên bệnh nhân ung thư tâm vị tại BV Việt Đức cho thấy tỷ lệ sống sót sau 12 tháng ở bệnh nhân được phẫu thuật và dùng Aslem là 60,6% trong khi nhóm chỉ phẫu thuật đơn thuần là 33,3%.

Đối với 88 bệnh nhân ung thư phế quản tại Viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, nhóm dùng Aslem sau phẫu thuật sống thêm từ 6-24 tháng so với nhóm không dùng. Theo dõi tiếp tục sau ba năm nhận thấy tỷ lệ sống sót ở nhóm dùng Aslem là 70% so với 33% ở nhóm không dùng Aslem.

Đặc biệt, Aslem còn giảm chi phí điều trị cho người bệnh hơn thuốc ngoại nhiều lần. Nếu tính một đợt điều trị sáu tháng khi dùng Thymongen (Bungaria) phải tốn hết gần 5 triệu đồng, dùng thuốc của Mỹ phải hết gần 7 triệu đồng, trong khi dùng Aslem chỉ tốn hết 1 triệu đồng.

Sản xuất 400.000 ống Aslem/năm

Với tác dụng kích thích các tế bào có chức năng miễn dịch, Aslem còn đặc biệt hiệu quả đối với bệnh nhân suy kiệt, giảm sức đề kháng do bệnh tật, tuổi tác hoặc làm việc trong môi trường độc hại.

“Sau hàng chục năm làm việc, tiếp xúc nhiều loại hóa chất, bản thân tôi cũng phải tiêm Aslem để tăng cường miễn dịch và phục hồi sức khoẻ” - PGS Chi cho biết.

Aslem cũng chỉ định dùng trong các trường hợp suy giảm miễn dịch như các bệnh mãn tính về gan, phổi, thận, HIV…

Các nhà khoa học hy vọng sau khi chuyển từ thuốc tiêm sang dạng viên nén, người nhiễm HIV sẽ có cơ hội tiếp cận với thuốc hơn là dạng tiêm dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.

Lịch sử của Aslem bắt đầu từ năm 1958, khi GS Khương Hữu Quý tại Paris chiết tách và phân lập được hoạt chất Funturmin từ một loài cây có nguồn gốc châu Phi.

Hàng chục năm sau đó, nhiều nhà khoa học VN đã tiến hành nghiên cứu, tổng hợp thành công Glycyl Funturmin (GF) từ nguyên liệu Funturmin và chứng minh được chất này có tác dụng kích thích miễn dịch.

Mãi đến năm 1973, GS Tôn Thất Tùng lần đầu tiên dùng GF để phối hợp điều trị cho bệnh nhân ung thư gan tại BV Việt Đức và cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, nguồn Funturmin chiết xuất từ cây tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm. Để tìm kiếm nguồn thay thế, PGS Chi đã sang Hà Lan tìm con đường nghiên cứu.

Sau nhiều năm theo đuổi, PGS Chi đã thành công khi tìm ra cấu trúc của hoạt chất Funturmin trong cây tự nhiên và tổng hợp được cấu trúc này bằng các phương pháp hóa học.

Đến nay các nhà khoa học đã hoàn thiện quy trình tổng hợp hoàn toàn được nguyên liệu, không phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu ở châu Phi. Cụ thể đã tổng hợp được 311,7g GF (nguyên liệu chính để sản xuất Aslem) đủ để pha 800.000 ống Aslem theo kế hoạch.

Gần 6.000 ống Aslem đã được sản xuất, trong đó có gần 45.000 ống được thử nghiệm thành công tại xưởng thuốc tiêm GMP của Công ty CP Dược phẩm Vĩnh Phúc (VINPHACO) và tiến tới sản xuất 400.000 ống Aslem/năm.

Theo MỸ HẰNG - Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên