23/10/2005 07:02 GMT+7

"Kẻ ngoại đạo" ở làng Phù Lãng

HOÀI TRANG
HOÀI TRANG

TTCN - “Kẻ ngoại đạo” ấy từng có thâm niên gần 11 năm làm hướng dẫn viên du lịch, thế rồi anh ta quyết định làm lại từ đầu với một nghề mới dù chưa hề có một ngày vốn kinh nghiệm lận lưng: sản xuất và kinh doanh gốm, mà lại là gốm Phù Lãng.

Ue9SYRyG.jpgPhóng to

Nguyễn Minh Nhật với sản phẩm gốm Thượng Nguyên

TTCN - “Kẻ ngoại đạo” ấy từng có thâm niên gần 11 năm làm hướng dẫn viên du lịch, thế rồi anh ta quyết định làm lại từ đầu với một nghề mới dù chưa hề có một ngày vốn kinh nghiệm lận lưng: sản xuất và kinh doanh gốm, mà lại là gốm Phù Lãng.

“Kẻ ngoại đạo” ấy vẫn thường xuyên đến với xưởng gốm bằng những chuyến bay Sài Gòn - Hà Nội, rồi từ thủ đô tiếp tục đi thêm mấy chặng xe về làng gốm Phù Lãng. Anh ta cũng có thể ngồi hàng giờ để bình phẩm về dòng gốm Phù Lãng, thành thạo từ chất đất cho đến từng màu men cũng như từng nét vẽ... Lý do nào khiến anh ta đến với gốm Phù Lãng với niềm đam mê như thế? “Kẻ ngoại đạo” Nguyễn Minh Nhật kể:

- Những năm làm nghề hướng dẫn du lịch, tôi đã từng đưa du khách tham quan nhiều làng gốm ở Bình Dương, Bát Tràng... và có lẽ bắt đầu mê gốm từ đó. Nhưng mê thích vẫn là mê thích chứ tôi chưa hề có ý định gì với nghề làm gốm hiện nay. Cho đến khi tôi gặp được cô gái bây giờ đã là vợ mình. Cô ấy cũng mê gốm lắm và chúng tôi đã bàn với nhau mở một cửa hàng kinh doanh về gốm.

Từ khoảng 900 năm trước, cùng với Bát Tràng và Thổ Hà, làng Phù Lãng là một trong ba trung tâm gốm dân gian có tiếng ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Gốm Thổ Hà gần như đã thất truyền, gốm Bát Tràng giờ đây cũng chẳng còn mấy là “chân truyền”, bị lai tạp nhiều, còn làng Phù Lãng hầu như chỉ làm chum vại tiểu sành. Vài năm gần đây, một số nghệ sĩ, nghệ nhân quê tại Phù Lãng đã có những nỗ lực để làm sống lại tên tuổi gốm Phù Lãng mà người được biết đến nhiều nhất là Vũ Đức Nhung với thương hiệu “gốm Nhung” đã nổi danh một dạo.

Khi cửa hàng đầu tiên mở ra năm 2003, tôi đã phải rong ruổi khắp nơi tìm nguồn, đặt hàng... Cũng có người hỏi vì sao tôi lại chọn gốm Phù Lãng thay vì là gốm Bình Dương, Bát Tràng vốn quen thuộc, gần gũi với nhiều người tiêu dùng hơn. Thật ra, tôi tiếp xúc và biết nhiều về các loại gốm Việt nhưng vẫn mê nhất là gốm Phù Lãng. Chỉ có chất đất ở Phù Lãng mới cho ra một gam màu men đặc biệt không nơi nào có được.

Không bóng bẩy, cũng không nổi tiếng như gốm Bát Tràng nhưng gốm Phù Lãng, theo tôi, tinh tế hơn và tôi có cảm giác nó lưu giữ được cái hồn của đất.

Sắc độ của sản phẩm gốm Phù Lãng, ngoài tác động của bàn tay người thợ thủ công, còn nhờ được nung theo phương pháp truyền thống: đốt bằng củi thay vì bằng gas, bằng điện như ở nhiều nơi khác. Nhờ đốt lò nung bằng củi nên không chỉ màu đất vừa tươi vừa trầm mà màu men da lươn gần như không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Cũng bùn pha với tro và đất, nhưng nắm tay của người thợ bữa ít bữa nhiều, bùn hôm lỏng hôm đặc, rồi còn tâm trạng người thợ lúc vui lúc buồn... nên mẻ men trước không bao giờ giống mẻ men sau.

Lần đầu tiên đi tìm mua gốm Phù Lãng, tôi chưa tìm được đúng nguồn gốc chính xác, nơi phát xuất của nó. Có người chỉ qua Hương Canh, Vĩnh Phúc và Hải Dương nhưng tôi tìm mãi vẫn không ra. Ra Hà Nội rất nhiều lần nữa tôi mới lần về được Bắc Ninh rồi vào làng Phù Lãng. Từ đường cái vào đến làng gần 10 cây số, cho đến giờ vẫn còn khó đi.

Đó là một làng nghề cổ có từ xa xưa, sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, hàng hóa chủ yếu là chum, vại dùng hằng ngày. Chỉ có vài nơi làm gốm mỹ thuật nhưng cũng sản xuất rất ít nên có muốn đặt hàng đa dạng và với số lượng lớn cũng khó. Chính vì thế chúng tôi quyết định xây dựng một xưởng gốm mới của chính mình khi cửa hàng ở Sài Gòn đã bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng, mà như đã kể, khó tìm được nơi nào làm theo đúng ý mình. Thêm nữa, nếu không mở xưởng thì rất khó đẩy mạnh xuất khẩu...

l8BQ3pha.jpgPhóng to
Tranh gốm của Phạm Minh Thông và Nguyễn Đức Thịnh
Đầu năm 2004, tôi thuê được 1.000m2 đất của dân làng trong 10 năm để dựng xưởng, sau đó qui tụ thợ có tay nghề, tìm kiếm họa sĩ thiết kế và vẽ gốm. Sản phẩm làm ra được đưa hết vào Nam, ngoài cửa hàng ở TP.HCM tôi cũng mở thêm một showroom ở Bình Dương để giới thiệu, xuất nhập hàng hóa cho dễ dàng vì đó vốn là đất gốm.

Ngoài bạn hàng trong nước, gốm Phù Lãng thương hiệu Thượng Nguyên của chúng tôi giờ được xuất qua Mỹ, Đan Mạch... Xưởng ở làng có 50 thợ, với 16 họa sĩ. Thật may mắn là Phù Lãng cũng là “đất” của Trường Mỹ thuật công nghiệp và Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Nhiều bạn trẻ đến xưởng của chúng tôi từ những đợt thực tập và đã quay trở lại làm việc...

* Không chỉ gặp bà xã mà anh còn may mắn gặp được nhiều người cộng sự tâm đầu ý hợp...

- Tôi thường để cho những người thợ và họa sĩ làm việc tự do, trong đầu nghĩ gì thì làm đó chứ không gò bó họ vào một khuôn mẫu nào. Ngoài việc định hình sản phẩm theo mẫu (chẳng hạn đèn gốm hình tròn hoặc hình trụ, hình ống... ), họ có thể trang trí bất kỳ hoa văn nào họ sáng tác ra. Chính vì vậy mà gần như mỗi sản phẩm thành hình đều là một tác phẩm, không có sản phẩm hàng loạt. Cũng là một cái bình, cái lọ nhưng không hiểu lúc đó trong lòng người thợ nghĩ gì mà bỗng dưng họ ngẫu hứng bóp méo nó đi, khoảng méo mó ấy lại thể hiện hình ảnh một con sông đang gợn sóng rồi trên ấy lại được vẽ thêm một hình ảnh đậm chất dân gian như chú mèo ra sông bắt cá...

* Bây giờ chắc anh không còn bị coi là “kẻ ngoại đạo”?

epnQvTzK.jpgPhóng to
Tranh gốm của Phạm Minh Thông và Nguyễn Đức Thịnh
- Gia đình tôi chẳng ai làm gì gần với nghề gốm này cũng như với hội họa. Nhưng tôi gắn bó và sống được với gốm nhờ đam mê nó thật sự. Để có được ngày hôm nay, tôi đã từng mò mẫm tìm hiểu không biết bao nhiêu tài liệu về gốm, đến những làng nghề để học hỏi những người thợ đang trực tiếp sản xuất. Theo nghề gốm đã nhiều năm nhưng thú thật vẫn còn nhiều cái mình chưa biết hết đâu. Tôi vẫn đang học và cũng đang tập tễnh làm gốm...

* Cuộc triển lãm gốm Phù Lãng với chủ đề “Lưu giữ hồn của đất” tại Hội Mỹ thuật TP.HCM khá ấn tượng, hai họa sĩ trẻ đến từ làng gốm Phù Lãng nghe nói đều là “người” của Thượng Nguyên?

- Đứng ra tài trợ và tổ chức triển lãm cá nhân cho Phạm Minh Thông và Nguyễn Đức Thịnh (Thông là SV của Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, Thịnh vừa tốt nghiệp trung cấp hội họa), tôi không chỉ nhằm giới thiệu những tác phẩm mang hơi thở Phù Lãng với một công chúng mới mà còn muốn các bạn trẻ đang làm việc cho Thượng Nguyên có dịp cọ xát với môi trường nghệ thuật ở phía Nam. Toàn bộ số tiền bán các tác phẩm hơn 2.000 USD đã được chúng tôi trao tặng Quĩ nạn nhân chất độc da cam TP.HCM.

Trong cái laptop lúc nào Nguyễn Minh Nhật cũng kè kè mang theo, ngoài hàng loạt tài liệu, hình ảnh mẫu mã hàng trăm loại sản phẩm, tác phẩm gốm Phù Lãng... loáng thoáng còn thấy cả bảng... chấm công của xưởng! Anh khoe đã dành dụm và mới mua được 1.500m2 đất làng để chuẩn bị mở thêm một xưởng thứ hai. Gốm và cái tên Phù Lãng giờ đã theo anh đến cả từng bữa ăn, giấc ngủ...

HOÀI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên