Nhìn bề ngoài, nhà D67 chỉ là một ngôi nhà nhỏ bình thường, không ai nghĩ đây là Tổng hành dinh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nơi những mệnh lệnh chỉ đạo của hai cơ quan này được đưa ra để đi đến thắng lợi 30-4-1975 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Trong 7 năm, ngôi nhà giản dị nép dưới những lùm cây cổ thụ trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long này đã bảo đảm an toàn cho bộ thống soái tối cao làm việc, hoạch định chủ trương, chỉ đạo tổ chức thực hiện giai đoạn cuối cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhà D67 có tên đầy đủ là Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, bao gồm nhà D67 và hầm D67. Nơi đây có phòng làm việc của hai vị đại tướng lừng danh của Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Phòng họp của nhà D67, nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đưa ra những quyết định sáng suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đi đến thắng lợi cuối cùng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Theo thông tin của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, năm 1966, Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh phá thủ đô Hà Nội. Mức độ đánh phá ngày càng ác liệt.
Năm 1967, để đảm bảo nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, Sở chỉ huy, Bộ Quốc phòng tại Hoàng thành Thăng Long (Hành cung thành Hà Nội thời nhà Nguyễn).
Ngôi nhà thiết kế và xây dựng vào năm 1967, được gọi là nhà D67, nay trở thành di tích lịch sử - cách mạng Nhà D67, thuộc Hoàng thành Thăng Long.
Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở phía đông nhà D67. Đại tướng đã làm việc trong căn phòng này từ năm 1968 đến năm 1980 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1976 về trước là Đảng Lao động Việt Nam), bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam làm việc tại đây từ tháng 9-1968. Nhà D67 là một thành tố cơ bản của Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong di tích nhà D67 có phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng ở phía tây nhà D67, Đại tướng đã làm việc ở đây từ năm 1968 đến 1992 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, nhà D67 là một trong những công trình kiến trúc quân sự ít ỏi trong kháng chiến chống Mỹ còn tương đối nguyên vẹn. Nguyên nhân chính là do công trình được xây dựng bằng vật liệu bền vững: sắt, thép, gạch, cát, ximăng. Khi có hiện tượng hư hỏng, công trình được sửa chữa kịp thời. Mặt khác, công trình nằm trong khu vực nghiêm mật, được bảo vệ chu đáo.
Nhìn bề ngoài, nhà D67 chỉ là một ngôi nhà mái bằng bình thường với kích thước 43,02 x 20,85m, chiều cao đỉnh mái 7,89m nép dưới những lùm cây cổ thụ trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long.
Khi vào bên trong, yếu tố quân sự mới hiện rõ. Ngôi nhà có tường dày 0,6m, cách âm, cửa có 2 lớp: lớp ngoài bằng thép tấm dày 1cm. Trên mái có 1 lớp cát, cản được mảnh rốc két và mảnh bom thông thường. Hành lang sau thông với hai cửa xuống hầm ngầm. Cửa hầm làm bằng thép tấm.
Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có 4 cửa: phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng có 2 cửa. Khi xảy ra sự cố, có thể nhanh chóng thoát ra ngoài hoặc xuống hầm ngầm.
Cầu thang nối từ hành lang nhà D67 xuống hầm D67 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Hầm D67 (hầm Quân ủy Trung ương) được xây dựng năm 1967 cùng với nhà D67. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khi cần thiết và là phần quan trọng trong kết cấu nhà D67.
Hầm sâu 9m, được xây dựng kiên cố để chống bom. Hầm có ba tầng cầu thang lên xuống.
Cầu thang phía nam thông với Nhà con rồng, hai cầu thang phía Bắc thông với nhà D67.
Cánh cửa bước vào căn hầm bí mật sâu dưới lòng đất 9m - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Hầm gồm 3 phòng, lớn nhất là phòng trực ban, hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật như: bàn làm việc của Bộ Tổng tham mưu, bản tiêu đồ khổ lớn để định hướng máy bay địch, những bộ điện đàm, điện thoại nối với Phủ Chủ tịch...
Phòng họp lớn dưới căn hầm bí mật - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Phòng họp này còn lưu giữ nhiều hiện vật bao gồm cả các dụng cụ cứu thương phòng khi có sự cố - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bộ ấm chén và phích nước rất phổ biến của một thời, được bày trên bàn làm việc trong phòng họp dưới hầm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Sơ đồ trận đánh đêm 26-12-1972 tại khu vực Hà Nội được treo tại phòng họp dưới hầm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bộ dụng cụ sinh hoạt đơn sơ thời chiến của các tướng lĩnh tài ba được trưng bày tại phòng họp - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Hành lang trong hầm D67 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Phòng trực ban thông tin dưới hầm D67
Hệ thống thông hơi lọc độc của Hầm D67 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận