![]() |
Cụ Irena Sendler trong một cuộc gặp nhóm sinh viên Mỹ tại Warsaw tháng 7-2005 Ảnh: AP |
Năm 1939, khi Đức chiếm đóng Ba Lan, Irena Sendler là một nhân viên xã hội. Lúc này Gestapo đã tập trung khoảng 450.000 người Do Thái vào các khu trại tại thủ đô Warsaw, nơi họ sống trong đói khát và bệnh tật nhưng không mảy may ngờ vực về thảm họa treo lơ lửng.
Sendler là một tín đồ Cơ Đốc giáo, giả làm y tá xin phép ra vào trại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Vào trại, Irena thông báo với những người Do Thái rằng họ sắp bị đưa đi, thuyết phục các bậc cha mẹ tin cậy giao con cho mình để cứu chúng.
Bà lập một nhóm bí mật gồm 20 thành viên chuyên che giấu các em, làm giấy tờ tùy thân mới cho chúng rồi đưa tới nơi an toàn. Bà và đồng đội lén chuyển bọn trẻ ra ngoài theo đường cống, trong vali và trên xe rác, xe cứu thương. Đôi khi họ phải đưa chó lên xe: tiếng chó sủa giúp che lấp tiếng khóc thét của những đứa trẻ không muốn rời bầu vú mẹ.
Phát biểu tại Thượng viện Ba Lan trong cuộc họp tôn vinh bà Irena ngày 14-3, Tổng thống Lech Laczynski nói Irena Sendler là biểu tượng của tất cả những người Ba Lan đã mạo hiểm để cứu người Do Thái. “Bà xứng đáng được cả dân tộc chúng tôi tôn kính” - ông trân trọng. Ông gọi bà là một “đại anh hùng cần được đề cử kịp thời giải Nobel hòa bình”. |
Năm 1943, Sendler bị Gestapo bắt. Bà bị giam giữ và tra khảo suốt ba tháng trời, nhưng cả khi bị đánh gãy chân, bà cũng không hé một lời về thân phận những đứa trẻ được đưa đi. Tên tuổi, thân thế bọn trẻ bà viết ra giấy, bỏ vào lọ rồi chôn dưới gốc cây táo trong những khu vườn lân cận.
Chiến tranh kết thúc, bà đào những chiếc lọ này lên và tìm cách đoàn tụ các gia đình. Hầu hết những bậc cha mẹ không còn nữa. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ đã tìm được họ hàng sống nhiều nơi ở châu Âu. Năm 1965, Irena Sendler được Đài tưởng niệm nạn diệt chủng Yad Vashem của Israel thưởng huy chương “Đạo đức” cho những người cứu dân Do Thái.
Cụ bà Sendler hiện đang sống trong một nhà dưỡng lão tư ở Warsaw. Do sức khỏe yếu nên cụ chỉ gửi thư tới quốc hội và Elzbieta Ficowska - một trong những người được cụ cứu thoát khi còn là một bé gái sáu tháng tuổi - đã đọc thư này: “Mỗi đứa trẻ được tôi và những sứ giả bí mật khi đó cứu giúp, nhiều người nay không còn nữa, chính là biện minh cho sự tồn tại của tôi trên Trái đất này, không phải là một cái cớ để tự hào”. Điều duy nhất mà cụ hối tiếc là “không thể cứu được nhiều hơn” và nhắc nhở: “Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi xảy ra địa ngục diệt chủng, nhưng bóng ma của nó vẫn lơ lửng trên thế giới, chúng ta không được phép quên”.
Đến nay, cụ Sendler là một trong 181 nhân vật được đề cử giải Nobel hòa bình 2007. Trước khi Ba Lan chính thức đề cử Irena, một phong trào công dân đã thu thập 12.000 chữ ký đề cử bà là ứng viên của giải.
Dù đoạt giải hay không, câu chuyện của bà đã được lưu truyền khắp thế giới. Nhân chứng Elzbieta Ficowska chia sẻ: “Trên nền sự lãnh đạm của thời đại chúng tôi, tấm gương của Irena rất quan trọng”. Sự dũng cảm của bà động viên những thế hệ đi sau rất nhiều, nhắc họ rằng nếu không thờ ơ với số phận những người xung quanh, người ta có thể tạo nên sự thay đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận