04/10/2005 10:31 GMT+7

Intifada lần thứ 3 sẽ bùng nổ?

ĐỒNG HƯƠNG
ĐỒNG HƯƠNG

TTO - Những diễn biến bạo lực nghiêm trọng trong mấy ngày qua ở Gaza và Bờ Tây - trùng với dịp kỷ niệm lần thứ 5 ngày nổ ra cuộc “Intifada II”, khiến dư luận cả Palestine và Israel không khỏi lo lắng cảnh báo khả năng nổ ra cuộc Intifada lần thứ 3 của người Palestine.

Intifada II nổ ra sau ngày 28-9-2000. Ariel Sharon, lúc ấy là lãnh tụ cánh hữu đối lập ở Israel, bất chấp sự phản kháng quyết liệt của người Palestine, đã thực hiện việc đến thăm khu Thánh đường al-Aqsa- thánh địa tranh chấp có tính lịch sử giữa Hồi giáo và Do Thái giáo tại Jerusalem.

Người Palestine lập tức trả đũa “hành động báng bổ Hồi giáo” này và phát động bạo lực tấn công quyết liệt người Do Thái - kể cả dân thường - ở lãnh thổ Palestin bị chiếm đóng (Bờ Tây và Gaza) cũng như bắn hỏa tiễn và đánh bom tự sát vào sâu trong lãnh thổ Israel. Cuộc nổi dậy vũ trang này đã chấm dứt giai đoạn hòa bình tương đối giữa Palestine với Israel kể từ sau hiệp định Oslo năm 1993. Quân đội Israel đã trấn áp thẳng tay cuộc nổi dậy. Kết quả sau 5 năm bạo động, 5.000 người bị thiệt mạng mà chủ yếu là người Palestine.

Từ đầu năm 2005 đến tháng 9 này, Intifada II có phần lắng dịu. Đó là kết quả của nỗ lực từ nhiều phía, quốc tế cũng như khu vực và bản thân đôi bên trực tiếp đối đầu. Việc thủ tướng Israel - Ariel Sharon - thể hiện quyết tâm thực hiện kế hoạch “đơn phương tách rời” mà nội dung chủ yếu là rút bỏ hoàn toàn dải Gaza, chấm dứt sự chiếm đóng từ năm 1967 đến nay, đã nhen lên hy vọng về một giải pháp “đổi đất lấy hòa bình”.

Phía Palestine, cả chính quyền và các nhóm vũ trang ngoài chính quyền, cũng đáp lại bằng thỏa thuận đình chỉ các cuộc tấn công vào các mục tiêu Do Thái và tạo điều kiện cho Israel thực hiện rút khỏi Gaza trong an toàn. Kết quả là trong năm 2005 chỉ có 500 người thiệt mạng (vẫn chủ yếu là người Palestine), thấp hơn nhiều so với 4 năm trước đó. Trong 1 tháng thực hiện kế hoạch rút bỏ Gaza (từ 15-8 đến 12-9-2005), các vụ bạo lực qua lại chỉ còn là lẻ tẻ.

Tuy nhiên, từ sau khi Israel hoàn thành việc rút bỏ Gaza, lãnh thổ này đã rơi vào tình trạng gần như ngoài tầm kiểm soát. Các nhóm vũ trang ngoài chính quyền, mà chủ yếu là Hamas, Jihad Islami và một vài nhóm khác công khai phô trương lực lượng, thách thức chính quyền Palestine do ông Mahmoud Abbas làm tổng thống.

Những người cực đoan này muốn chứng tỏ việc Israel rút bỏ Gaza là “chiến công” của họ và thề tiếp tục chiến đấu để “giải phóng” toàn bộ Bờ Tây vẫn còn bị Israel chiếm đóng. Hoạt động của các nhóm vũ trang này, trước hết là Hamas, làm cho dư luận nghĩ rằng họ muốn tranh chấp quần chúng với chính quyền Palestine do Phong trào Fatah làm nòng cốt, để giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử dự định tổ chức vào ngày 25-1 năm sau.

Đối với Israel, Hamas và Jihad vẫn bảo lưu quan điểm chiến lược của họ là “không công nhận sự tồn tại của Israel trên toàn bộ lãnh thổ Palestine” (theo họ là bao gồm Israel hiện nay và Gaza, Bờ Tây thuộc Palestine). Họ không từ bỏ “quyết tâm tiêu diệt thực thể Sionist” - từ được họ dùng để chỉ Israel. Sau khi Israel rút khỏi Gaza, một số vụ bắn hỏa tiễn từ Gaza sang lãnh thổ Israel vẫn xảy ra ngoài ý muốn của chính quyền Palestin.

Một vài nhóm vũ trang ngoài chính quyền còn tiến hành một số vụ tấn công vào người và cơ quan của lực lượng an ninh chính quyền Palestin tại Gaza “đã giải phóng”. Tình hình đang nghiêm trọng dần lên khiến người ta không khỏi lo ngại về một nguy cơ xung đột nội bộ giữa chính quyền Palestine với một số nhóm vũ trang ngoài chính quyền.

Nguy cơ một cuộc “Intifada” mới của người Palestin đang hiển hiện nếu Israel không chấm dứt chiến dịch “Mưa rào” tấn công vào các nhóm Hồi giáo vũ trang Palestine. Giới phân tích cho rằng nếu “Intifada III” bùng phát, thì mức độ nghiêm trọng sẽ không thể lường hết và thiệt hại cho cả hai bên tranh chấp sẽ vượt qua mọi dự đoán. Hy vọng hòa dịu và hòa bình vừa nhen lên sau khi Israel rút bỏ Gaza lại đang có nguy cơ tắt lịm!

Trong 5 năm của Intifada II, Israel có 1.064 người thiệt mạng (754 dân thường) và 7.642 người bị thương (5.212 dân thường). Palestin có 4.224 người chết (3.722 dân thường) và khoảng 20.000 người bị thương, chủ yếu là dân thường, cùng 8.000 người bị bắt giam. (Nguồn: Asharq al-Awsat ngày 29-9-05).

ĐỒNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên