Đứng ở khía cạnh người tiêu dùng, tôi buộc phải sử dụng thẻ lậu, vì lý do đơn giản: rẻ hơn và chất lượng dịch vụ không khác gì nhau. Và như thế, trong cuộc cạnh tranh của thị trường, vấn đề là các nhà cung cấp "trong luồng" (có giấy phép kinh doanh hẳn hoi) phải làm cách nào để có thể cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ chất lượng hơn và giá rẻ hơn. Song song đó, các cơ quan chức năng phải có sự can thiệp cả về chính sách kinh doanh (hỗ trợ thuế chẳng hạn) và cũng phải có sự phối hợp đồng bộ với các đơn vị được xem là "công an mạng internet".
Nói như thế để thấy rằng, thực ra với cơ chế quản lý kinh doanh và công nghệ quản lý mạng internet của chúng ta, việc các thẻ internet phone chính quy thắng được các loại thẻ lậu là việc không đơn giản. Nguyên nhân chính, theo tôi là ở sự bất lực trong việc quản lý công nghệ.
Đơn cử một ví dụ, trước đây tôi dùng loại thẻ p2p, tất nhiên là thẻ lậu, nhưng khi gọi thì phải thông qua trang web chính thức của dịch vụ này.Cho đến một ngày, trang web này bị... tiêu tùng thì số tài khoản còn lại trong thẻ cũng thành vô dụng. Thông qua chuyện này, thứ nhất ta có thể nghĩ đến việc "cấm cửa" các website chuyên doanh internet phone lậu, vì nó làm việc trái pháp luật.
Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải đi thật sát thị trường để biết được đâu là địa chỉ của những trang web này để chặn chúng lại. Thứ hai, phải cho người sử dụng những thông tin hướng dẫn tiêu dùng cần thiết nhất, tránh tình trạng "một mình một chợ" của thẻ lậu trên thị trường tiêu dùng bình dân mà nếu có rủi ro thì họ đành cắn răng chịu mất tiền.
Tôi nghĩ, việc quản lý internet phone cần tránh sự chồng chéo của các ngành, từ kinh doanh, thuế vụ đến an ninh mạng, bưu chính viễn thông. Một sự phối hợp đồng bộ sẽ cứu được các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này vốn đang "chết" từ từ vì làm ăn thua lỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận