22/07/2013 05:37 GMT+7

Indonesia vơ vét phi công

VIỆT TOÀN
VIỆT TOÀN

TT - Ngành hàng không Indonesia đang thiếu hụt phi công nghiêm trọng khi các trường đào tạo chỉ đảm bảo được khoảng 1/4 nhu cầu phi công hằng năm trong bối cảnh ngành này đang tăng trưởng nhanh chóng.

J3q4mclZ.jpgPhóng to
Một lớp đào tạo phi công tại Trường Deraya ở Jakarta - Ảnh: Reuters

Báo The Jakarta Post cho biết với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm, Indonesia là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất ở châu Á. Chỉ một hãng hàng không giá rẻ Lion Air, ra đời cách đây 13 năm, đã làm các đối thủ trong giới ấn tượng khi trong vòng chưa đến hai năm dám đặt mua 234 chiếc Airbus A320 và 230 chiếc Boeing 737 với tổng trị giá 46 tỉ USD. Tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng dường như là chuyện phải xảy ra ở đất nước vạn đảo này.

Phi công chơi thuốc lắc

Thầy giáo đắt hàng

Các thầy dạy lái máy bay giỏi bên quân đội cũng được săn lùng như săn các ngôi sao sân cỏ. Một ví dụ điển hình là Endik Triwidarto, thầy dạy lái máy bay chiến đấu Sukhoi. Ông Triwidarto đã rời không lực Indonesia sau hơn 20 năm phục vụ để gia nhập Học viện phi công Bandung của nhà nước. Ông giải thích: “Khác biệt chỉ là đồng phục mà thôi. Thái độ, kiến thức và kỹ năng vẫn vậy. Theo tôi, các chuyến bay dân sự không phức tạp bằng các bài tập quân sự”. Còn lý do ông rời quân ngũ sang bên dân sự chỉ vì một chữ: tiền.

Theo trang tin Channel News Asia (CNA) hôm 19-7, Indonesia cần đến 800 phi công mới mỗi năm trong khi các trường chỉ đào tạo được 200-250 người. Trước tình trạng này, các hãng thậm chí phải ký hợp đồng với cả học viên còn đang được đào tạo.

Một giải pháp khác là thuê phi công nước ngoài cho các chuyến bay nội địa. Báo The Jakarta Globe cho biết hiện các hãng hàng không ở Indonesia thuê khoảng 600 phi công người nước ngoài. Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng có nhiều hiểm nguy tiềm ẩn trong giải pháp này. Ông Bambang Adisurya - giám đốc Liên hiệp hội phi công dân dụng quốc tế - lý giải: “Có lẽ họ đã tìm kiếm những phi công đang thất nghiệp, giá rẻ từ các quốc gia đang bị khó khăn về kinh tế và các hãng hàng không đã ngưng hoạt động. Điều này rất nguy hiểm vì các phi công này không có kinh nghiệm bay ở Indonesia. Họ còn chưa bao giờ nhìn thấy Indonesia nữa”. Indonesia là đất nước có đến hơn 17.500 đảo và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng lên nhờ kinh tế tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm.

Hôm 13-4, một chiếc Boeing 737 của Hãng Lion Air đã trượt khỏi đường băng sân bay quốc tế Denpasar trên đảo du lịch Bali, lao thẳng xuống biển gãy đôi. May mắn là chỉ vài người trong số khoảng 108 hành khách và phi hành đoàn bị thương. Người ta vẫn không thể hiểu tại sao trong thời tiết quang đãng lại xảy ra tai nạn bất thường như thế. Kiểm tra ma túy và nồng độ rượu với tổ lái không cho thấy điều gì bất thường. Nhưng đó là điều phải làm với Hãng Lion Air vốn đã bị chính quyền phạt nặng hồi tháng 1-2012 sau khi nhiều phi công hãng này bị bắt vì mang theo mình... thuốc lắc!

Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia kêu gọi phải có một hệ thống tuyển lựa kỹ càng. Chappy Hakim - từng làm việc trong không lực Indonesia - đề xuất: “Cần có cơ chế riêng cho hệ thống tiêu chuẩn hóa cũng như việc cấp bằng”. Báo The Jakarta Globe cho biết để có được bằng lái ở cấp độ thấp nhất tại Indonesia, học viên phải hoàn tất 60 giờ bay và hơn 300 giờ đào tạo dưới mặt đất. Sau khi tốt nghiệp, các phi công này sẽ được lái các máy bay phi thương mại.

Đào tạo công chức thành phi công

Báo The Jakarta Globe cho biết để đối phó tình hình thiếu hụt, hồi tháng 5 Bộ Giao thông Indonesia đã khởi động chương trình kéo dài 18 tháng nhằm tìm kiếm những công chức hiện làm việc cho bộ này rồi đào tạo họ thành phi công hoặc thầy dạy lái máy bay.

Bambang S. Ervan, người phát ngôn Bộ Giao thông, cho biết đây là lần đầu tiên một ý tưởng như thế được áp dụng ở Indonesia. Ông Bambang cho biết thêm những người đăng ký sẽ được đào tạo tại các trường của bộ này và phải cạnh tranh với nhau để được cấp bằng lái máy bay cơ bản nhất. Hiện Bộ Giao thông Indonesia có hai trường đào tạo phi công, một ở tỉnh Banten và trường còn lại ở tỉnh East Java, giúp đào tạo tổng cộng 150 phi công hằng năm.

Một nguyên nhân khiến Bộ Giao thông Indonesia tiến hành chương trình này là vì hiện chính phủ không cho tuyển thêm người vào bộ máy hành chính nhà nước vốn đã quá cồng kềnh với khoảng 4,6 triệu người. “Chúng tôi không được phép tuyển thêm người nên lựa chọn khả dĩ nhất là đào tạo đội ngũ hiện có” - ông Bambang giải thích. Ông còn cho biết thêm: “Những người tốt nghiệp các khóa đào tạo có thể trở thành phi công lái máy bay thương mại, tùy thuộc vào khả năng của họ và những yêu cầu từ phía các hãng hàng không”. Ông Bambang khẳng định quá trình tuyển chọn và đào tạo các phi công này sẽ được thực hiện nghiêm túc, giám sát gắt gao. “Không phải ai chúng tôi cũng tuyển. Tất cả họ đều phải trải qua quy trình đào tạo kỹ càng giống như những học viên phi công bình thường khác” - quan chức này cho biết.

Dudi Sudibyo - nhà phân tích về ngành hàng không - cho biết đây là một sáng kiến đáng khen của chính phủ. “Ai cũng có thể trở thành phi công, thậm chí là công chức, bởi vì mọi thứ tùy thuộc vào việc họ có vượt qua được các bài kiểm tra khả năng không. Tôi cho rằng chính phủ đã rất sáng tạo trong việc áp dụng cách thức này để đối phó với tình trạng thiếu hụt phi công” - ông Dudi giải thích.

Số liệu của Bộ Giao thông Indonesia cho biết hiện có khoảng 8.000 phi công đang làm việc cho ngành hàng không nước này. Theo Hãng tin AFP ước tính, số lượng máy bay dân dụng ở Indonesia sẽ tăng thêm 900 chiếc trong vòng 10 năm tới khi ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu thích đi lại bằng máy bay.

VIỆT TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên