Khác với những bản dịch trước đó về hai tác phẩm này là người dịch thường dịch rút ngắn tác phẩm từ các bản in tiếng Pháp, dịch giả Đỗ Khánh Hoan đã chuyển ngữ trọn vẹn hai thiên sử thi kinh điển này từ nguyên bản tiếng Hy Lạp.
“Iliad” và “Odyssey” của Homer được coi là trụ cột của văn học phương Tây cổ đại. Đó là những bản trường ca của binh lửa và giáo gươm. Thế nhưng, Homer không cổ súy cho chiến tranh mà dùng chiến tranh để thử thách con người. “Iliad” gồm hai mươi bốn khúc ca, kể một giai đoạn ngắn năm mươi ngày trong năm thứ mười của cuộc chiến tranh thành Troie, với câu chuyện xoay quanh về mối bất hòa giữa vị tướng kiệt xuất Achilles của Hy Lạp và thống soái Agamemnon.
Đời sống xã hội Hy Lạp cổ đại cũng được phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm, trong đó có thể thấy quá trình diễn biến từ chế độ thị tộc đến sự hình thành thành bang của chế độ nô lệ, đồng thời ca ngợi các nhân vật anh hùng kiệt xuất của phía Hy Lạp như Achille, của phía Troie như Hektor. Tác phẩm là biểu tượng miêu tả số phận nhân loại hoàn toàn do định mệnh đưa đẩy.
Nếu “Iliad” là bản hùng ca chiến trận thì “Odyssey” là bức tranh hoành tráng, hào hùng của người Hy Lạp trong cuộc chinh phục thiên nhiên và di dân mở đất. Tác phẩm gồm hơn 12 nghìn câu thơ (được chia làm 24 khúc ca) kể lại hành trình gian nan của Odyssey (hay Ulysses) trên đường trở về quê hương sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troie.
“Odyssey” phản ánh một giai đoạn cao trong quá trình tan rã của chế độ công xã thị tộc. Đó là thời kỳ những người Hy Lạp đã bước vào cuộc sống lao động hòa bình với khát vọng chinh phục thế giới xung quanh. Chủ đề của “Odyssey” là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển của “Iliad”, thể hiện qua tinh thần chế ngự hoàn cảnh của các nhân vật (trong đó tiêu biểu là ba nhân vật chính gồm Odyssey khôn khéo, Penelope kín đáo và Telemachos thận trọng).
Tuy nhiên, điều đặc biệt và thú vị hơn cả là sự tương tác giữa thần và người trong hai thiên sử thi này. Các thần Hy Lạp mang hình dáng con người, khác với các nền văn minh đương thời khác như văn minh Ai Cập cổ đại. Họ không phải là những đấng toàn năng vô biên. Bên cạnh đó, các vị thần cũng có những "thói hư tật xấu" như con người bình thường. Qua đó, tác giả thể hiện ý tưởng sâu xa rằng vũ trụ mang vẻ đẹp và huyền bí của con người, con người chính là trung tâm của vũ trụ. Cuộc chiến thành Troie được các vị thần bắt đầu, can thiệp và kết thúc, nhưng trong hành trình trở về của Odyssey thì quyền tự quyết định vận mệnh của cá nhân mới là yếu tố chủ đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận