![]() |
Gốm Phù Lãng |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Chiến Thắng, Trưởng Ban tổ chức triển lãm, nhấn mạnh: "Các nghệ sĩ mỹ thuật ứng dụng VN đến nay đã hình thành một lực lượng khá đông đảo. Hàng năm họ sáng tác nhiều tác phẩm mới, đáp ưng nhu cầu cuộc sống hiện đại. Triển lãm được tổ chức với mục đích tôn vinh các tác giả mỹ thuật ứng dụng, dự kiến từ năm 2004 sẽ trở thành một hoạt động định kỳ năm năm một lần…".
Không đơn thuần là bức tranh để ngắm hoặc hình khối sắp đặt kích thích trí tưởng tượng của người xem..., mỹ thuật ứng dụng là nghệ thuật được đưa vào cuộc sống. Đã có nhiều làng nghề "thành danh” với các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng: gốm Bát Tràng, tre trứng Hà Tây, lụa Hà Đông, đồ gỗ Đồng Kỵ... Nhiều doanh nghiệp hàng mỹ nghệ tại các làng nghề này cho biết: hướng tới chiếm lĩnh thị trường tại các nước phát triển, sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn là sự ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, nhà tạo mẫu, nhà sản xuất VN tỏ ra kém năng động trong khả năng nắm bắt thị trường , mẫu mã các sản phẩm của VN chưa thực sự thuyết phục khách hàng |
Những sản phẩm được sản xuất hàng loạt, đã chiếm lĩnh thị trường và có giải trong các cuộc thi hay triển lãm trước đây, theo Ban Tổ chức, càng xứng đáng được tôn vinh trong triển lãm lần này.
Đây là điểm khác biệt so với đa số các triển lãm mỹ thuật, tác phẩm tham dự phải là duy nhất, không sao chép, không phục chế, chưa công bố và tham gia giải thưởng nào.
Ông Vi Kiến Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa - Thông tin) lý giải: "Điểm khác này xuất phát từ tính hữu ích của sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Sản phẩm càng có nhiều giải thưởng, giá trị càng cao thì khả năng chiếm lĩnh thị trường càng lớn...". Tuy nhiên, vẫn có nhiều băn khoăn: Đâu là đường ranh giới phân biệt giữa mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng?
Thực tế, các ấn phẩm quảng cáo, thiết kế mẫu tem... đang nằm trong đường ranh giới này, liệu có đưa vào triển lãm?
Mặt khác, thời hạn định kỳ năm năm một lần là quá dài. Các tác giả cho rằng, cuộc sống thay đổi thường ngày, và những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được làm ra cũng để đáp ứng những đổi thay đó. Nên chăng, triển lãm định kỳ chỉ hai, ba năm một lần.
Hoạ sĩ Trần Huy Oánh nhấn mạnh: "Triển lãm phải tập hợp đầy đủ những tác phẩm tiêu biểu, không bỏ sót. Các tác giả tham dự cần xác định, đây là một triển lãm nghệ thuật chứ không phải là hội chợ. Triển lãm cũng sẽ là một bước ngoặt lớn để mỹ thuật ứng dụng VN khẳng định “thương hiệu” của mình...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận