![]() |
Thầy võ Nguyễn Văn Chơi (mặc võ phục đứng đầu) tại Giải judo quốc tế lần 6-1998 |
1. Năm 1935, mối tình nồng thắm giữa anh thợ chạm khắc đồ gỗ Nguyễn Văn Điền với cô Lưu Thị Mạnh bán trái cây ở chợ Ninh Kiều, Cần Thơ đã cho ra đời một bé trai và được đặt một cái tên mộc mạc - Nguyễn Văn Chơi. Nhà nghèo, lại nhỏ con nên chú bé Chơi thường bị bọn trẻ cùng xóm ăn hiếp. Và ngay trong tiềm thức của chú bé thuở bấy giờ đã manh nha mong muốn học võ để tự bảo vệ mình và những người cô thế.
Năm 15 tuổi, đang học đệ tam ở Trường Collège Cần Thơ (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm), mỗi chiều tan học Chơi lại cùng đám bạn say mê đứng trước dinh tỉnh trưởng (nay là UBND TP Cần Thơ) xem giáo sư huyền đai nhị đẳng Pierre Phạm Đăng Cao - một người Pháp gốc Việt đang làm tỉnh trưởng Cần Thơ - đứng lớp dạy judo cho một số công chức và cảnh sát người Việt. Chú say sưa nhìn những võ sinh vóc dáng nhỏ con nhưng trong tích tắc bằng những đòn thế đơn giản đã quật ngã được những đối thủ to khỏe hơn mình nhiều.
Một lần bắt gặp ánh mắt say mê đầy ngưỡng mộ của Chơi và các bạn trẻ, võ sư Cao đã cho cả nhóm được vào học miễn phí. Nhà không có tiền may võ phục, Chơi lấy bao bột mì giặt sạch rồi đem đi may. Cứ khoảng một tuần, chú lại phải nhờ người vá vì vải khá mỏng nên bị rách trong khi tập.
Những ngày tháng luyện tập với những cú bị quật ngã trên “thảm” cỏ khô phủ bao bố, hoặc đang đạp xe nhanh bất thình lình nghe tiếng còi của thầy, võ sinh phải quăng xe nhào lộn mấy vòng trên nền ximăng. Những chấn thương, những vết bầm dập... Cứ thế lớp judo đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh vơi dần từ 60 học viên sau chỉ còn lại không đầy 20 người, trong đó có Chơi, chú bé nhỏ con nhưng mê học và lì đòn.
Có khiếu, chịu khó khổ luyện lại được sư phụ chỉ dạy tận tình, trong bốn năm Chơi đã trở thành một cao thủ ở tuổi 19. Nhưng điều khiến người dân trong vùng nể nhất là tuyệt kỹ “cải tử hoàn sinh” bằng môn y võ sửa khớp, dây chằng, nối xương...
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, thầy Cao phải trở về Pháp và giao lại võ đường cho ba đệ tử xuất sắc nhất của mình: Phan Văn Quan, Lưu Trọng Kiệt, Nguyễn Văn Chơi. Vừa tiếp nhiệm thì võ đường bị thu hồi (không được dạy judo tại dinh tỉnh trưởng), thế là Chơi cùng với hai sư huynh nay đi mượn phòng học trường này, mốt đi hỏi mượn phòng trường khác để duy trì tinh thần võ học.

Để quảng bá võ học, Chơi tìm cách khuếch trương các chi nhánh võ đường khắp miền Tây. Ở mỗi tỉnh, Chơi đều thành lập võ đường rồi giao cho những đệ tử xuất sắc quản lý. Các võ đường này tồn tại chủ yếu dựa vào những buổi biểu diễn võ thuật. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chơi đã “phủ” judo khắp miền Tây. Năm 1965, miền Nam thành lập Tổng cục Nhu đạo VN và qua kỳ sát hạch đầu tiên, võ sư Chơi chính thức được công nhận huyền đai đệ nhị đẳng.

Nhưng từ trong sâu thẳm của một nhà làm kinh tế “thời thượng” vẫn đau đáu đam mê võ học. Năm 1986, ông Ba Hưng - lúc đó là giám đốc Sở TDTT tỉnh Cần Thơ - đề nghị ông Chơi gầy dựng lại phong trào judo ở Cần Thơ. Một lần nữa, thầy võ Nguyễn Văn Chơi cùng sư đệ của mình là võ sư Ung Phụng Võ lập hai võ đường là Cần Thơ 1 và Cần Thơ 2.
Nhờ kinh tế gia đình khá giả, cùng với sự hỗ trợ của ngành TDTT, hai võ đường được trang bị khá đầy đủ dụng cụ và các trang thiết bị (riêng tấm thảm tập thời bấy giờ đã đến trên 3 lượng vàng). Và như thầy của mình 30 năm trước, lò võ của võ sư Chơi không những miễn học phí cho một số võ sinh nghèo mà ông còn cùng gia đình mình bỏ tiền để lo cái ăn cái mặc cho họ.
Cũng nhờ kinh tế chắc chắn, võ sư Chơi luôn treo thêm giải thưởng và hỗ trợ kinh phí cho học trò của mình để động viên họ trong các cuộc thi đấu. Trước sự lớn mạnh của phong trào năm 1993, Sở TDTT Cần Thơ mạnh dạn đăng cai tổ chức giải judo toàn quốc. Và lần đó judo của Cần Thơ đã vượt qua hàng loạt đội mạnh để được đứng vào nhóm ba đội mạnh nhất nước.
Từ cái nền võ học mà thầy Chơi dày công gầy dựng ấy đã sản sinh ra nhiều gương mặt sáng giá của judo VN: Đặng Tấn Hùng (huyền đai ngũ đẳng), Lê Quốc Thám (HLV trưởng đội tuyển judo VN tại SEA Games 23), Lâm Trung Hiếu, Trần Hữu Phước, Châu Phước Hoàng, Đặng Thị Thu Thảo... Nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, thầy Chơi không nói đến thành tích thi đấu của học trò mà lại “khoe” những bức thư học trò ông viết cho ông trong những lần đi tập huấn ở nước ngoài.
Thư của Lê Quốc Thám trong lần đi tập huấn tại Singapore ngày 30-3-1995 có đoạn: “...Kính thầy!... Vừa tập sáng xong, con vội viết vài dòng kính thăm thầy. Cầu mong thầy cô nhiều sức khỏe con mừng!... Con tập ngày tới hai buổi sáng tối... Tập tapis Nhật nhưng con cảm thấy không bằng tập tapis ở võ đường mình... Con được tặng bốn cây viết rất đẹp, con sẽ để dành về tặng thầy... Con của thầy cô!”.
Ông Huỳnh Văn Tuyền - tổng thư ký Hội Judo Cần Thơ, HLV trưởng tuyển trẻ judo Cần Thơ - cho biết: “Judo ĐBSCL được như ngày hôm nay là nhờ công của thầy võ Nguyễn Văn Chơi và thầy võ Ung Phụng Võ. Cả hai vị thầy võ đáng kính này đã đem hết sức lực và tâm huyết của mình để cống hiến cho môn phái nhu đạo nói chung và judo miền Tây nói riêng”.
Ông Chơi tâm sự: “Judo đã cho tôi rất nhiều: sức khỏe, tinh thần phấn đấu và võ thuật. Đặc biệt từ ngày thấm nhuần võ đạo, tôi đã trầm tĩnh hơn và trong rất nhiều trường hợp, chính cái sự “nhẫn” đã khuất phục đối thủ”.
Hiện thầy võ Nguyễn Văn Chơi (huyền đai bát đẳng) đang là chủ tịch Hội Judo TP Cần Thơ, ủy viên BCH Liên đoàn Judo VN. Tháng 12-1995, thầy võ Nguyễn Văn Chơi đã được Liên đoàn Judo châu Á tặng huy chương vàng và bằng khen vì “đã có công lao với phong trào judo Đông Nam Á”. Năm 1999, được Ủy ban TDTT VN tặng “Huy chương vì sự nghiệp TDTT”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận