Phóng to |
Chuyên đề kỹ năng sống “Để có một CV hoàn hảo” được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngày 25-9 với sự chia sẻ của anh Trần Hữu Đức (giám đốc đào tạo Tập đoàn Trung Nguyên) và chị Nguyễn Thị Minh Tâm (giám đốc đào tạo Công ty Unity) thu hút gần 500 bạn trẻ tham dự.
Gọi nhà tuyển dụng dậy bằng... CV
Theo chia sẻ của anh Trần Hữu Đức, CV là nhịp cầu nối giữa ứng viên với nhà tuyển dụng. Cho nên CV phải cung cấp đầy đủ thông tin và “bằng chứng” kèm theo để nhà tuyển dụng quyết định chọn bạn chứ không phải một ai khác. Trong khi đó, CV giúp ứng viên đạt được một công việc đúng với năng lực, sở trường và mục đích mong muốn. “Một CV làm được hai điều kể trên thì mới gọi là một CV hoàn hảo” - ông Trần Hữu Đức chia sẻ.
Bản thân năm nhà tuyển dụng có mặt ở buổi nói chuyện chuyên đề đều giơ tay thú nhận rất lười đọc CV. Vì vậy, trong rất nhiều CV gửi đến doanh nghiệp mà CV nào cũng na ná nhau thì “thành công bước đầu là làm sao một nhà tuyển dụng đang buồn ngủ khi cầm đến CV của bạn thì bừng tỉnh giấc”. Câu trả lời cho “bí kíp” này: tạo sự khác biệt cho chính CV của bạn!
Khác biệt hút sự chú ý
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm lưu ý đến các bạn “kinh nghiệm làm việc” là phần mà doanh nghiệp chú ý nhiều nhất trong một CV. Nhưng vấn đề nhiều bạn đặt ra là SV mài đũng quần trên giảng đường ĐH thì kinh nghiệm từ đâu? Diễn giả gợi mở rằng kinh nghiệm ở trường, kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ ở trường lớp… đều là những kinh nghiệm của một ứng viên trước nhà tuyển dụng. “Các bạn có rất nhiều kinh nghiệm nhưng chưa bao giờ nghĩ đó là kinh nghiệm của mình” - chị Minh Tâm nói.
Những điểm lưu ý khi viết CV * Tuyệt đối không sai lỗi chính tả. * Nêu bật niềm đam mê cháy bỏng của ứng viên với công việc ứng tuyển. * Không sa vào kể lể dông dài (đặc biệt phần sở thích cá nhân). Chỉ nêu ra những điều minh chứng cho sự phù hợp của ứng viên với công việc ứng tuyển. * Kiểm tra kỹ thông tin liên lạc cá nhân để chắc rằng không có sự sai sót nào. * Khi gửi CV qua email, không đính kèm theo quá nhiều thứ làm tăng dung lượng email. * Không dùng những địa chỉ email không “chuyên nghiệp” gây sự phản cảm trong mắt nhà tuyển dụng. |
Diễn giả cũng khuyên bạn trẻ nên tìm cho mình một công việc thật sự yêu thích, thật sự đam mê mới ứng tuyển. Tự đặt cho mình câu hỏi: “Sao tôi chọn công việc này mà không phải công việc khác? Tôi có thể hoàn thành tốt công việc bằng mọi giá không?...”.
Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ tự nói lên bạn “muốn” công việc sắp ứng tuyển đến mức nào. Sau khi đã chọn được công việc để ứng tuyển, bạn cần thiết phải đọc kỹ hai phần trong thông báo tuyển dụng: Mô tả công việc và yêu cầu công việc để biết được mình phù hợp với công việc nhiều thế nào? Từ việc xem xét hai mục này, ứng viên tìm ra mình có những điểm gì đặc biệt để phù hợp cho công việc này.
Chị Minh Tâm tâm sự câu chuyện lần mình đã “vô tình” làm nên sự khác biệt với Công ty Prudential khi ứng tuyển năm 1998. Ngoài các phần thể hiện trong CV, chị gửi kèm một bức thư tay được viết tỉ mẫn, ngay hàng thẳng lối trên giấy A4 không kẻ ô.
“Lúc làm như vậy mình chỉ nghĩ đơn giản là làm theo sở thích chứ không ý thức cho mục đích gì. Sau này anh giám đốc nhân sự nói với mình đây là CV đầu tiên anh rất ấn tượng vì cách trình bày chữ viết tay rất đẹp” - chị Minh Tâm nói.
Cùng với đó, anh Trần Hữu Đức mang đến cho bạn trẻ nhiều thủ thuật nhỏ nhưng rất hiệu quả để làm nên sự khác biệt cho một CV. Sử dụng giấy có chút hoa văn, màu sắc khác biệt cũng là một cách. Ứng viên cần khéo léo trong việc lựa chọn màu sắc phù hợp với tông màu chủ đạo của công ty dễ dàng ghi điểm nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ nên dùng chữ viết tay khi chữ viết của mình gây thiện cảm với người đọc.
“Một CV đi từ trước, trong và sau khi ứng viên diện kiến nhà tuyển dụng. Cho nên đừng nghĩ rằng gửi một CV đi là xong” - anh Trần Hữu Đức lưu ý các bạn. Trong đó anh Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mà ứng viên quyết định ứng tuyển vào: lịch sử của công ty, quy mô của doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp, phân khúc thị trường, cách thức phân phối, chiến lược, giá cả trên thị trường, đối thủ cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp ấy...
“Khi mới ra trường, mục đích của một ứng viên không phải là thu nhập cao. Tìm cho mình một nơi có chính sách đào tạo phát triển con người rất tốt, có người sếp tâm huyết truyền nghề lại cho bạn trẻ, để có thể sống hết hoài bão, ước mơ của mình là nơi đáng để lựa chọn” là điều anh Trần Hữu Đức nhắn nhủ đến bạn trẻ trước khi quyết định gửi CV đi.
Bạn Nguyễn Thị Bích Trâm, sinh viên năm 3 khoa tài chính ngân hàng Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, cho biết: “Trước giờ mình có nghe nói nhiều đến CV nhưng chưa biết cách viết một CV “ưng cái bụng” nhà tuyển dụng thế nào. Thầy cô trên trường có chỉ qua những điểm cần lưu ý khi viết CV, hay đôi khi mình học “lóm” trên mạng nên cũng phần nào hình dung ra nhưng chỉ trên lý thuyết vì chưa lần nào thực hành viết. Đến hôm nay, được tham dự chương trình “Để có một CV hoàn hảo” của báo Tuổi Trẻ, mình mới mắt sáng ra, biết cách để tạo nên một CV thật “độc”, chỉ với những mẹo rất nhỏ thôi. Những kinh nghiệm của chú Trần Hữu Đức giúp ích cho mình rất nhiều về cách làm thế nào trước, trong và sau khi gửi CV cho nhà tuyển dụng”. |
Áo Trắng số 19(số 105 bộ mới) ra ngày 15-10-2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận