![]() |
Ảnh minh họa |
Mẹ cố gắng dành dụm cho em tôi đi học ở nước ngoài một thời gian. Từ khi đi học và về lại VN thì em tôi trở tính. Dù vẫn giao tiếp vui vẻ với mọi người, có bạn bè bình thường, nhưng thực tế là mẹ và tôi không thể nào nói chuyện hoặc tâm sự một cách gần gũi với nó được. Đã rất nhiều lần mẹ tôi cố gắng ngồi nói chuyện với con, nhưng chỉ được đáp trả lại bằng thái độ im lặng và ngang tàng. Nói chuyện tình cảm có, giận dữ có, rất nhiều lần mẹ muốn tìm một sợi dây liên kết nào đó nhưng hình như đều vô ích.
Chúng tôi rất lo cho tương lai của nó bởi những định hình về nghề nghiệp, tương lai và các giao tiếp xã hội khác, nó không nói cho ai biết cả. Đang ở Việt Nam học lại để chuyển tiếp đi nước ngoài, em tôi cũng không tỏ ra hứng thú gì đặc biệt, cũng không chán nản. Nói chung là hết sức thụ động trong cách sống và học tập, mẹ thu xếp sao thì làm nấy, không học thì cắm cúi chơi game online, càng ngày thời gian em chơi game online càng nhiều.
Nhưng tôi biết, em tôi cũng có những suy nghĩ riêng mà hình như nó không biết cách thể hiện. Một đôi lần nó tâm sự cùng tôi, rằng "em muốn thế này, nhưng mẹ cứ muốn thế kia", thế nhưng nó không chịu thổ lộ với mẹ. Có lúc những suy nghĩ của nó là sai, nhưng khi tôi phân tích thì thái độ của em là "mặc kệ". Thái độ đó rất thiếu tích cực và gây khó khăn cho tất cả chúng tôi.
Tôi muốn em tôi cởi mở hơn, và mẹ tôi cũng có thể hiểu con mình hơn, mà không biết nên làm thế nào?
Chúng tôi hiện giờ ba người như ba thế giới riêng biệt. Cách nào có thể liên kết chúng tôi lại, cách nào để em tôi, một cậu con trai 18 tuổi sống năng động hơn và cởi mở hơn? (Duy Anh)
- Trả lời tư vấn của tiến sĩ tâm lý học Đinh Phương Duy:
Bạn thân mến
Hai chị em bạn sống cùng mẹ trong nhiều năm với tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau mặc dù không có bố. Là con trai duy nhất lại được mẹ và chị lớn nuông chiều, em bạn như được hai… bà mẹ chăm sóc, vì vậy trong nhận thức của em, mọi thứ đều trở nên đơn giản và chẳng có gì phải lo toan.
Những hiện tượng xuất hiện trong thái độ và cách ứng xử của em gần đây khi từ nước ngoài trở về có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân từ ảnh hưởng của môi trường học tập, sinh hoạt ở nước ngoài và có những nguyên nhân từ các đặc điểm tâm lý lứa tuổi của chính em.
Tuổi trẻ bao giờ cũng năng động và ưa thích điều mới, tuổi trẻ thường rất nhạy bén với việc tiếp thu kiến thức với tốc độ nhanh hơn nhiều so với người lớn tuổi, do đó khi ra nước ngoài, em bạn có thể gặp nhiều thuận lợi trong quá trình học tập. Tuy nhiên với kinh nghiệm chưa nhiều, việc trải nghiệm cuộc sống còn hạn chế, các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường gặp khó khăn khi phải đối diện với những tác động bất thường, chưa đủ bản lĩnh để chủ động thích ứng với các giá trị mới nên có thể sẽ trở nên hoang mang, sự lựa chọn các khuôn mẫu ứng xử sẽ không thật chính xác.
Do vậy nhận thức, thái độ và hành vi của các em có thể không được như mong đợi. Trong quá trình học tập ở nước ngoài, các qui tắc ứng xử của gia đình có thể bị lãng quên nên em đã không thể nhanh chóng hội nhập trở lại trong quan hệ với mẹ và chị…
Mặt khác, tuổi đang lớn rất cần sự hỗ trợ về tinh thần của người lớn để các em có thể vượt qua thử thách, vượt qua khủng hoảng lứa tuổi nhưng em đã không được gần mẹ và chị, lại không có nhiều điều kiện để chia sẻ cảm xúc với những người cùng nguồn gốc văn hóa, điều đó có thể làm em cảm thấy hụt hẫng và “nhìn đời” bằng ánh mắt không thân thiện nên bắt đầu “trở tính”.
Việc em thụ động và tuân thủ theo mọi thu xếp của mẹ có thể là hệ quả của việc gia đình đã quá chu toàn, em đã quen với việc sắp xếp, cả với việc ra nước ngoài học tập từ rất sớm, sau đó lại chuẩn bị chuyển tiếp để lại… đi nước ngoài, một điều cả mẹ và chị chưa thật sự hiểu rõ được ý tưởng và cảm xúc của chính em như thế nào.
Bạn hãy giúp mẹ cố gắng trò chuyện thân tình với em không chỉ về chuyện học hay chuyện tương lai mà cả việc chia sẻ cảm xúc, cùng vui chơi trong vài đợt du lịch, cùng nghĩ về một điểm chung nào đó chẳng hạn. Đừng tỏ ra áp đặt đối với em, hãy tạo cơ hội để em chứng minh mình là một người lớn thực thụ, mình là một người đàn ông chính hiệu, điều đó có thể làm em bạn có thêm sức mạnh tinh thần, vui hơn và gắn bó hơn với mẹ và chị.
Thân ái!
Bạn có những thắc mắc không biết hỏi ai khi bước vào ngưỡng tuổi mới lớn? Bạn mệt mỏi trước những áp lực học tập? Bạn lúng túng trước những rung động đầu đời?... Bạn muốn tìm chìa khóa giải mã những băn khoăn trong môi trường học đường ấy, hãy gửi email về cho tto@tuoitre.com.vn để cùng chúng tôi chia sẻ và tìm lời giải đáp. Để chính xác nội dung câu hỏi, xin vui lòng gõ font có dấu tiếng Việt. B.D. thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận