06/01/2005 13:14 GMT+7

Huế: Tu bổ, phục hồi di tích cung Trường Sanh

Theo TTXVN 
Theo TTXVN 

Huế: Tu bổ, phục hồi di tích cung Trường Sanh - Đắk Nông: Gần 5,7 tỷ đồng bào tồn văn hóa dân tộc M'Nông - Bình Phước sưu tầm gần 1.000 hiện vật văn hóa dân tộc - Triển lãm văn hóa sinh hoạt Thăng Long-Hà Nội - Triển lãm ảnh cổng làng cổ Hà Tây -

Ngày 5-1, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi công dự án tu bổ, phục hồi khu di tích cung Trường Sanh - nơi ở của các Thái hoàng Thái hậu (bà nội Vua) triều Nguyễn, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2007, sẽ tu bổ 4 gian nhà trong cung, phục hồi lạch Đào Nguyên (con kênh đào bao quanh cung), hệ thống hòn non bộ, hồ Tân Nguyệt, vườn cảnh, sân lát gạch bát toàn cung, tường thành và cổng hoàng cung.

Cung Trường Sanh (trước đây gọi là cung Trường Ninh), được xây dựng từ năm 1822 ở phía sau cung Diên Thọ (nơi ở của các Hoàng Thái hậu). Cụm di tích cung Trường Sanh bị bom đạn đánh sập từ năm 1945 và từ năm 1954 biến thành khu dân cư và bị biến dạng nghiêm trọng.

Năm 1990, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mới có điều kiện dời các hộ dân ra ngoài cụm di tích.

Đắk Nông: Gần 5,7 tỷ đồng bào tồn văn hóa dân tộc M'Nông

Từ nay đến năm 2009, tỉnh Đắk Nông sẽ đầu tư 5,7 tỷ đồng để thực hiện đề án bảo tồn lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M'Nông.

Mục tiêu của đề án là khôi phục, bảo tồn và phát triển các lễ hội truyền thống liên quan đến sản xuất nông nghiệp, lễ hội bảo vệ rừng và môi trường sinh thái trong đời sống cộng đồng dân tộc M'Nông, lễ hội liên quan đến vòng đời người và cách ứng xử trong cộng đồng.

Trong khuôn khổ đề án, nhiều hoạt động gìn giữ, phát triển sinh hoạt cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc M'Nông, lưu giữ các nét hoa văn trên trang phục thổ cẩm, cách bài trí nhà cửa của người M'Nông, cũng sẽ được triển khai.

Bình Phước sưu tầm gần 1.000 hiện vật văn hóa dân tộc

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã sưu tầm gần 1.000 hiện vật văn hóa có giá trị của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, bao gồm các loại trang phục, đồ trang sức, công cụ lao động, vũ khí và các loại nhạc cụ.

Ngành văn hóa tỉnh Bình Phước còn tiến hành nghiên cứu về sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số như lễ hội đâm trâu, quy trình chế biến rượu cần, đám cưới và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Stiêng.

Ngành cũng chuẩn bị hoàn thành công trình sưu tầm, biên dịch các làn điệu dân ca, sử thi và bảo tồn, phục chế các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Stiêng và M'Nông.

Triển lãm văn hóa sinh hoạt Thăng Long-Hà Nội

Triển lãm "Một thoáng văn hóa sinh hoạt Thăng Long - Hà Nội" sẽ được tổ chức tại phố cổ Mã Mây (từ phố Hàng Buồm đến đầu Hàng Bạc) vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, mô tả lại những sinh hoạt truyền thống giản dị nhưng sâu sắc, tinh tế, mang sắc thái văn hóa riêng của đất Kinh Kỳ.

Tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, tâm điểm của triển lãm, sẽ có một phần không gian được dành để tái hiện đồ dùng gia dụng của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 và giới thiệu một số sinh hoạt đặc sắc của người dân Hà thành.

Đó là phòng khách truyền thống với bộ bàn ghế cổ, bộ ấm chén bằng gốm Bát Tràng, điếu bát, sập cổ, tủ chè, hoành phi, câu đối; cách sắp xếp những hạc đồng, chân nến, quả sen, mâm bồng trên một bàn thờ gia tiên - nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà; khu bếp với những kiềng, rế, rổ, nồi đồng, niêu đất và bát đàn, những vật dụng đang dân mất đi trong những căn bếp hiện đại.

Tại căn nhà di sản này cũng sẽ trưng bày ảnh và bản đồ của 36 phố phường xưa, mô hình phố cổ, ảnh chụp các sinh hoạt trước đây của người Hà Nội, những sản phẩm mỹ nghệ đặc trưng, nổi tiếng của Thăng Long-Hà Nội như gốm Bát Tràng, đồng Ngũ Xã, tiện gỗ sơn son thếp vàng Tô Tịch, vàng bạc Ðịnh Công, giấy dó Nghĩa Ðô, hương trầm, hoa lụa, hoa giấy.

Trên phố Mã Mây sẽ có triển lãm hoa, cây cảnh và hội thi bonsai, giới thiệu các loại hoa của làng Ngọc Hà, Nhật Tân, cây thế Nghi Tàm, hòn non bộ, lồng chim kiểu, các loại chim cảnh, sinh vật cảnh, cá cảnh.

Trong khuôn khổ triển lãm, sẽ có những người mẫu thể hiện trang phục của người Hà Nội xưa trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trang phục của cô dâu, chú rể trong đám cưới xưa và nay. Trong khi đó, các nghệ nhân Hà Nội sẽ thể hiện tài năng bằng những tác phẩm thêu mỹ thuật tại chỗ (nghệ nhân phố Hàng Trống), làm quạt Tràng Sơn (nghệ nhân phố Hàng Quạt) và nặn tò he.

Phố cổ sẽ tưng bừng trong không khí sôi động của các hoạt động văn hóa nghệ thuật hát chèo, ca trù, chầu văn, tiểu phẩm diễn tả cảnh gói bánh chưng, làm cốm, viết thư pháp chữ Hán.

Triển lãm ảnh cổng làng cổ Hà Tây

Triển lãm ảnh cổng làng cổ Hà Tây sẽ khai mạc vào ngày 10/2 (mùng 2 Tết Nguyên Đán Ất Dậu) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội.

Nhân dịp này, Bảo tàng Dân tộc học cũng tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật dân tộc mừng năm mới như hát ca trù, thư pháp, múa rối nước, múa sư tử.

Ngoài ra còn có chương trình trò chơi dân gian như ô ăn quan, đi cà kheo, kéo co và chọi gà, với sự tham gia của trẻ em các dân tộc Thái, Mường, Nùng đến từ các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình..

Theo TTXVN 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên