15/10/2006 20:17 GMT+7

Hồn Việt ở Bảo tàng Văn minh châu Á

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTCT - Những ngày lễ hội tưng bừng đã và đang diễn ra tại đảo quốc Sư tử. Sau lễ hội Trung thu, đến lễ hội Ánh sáng, kế tiếp sẽ là lễ hội IndoChine và hàng loạt triển lãm, đấu giá tác phẩm nghệ thuật… Một thoáng lắng lòng sau những lễ hội là khi bạn tìm đến Bảo tàng Văn minh châu Á.

dqTBHkVE.jpgPhóng to
Du khách quốc tế đang xem trống đồng VN
TTCT - Những ngày lễ hội tưng bừng đã và đang diễn ra tại đảo quốc Sư tử. Sau lễ hội Trung thu, đến lễ hội Ánh sáng, kế tiếp sẽ là lễ hội IndoChine và hàng loạt triển lãm, đấu giá tác phẩm nghệ thuật… Một thoáng lắng lòng sau những lễ hội là khi bạn tìm đến Bảo tàng Văn minh châu Á.

Bạn sẽ thật hài lòng khi đến với bảo tàng, một công trình kiến trúc bán cổ điển tuyệt đẹp nằm bên bờ sông Singapore, được xây dựng vào thế kỷ 18 và trở thành nơi giới thiệu những nền văn minh của châu lục da vàng từ năm 1993. Với cách bố trí hết sức khoa học và tinh tế, những gian gallery của bảo tàng trưng bày biết bao di sản phong phú và quí giá của nhiều nước châu Á: từ hoàng bào Trung Quốc đến tượng thần Champa, từ điêu khắc gỗ Indonesia đến nghệ thuật thêu trên gấm vóc của người dân tộc vùng đông bắc Thái Lan…

Song các du khách VN gần như reo lên tự hào khi nhìn thấy những di sản truyền thống của Tổ quốc mình được trưng bày thật trang trọng ngay ở gian đầu tiên: trống đồng Đông Sơn, tranh giấy dó Đông Hồ, các loại nhạc cụ của nhã nhạc cung đình Huế... Cùng với những hiện vật ấy là những hình thức thuyết minh khác nhau giúp người xem có được một sự hiểu biết khái quát về lịch sử văn hóa mấy ngàn năm trên dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông.

Đã từng đến với nhiều bảo tàng từ Âu sang Á nhưng tại đây tôi thật sự rung động và say mê tham dự hành trình ngược dòng thời gian tìm lại lịch sử và văn hóa Á Đông. Không chỉ đơn thuần trưng bày các đồ vật và hình ảnh, ba tầng lầu của Bảo tàng Văn minh châu Á được tổ chức theo dạng multimedia hiện đại giúp người xem tiếp nhận các thông tin trực quan từ kho tàng di sản văn hóa châu Á một cách đa dạng và sống động với hướng dẫn viên “ảo” (virtual host) qua màn hình, video clip chiếu ngay trên sàn lối đi…

Bảo tàng còn là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc triển lãm văn hóa, nghệ thuật lớn. Hôm tôi đến, tại bảo tàng đang diễn ra triển lãm mặt nạ truyền thống Nhật Bản “Hidden face” hết sức đặc sắc, một cơ hội hiếm hoi để du khách có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu về nghệ thuật kịch gigaku (thế kỷ thứ 7) hay nghệ thuật múa bugaku (thế kỷ thứ 9) ở Nhật, vốn là các loại hình nghệ thuật truyền thống mà các diễn viên nam phải đeo các loại mặt nạ thể hiện cảm xúc hỉ nộ ái ố…

Song những vui, buồn, thiện, ác khắc họa trên mặt nạ suy cho cùng cũng chỉ là nét bề ngoài, còn bản chất thật của con người đằng sau những mặt nạ mới là điều đáng nói như triết lý của các môn nghệ thuật ấy.

Đi xa lại gặp hồn dân tộc, lòng tràn đầy cảm xúc…

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên