![]() |
Merapi phun những luồng khí nóng, nhìn từ Kaliurang thuộc tỉnh Yogyakarta, Trung Java - Ảnh: AFP |
Indonesia nằm trong vòng cung lửa, và trong số 70 ngọn núi lửa đang hoạt động, Merapi cao 2.695m thuộc tỉnhYogyakarta (Trung Java) là một trong những núi lửa hung hãn nhất, với 68 lần hoạt động mà người ta ghi nhận được. Lần phun lửa gây chết người lớn nhất là vào năm 1672, làm 3.000 người thiệt mạng.
Năm 1930, một lần “tỉnh giấc” khác của Merapi mang theo 1.300 mạng sống. Trong những lần hoạt động gần đây nhất, 60 người chết năm 1979 và 60 người khác - khách và chủ của một tiệc cưới - bị giết hại vì khí và tro nóng như thiêu từ dung nham năm 1994. Hai nạn nhân cuối cùng của Merapi chết vào năm 2001.
Trong lần hoạt động hiện nay, đài quan sát núi lửa Yogyakarta cho biết họ đã nhận được những chấn động đầu tiên tháng 8-2005. Các rung chuyển ngày càng thường xuyên hơn trong vài tuần gần đây và cuối tuần trước, khi dung nham bắt đầu trào ra khỏi miệng núi lửa, báo hiệu một vụ nổ lớn có thể diễn ra bất cứ khi nào thì Merapi được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.
Từ đó đến nay, Merapi đã phún xuất 49 luồng dung nham, khạc ra nhiều đám mây nóng trôi xa tới 4km khỏi ngọn núi. Antonius Ratdomopurbo, người đứng đầu đài quan sát khẳng định một vụ nổ của Merapi là không thể tránh khỏi.
Nhưng mặc cảnh báo của các nhà khoa học, nhiều người dân vùng Merapi tin vào “người gác cổng” núi, cụ Maridjan. Ông thừa kế từ cha công việc “người gác cổng Merapi” mà vị vương cuối cùng của Yogyakarta là Hamengkubuwono IX ban cho cha ông.
Với tiền lương khoảng 1 USD/ngày, công việc của “người gác cổng” là bảo đảm tế lễ các linh hồn núi Merapi. Tương truyền rằng bốn thế kỷ trước, người sáng lập triều đại Yogyakarta khi đó, Panembahan Senapati, đã kết giao với nữ thần biển Nam và để được các thần bảo vệ, thần dân của Panembahan Senapati sẽ phải cúng tế ở bốn nơi ngự trị của các linh hồn, một trong những nơi đó là Merapi.
Cụ Maridjan đang là người đảm trách các nghi thức tế lễ này. Ông nói: “Merapi là trái tim của vũ trụ và khói của núi là hơi thở của vũ trụ”. Mặc cho các đe dọa, ngày 18-5 vừa qua, ông đã cố leo gần hơn tới ngọn Kendit để cúng tế hai đêm trước khi bắt đầu nghi thức Tapak Bisu (đi bộ trong im lặng) qua các ngôi làng chân núi để trấn an các linh hồn núi.
Ông nói: “Tất cả những gì tôi nguyện cầu là nếu Merapi bùng nổ, các mảnh vụn của nó không làm hại dân làng”.
Tuy nhiên, trận động đất 6,2O Richter sáng sớm 27-5 khiến các cơ quan chức năng Indonesia không thể chủ quan. Người ta đang lo ngại trận động đất trong tỉnh Yogyakarta sẽ kích hoạt cơn giận dữ mới của Merapi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận