28/08/2011 07:37 GMT+7

"Hòn đá lăn" qua 194 quốc gia

Kashi Samaddar
Kashi Samaddar

TT - Kashi Samaddar (Ấn Độ) có biệt danh là “Hòn đá lăn”, khi đã đặt chân đến tất cả các quốc gia có chủ quyền trên thế giới với một sứ mệnh đặc biệt: du lịch vì hòa bình...

BRLH8QCt.jpgPhóng to

Kashi Samaddar với giấy công nhận kỷ lục “Đi vòng quanh thế giới trong thời gian ngắn nhất” của Guinness - Ảnh: nhân vật cung cấp

"Tình yêu với con người đã khiến tôi bắt đầu việc du lịch vì những mục đích cao cả"

Kashi hiện là kỷ lục gia thế giới (được Guinness công nhận kỷ lục) sau khi trở thành người đầu tiên trên thế giới đến tất cả 194 nước được Liên Hiệp Quốc công nhận chủ quyền. Nước gần đây nhất ông đến là quốc gia trẻ nhất của thế giới - Nam Sudan - vào hôm 9-7-2011. Tuổi Trẻ đã chat với “Hòn đá lăn” - công dân Ấn Độ này.

Du lịch thúc đẩy lòng vị tha và chia sẻ

* Là người được công nhận đi nhiều nhất trên thế giới, nhưng với quê hương Ấn Độ, ông đã đến những nơi nào?

- Trước sinh nhật 26 tuổi, tôi đã đi mòn gót giày tới tất cả 28 bang và bảy lãnh thổ liên bang rồi. Tôi sinh ra trong gia đình nghèo ở Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, đặc biệt thích môn lịch sử. Năm 1994, tôi trở thành giám đốc và công việc đòi hỏi tôi phải đi lại rất nhiều.

* Sứ mệnh lịch sử mà ông tự trao cho mình chính là sự đi lại tự do, du lịch và hòa bình. Ba yếu tố này kết nối với nhau ra sao, và ông đã hoàn thành sứ mệnh ở mức nào?

- Sứ mệnh đó dựa trên một công thức đơn giản: nếu một người đi đến nước khác, người đó sẽ cảm thấy vui vẻ, tinh thần phấn chấn. Du lịch khai sáng trí tuệ và cuốn đi những cảm giác không tốt về nhau, nếu có. Hòa bình thông qua du lịch sẽ bền vững và giúp cả thế giới có lợi. Thành tích đi khắp thế giới của tôi đã hoàn thành, và tôi sẽ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh lịch sử “du lịch vì hòa bình” này. Việc đi lại đến các vùng đất mới giúp con người hiểu biết về văn hóa, nuôi dưỡng văn hóa, thúc đẩy lòng vị tha và chia sẻ, đưa con người dù là dân tộc nào, tôn giáo nào, đảng phái nào đến gần nhau hơn.

* Du lịch thường chỉ dành cho những người có chút dư dả về tài chính, có sức khỏe, có thời gian. Ông đi đến khắp các nơi trên thế giới, với sứ mệnh riêng, hẳn là tốn kém?

- Tôi đã chi khoảng 700.000 USD cho các chuyến đi của mình. Tôi không nhận tiền tài trợ từ bất kỳ đâu, dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi là giám đốc của một công ty đa quốc gia, may mắn có được sự giáo dục tốt, cuộc sống cũng khá tốt đẹp, có sự ủng hộ nhiệt tình của vợ (vợ tôi đã đi hơn 150 nước). Tôi cũng từng nghĩ tới việc di cư tới Úc hay Canada với số tài sản của mình. Nhưng tình yêu với con người đã khiến tôi bắt đầu việc du lịch vì những mục đích cao cả. Với kỷ lục thế giới, tôi được biết đến như một đại sứ thiện chí trong lĩnh vực du lịch, và điều quan trọng là rất nhiều người đang tham gia sứ mệnh này cùng tôi.

Những điểm nhấn của “Hòn đá lăn” trong hành trình lập kỷ lục

- Kashi Samaddar đã phải xin thị thực 3-8 lần mới có, mất tới ba năm chờ đợi khi đến đảo Solomon, Tonga, Algeria, CH Trung Phi, Costa Rica, Guinea Xích Đạo và Moldova.

- Ông phải sống trong nguy hiểm khi tới các nước đang có chiến sự như Afghanistan, Congo, Đông Timor, Fiji, Iraq, Somalia mà không được bảo vệ. Ở các nước, ông đều tiếp cận với các cơ quan và quan chức bộ du lịch bản địa để nói về sứ mệnh của mình.

- Khách sạn nơi ông ở tại Kabul (Afghanistan) đã tan hoang chỉ một giờ sau khi ông rời khỏi phòng.

- Ở Đông Timor, ông không có lương thực trong ba ngày, và phải trả vài trăm đôla cho một người địa phương để có được vài trái chuối lót dạ. Ở Nauru, chuyến bay của ông bị hoãn tám lần và phải ở lại trễ hơn một tháng so với kế hoạch.

- Ông đã kinh ngạc khi chứng kiến buổi lễ cắt thi thể người thành nhiều mảnh để cho chim ăn trong buổi thiên táng đầy màu sắc tôn giáo của người Tây Tạng.

Việt Nam là một đất nước tuyệt vời

* Có bao giờ ông mong mình là công dân của một nước phát triển, như Mỹ chẳng hạn, để đi lại đỡ tốn kém và dễ dàng hơn?

- Chắc chắn nếu tôi là công dân của những nước phát triển, tôi sẽ đỡ tốn tiền xin thị thực hơn, vì tôi có thể thoải mái đi lại mà không cần xin thị thực trước, như vậy rút ngắn thời gian hành trình hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ hộ chiếu Ấn Độ của mình. Nói thế để bạn hiểu tình yêu của tôi với đất nước mình. Mỗi dân tộc đều rất độc đáo, số người xấu mà tôi gặp rất ít.

Tôi đã trở thành người Ấn Độ đầu tiên đặt chân tới nhiều quốc gia, và đã mở đường cho rất nhiều người Ấn cũng như du khách từ các nước đang phát triển khác đến những nơi này. Tôi đã đến Mỹ khoảng 20 lần, nhưng đều vì mục tiêu cao cả. Và tôi sẽ không bao giờ đổi quốc tịch của mình.

* Hiện nay ông đã là “một người Ấn có thể đi lại rất nhiều mà không cần đổi hộ chiếu” như ông mong muốn. Ông còn muốn gì nữa?

- Tiếp tục giúp đỡ mọi người, thúc đẩy các chính sách thị thực công bằng và rộng rãi hơn, thúc đẩy du lịch, trở thành đại sứ thiện chí hoặc tương tự như vậy. Tôi đã đến Việt Nam hai lần và tôi rất thích. Đó là một đất nước tuyệt vời. Tôi cũng sẵn lòng giúp du lịch Việt Nam nếu được đề nghị. Du khách Ấn có thể rất tiềm năng đối với thị trường du lịch của đất nước bạn.

Tôi sẽ bán những video hay hình ảnh có được trong các hành trình, qua đó cũng quảng bá thêm nhiều nội dung, ví dụ như liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu rất được quan tâm hiện nay.

* Ông đã chia sẻ trải nghiệm của mình qua trang web Travel, Tourism and Peace Global, với những thông tin hữu ích cho những người du lịch, đặc biệt về các vùng đất mới. Điều gì với ông quan trọng hơn: khiến bản thân hạnh phúc, làm những gì mình muốn hay khiến những người xung quanh hạnh phúc?

- Những người xung quanh hạnh phúc, đó là điều tôi muốn vươn đến. Ước mơ của tôi là “Thị thực bình đẳng cho mọi dân tộc” trong khi tôi vẫn còn sống. Hiện trên thế giới, công dân của khoảng 34 quốc gia phát triển và những người có hộ chiếu ngoại giao thường dễ dàng có thị thực khi đặt chân đến biên giới của nước khác, nhưng với những người từ các nước đang phát triển, họ phải đến xin thị thực ở sứ quán, đợi từ 3-6 tuần.

Rất nhiều lần họ bị từ chối dù đã có vé máy bay khứ hồi, đặt khách sạn và có tiền. 84% dân số thế giới, tức khoảng 160 quốc gia, chịu cảnh phân biệt đối xử như vậy. Đây là một trong những lý do mà các nước đang phát triển mất đi nguồn chất xám giàu có của mình, do những người có học vấn đổi quốc tịch hoặc chọn hai quốc tịch để tránh những rắc rối khi đi lại.

4 câu chuyện du lịch “điên” trên thế giới gợi cảm hứng

1- Đi lại không có hành lý: Rolf Potts trong vòng sáu tuần đi 12 nước, với tất cả hành lý trong túi áo túi quần của mình. Anh không xách bất kỳ thứ gì trong suốt hành trình, và đã hoàn thành kế hoạch, trở về New York ngày 2-10-2010. Cuộc phiêu lưu “Thách thức không hành lý” đã khiến người ta kinh ngạc. Nó cho thấy chúng ta đi lại khắp nơi và không nhất thiết phải có gì mang theo người, một khi ta đã quyết định có được hành trình đáng nhớ của cuộc đời.

2- 80 ngày ở Bắc cực: Nhóm bốn cô gái người Thụy Điển và Na Uy gồm Vera Simonsson, Emma Simonsson, Ingebjoerg Tollefsen và Kristin Folsland Olsen đã trượt tuyết qua đảo Baffin ở Bắc cực, kéo theo chiếc xe nặng 100kg, vượt qua các vịnh hẹp, các dãy núi và băng giá của biển, cố gắng tránh những chú gấu Bắc cực rất đông trên đường đi. Họ bắt đầu chuyến du hành từ tháng 3-2009 và kết thúc 80 ngày sau.

3- Đi bộ dọc sông Amazon: Ed Stafford đã đi bộ dọc con sông Amazon, bắt đầu từ Peru ngày 2-4-2008 và kết thúc 859 ngày sau đó, vào tháng 8-2010.Người ta gọi anh là chiến binh hoạt động vì sinh thái, nhưng Stafford cho rằng đó là một cơ hội để thử xem mình có thể vượt qua những giới hạn nào. “Điều đó chứng minh chúng ta có thể làm được bất kỳ điều gì, ngay cả khi người khác nói rằng ta không thể. Tôi đã chứng minh là nếu bạn thật sự muốn điều gì đó, bạn có thể làm được!”.

4- Đi vòng quanh thế giới trong thời gian ngắn nhất. Kashi Samaddar, năm nay 54 tuổi, sinh ra ở Kolkata, sống ở Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đã mất 6 năm 10 tháng và 7 ngày (từ 18-7-2002 đến 24-5-2009) để trở thành người đầu tiên trên thế giới đến được toàn bộ 194 quốc gia có chủ quyền, và cả nước Nam Sudan vừa ra đời. Ông bắt đầu hành trình ở Amsterdam và kết thúc ở Kosovo. Ông cho rằng sự phân biệt đối xử về thị thực chính là điều cản trở sự phát triển của du lịch thế giới.

u7pgpG7c.jpgPhóng to

Kashi tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh: nhân vật cung cấp

Kashi Samaddar
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên