05/08/2019 15:19 GMT+7

Hơn 1.200 người Việt phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Trong số 1.200 người Việt phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, Interpol đã ra lệnh truy nã đỏ 235 người và có nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Hơn 1.200 người Việt phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài - Ảnh 1.

Bị can Vũ Đình Duy, cựu tổng giám đốc dự án Xơ sợi Đình Vũ, hiện vẫn bỏ trốn - Ảnh: TTO

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ đăng lên Cổng thông tin của bộ để lấy ý kiến cơ quan chức năng, người dân trước khi trình Chính phủ.

Theo dự thảo, tính đến tháng 5-2019, Việt Nam hiện có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó có 21 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Úc, Czech...; 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại với Anh, Hong Kong, Nhật Bản, Thụy Điển;... đã dẫn độ được 7 đối tượng về Việt Nam; bắt giữ 1 đối tượng khi bỏ trốn về Việt Nam…

Cũng tính đến tháng 5, số người phạm tội Interpol truy nã đỏ có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 người. Căn cứ quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007, áp dụng điều ước quốc tế và áp dụng pháp luật có liên quan, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 23 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.

Bộ Công an đánh giá cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, minh chứng bằng số lượng các yêu cầu dẫn độ đã giải quyết thành công chiếm tỷ lệ cao.

Từ thực tiễn triển khai Luật tương trợ tư pháp 2007, Bộ Công an đánh giá nhiều quy định của chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế… Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.

Các quy định của luật chưa dự báo điều chỉnh được hết các trường hợp phát sinh trên thực tế. Trong khi đó, các quy định về dẫn độ của Luật tương trợ tư pháp có độ "vênh" với quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Bộ Công an nhận định số lượng người nước ngoài đến Việt Nam cũng như công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng; nạn di cư trái phép, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp... Dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và ngược lại có xu hướng gia tăng.

Từ đó, Bộ Công an kiến nghị Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật tương trợ tư pháp năm 2007; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động dẫn độ và xác định, phân định lại cơ quan quản lý nhà nước về dẫn độ…

Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong giải quyết vụ việc dẫn độ khi Việt Nam chưa ký kết hiệp định hợp tác song phương về dẫn độ với nước ngoài. Tránh việc người phạm tội lợi dụng "kẽ hở" của pháp luật và trong hợp tác quốc tế để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm...

Xử nghiêm quan chức xuất nhập cảnh tiếp tay phạm nhân trốn ra nước ngoài Xử nghiêm quan chức xuất nhập cảnh tiếp tay phạm nhân trốn ra nước ngoài

TTO - Nêu ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cần có quy định xử lý đối nghiêm khắc với những cá nhân đã tiếp tay cho đối tượng bị truy nã trốn ra nước ngoài.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên