26/08/2008 04:05 GMT+7

Hồi ức về một phiên tòa nặng trĩu

Thẩm phán PHẠM HOÀNG DŨNG(chánh tòa hình sự TAND tỉnh Hậu Giang)
Thẩm phán PHẠM HOÀNG DŨNG(chánh tòa hình sự TAND tỉnh Hậu Giang)

TT - Là thẩm phán tòa hình sự, có những phiên xử tôi đưa ra phán quyết không mấy khó khăn, bởi trắng đen đã rạch ròi, cái ác rất rõ rệt. Nhưng cũng có những phiên tòa đầu óc tôi căng ra bởi lằn ranh thiện, ác quá mong manh. Chẳng hạn như vụ án tôi được phân công làm chủ tọa này...

sU5mTTn2.jpgPhóng to

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

TT - Là thẩm phán tòa hình sự, có những phiên xử tôi đưa ra phán quyết không mấy khó khăn, bởi trắng đen đã rạch ròi, cái ác rất rõ rệt. Nhưng cũng có những phiên tòa đầu óc tôi căng ra bởi lằn ranh thiện, ác quá mong manh. Chẳng hạn như vụ án tôi được phân công làm chủ tọa này...

Đứng trước vành móng ngựa là một phụ nữ với đôi mắt quầng thâm không còn thần khí, bị xét xử với tội danh giết người, nạn nhân chính là chồng của bị cáo. Những gì diễn ra đối với người phụ nữ đó khiến tôi không khỏi hãi hùng, thương cảm. Khi không có rượu, người đàn ông đó là một người chồng, người cha tốt; nhưng khi rượu vào, chồng chị biến thành ác quỷ.

Và khốn nỗi thời gian giữa người với quỷ bằng nhau, làm một ngày, nhậu một ngày. Bao nhiêu tiền làm ra đốt vào những xị đế. Một mình chị phải làm thuê, làm mướn nuôi hai con, và cũng để phục vụ ông chồng ma men. Ở đậu trên đất người, chỉ được vài tháng là bị chủ đất đuổi bởi tối ngày say xỉn, la hét. Cuối cùng phải mua chiếc ghe sống rày đây mai đó trên sông. Sau đó, vì sự học của hai con, chị bán ghe mua lại mảnh đất chó nằm ló đuôi giữa đồng không mông quạnh. Nhưng rồi con chị cũng lần lượt bỏ học đi làm thuê phụ mẹ mua gạo và mua rượu.

Sức hủy diệt của rượu

Tôi không sao hiểu chị có thể cam chịu bị ngược đãi trong ngần ấy thời gian. Chị từng bị đánh gãy tay, gãy chân, còn bầm mắt, sưng mặt là chuyện thường. Gớm ghiếc hơn, những lời khai cho biết chồng chị bắt chị ra ngủ ngoài chuồng heo, và đòi phải đáp ứng nhu cầu sinh lý tại chốn dơ bẩn đó trong hơi men nồng nặc. Người cha say xỉn đó cũng hành hạ dã man hai con gái, bắt quỳ gối lê cả chục vòng từ nhà ra sân, từ sân vào nhà. Xóm giềng đến can ngăn, anh ta cầm dao rượt chạy trối chết (tỉnh rượu lại đi năn nỉ, xin lỗi).

Cứ như thế, riết rồi ai cũng sợ không dám can thiệp. Và trong ngày mồng 2 tết, khi chất men ma quái đang chảy khắp người, sau khi đánh đập vợ con, đập phá đồ đạc, người chồng hung hãn cầm lưỡi hái định cắt cổ cả ba mẹ con. Hoảng sợ, chị xô chồng xuống, lượm sợi dây giăng võng gần đó, choàng qua cổ chồng siết mạnh...

Không khí phiên tòa hôm đó khá nặng nề, bi thương. Hai đứa con ngồi ở hàng ghế dự khán cứ khóc nức nở suốt. Người chị chồng đại diện cho bị hại, nhất quyết đòi xử nghiêm theo luật. Hai đứa cháu quỳ xuống lạy xin cô tha thứ cho mẹ mình, nhưng người cô ruột, mặc dù nước mắt rơi lã chã, vẫn cương quyết lắc đầu. Nghe đứa con gái lớn của bị cáo và bị hại mếu máo: "Tại sao gia đình người ta ai cũng vui vẻ, còn gia đình con lại tan nát như thế này!?", tôi thấy cổ họng mình nghẹn đắng.

Quả là đau đớn, ở lứa tuổi hồn nhiên này đúng ra phải được hưởng niềm vui như bao trẻ em khác, được học hành, vui chơi nhưng các em phải làm quần quật suốt ngày, mục kích cảnh mẹ bị hành hạ, và ngay cả bản thân các em cũng là nạn nhân của người cha nghiện ngập. Từ ngày mẹ bị giam, cô con gái lớn, 16 tuổi, lên thành phố làm công nhân xưởng gỗ; còn đứa út 14 tuổi, về sống bên nhà ngoại. Ông bà ngoại quá già, lại bị mù lòa nên em phải tiếp tục đi nhổ cỏ, gặt lúa thuê đắp đổi qua ngày, và để có tiền đi thăm nuôi mẹ.

Trước bi kịch quá lớn của một gia đình, tôi cảm thấy xót xa. Vì thế, khi thẩm vấn tôi hỏi nhỏ nhẹ, từ từ để người phụ nữ bớt hoảng sợ, bớt bi thống, trả lời cho chính xác. Từ đầu chí cuối bị cáo cúi đầu nhận lỗi, không thanh minh, giọng ngập tràn hối hận, trách mình quá nóng giận, phải chi đừng phản ứng, phải chi cứ chịu nhịn như mấy lần trước, chồng đánh đau rồi cũng xong. Và khuyên con nếu cô không tha thứ cũng đừng nên giận bởi tội nghiệt mình quá nặng. Bị cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt vì có hai con gái, cần sự chăm sóc của mẹ.

Giữ cho tình - lý cân bằng

Tôi cảm thấy ngoài men rượu khiến gia đình rơi vào bi kịch, thì chính cách cư xử của người vợ phần nào đã đưa đến tình thế hết bề cứu vãn như hôm nay. Đúng ra, khi bị đánh đập dã man như vậy, chị phải báo với các đoàn thể nhờ giúp đỡ, đằng này chị giấu kín, còn nói mình bị té ngã. Chị không ly dị bởi nghĩ con không có cha sẽ khổ, nhưng liệu có một người cha như vậy thì tương lai của những đứa con có tươi sáng hơn?

Câu trả lời rành rành ra đó, hai đứa con phải nghỉ học đi làm thuê để có tiền mua rượu. Chị cho rằng giữa mình và chồng vẫn có sự thương yêu nhau, bằng cớ khi không có rượu chồng không đánh mình. Và khi chồng có rượu, mình chỉ nhẫn nhịn một chút là được. Vợ chồng là duyên nợ mà.

Tôi cảm thấy tiếc người phụ nữ này đã đặt chữ "nhẫn" không đúng chỗ. Có lẽ vì trình độ thấp, lại sống ở vùng quê heo hút nên chị không hiểu rằng muốn ăn đời ở kiếp thì vợ chồng phải quý trọng lẫn nhau, đồng tâm hiệp lực xây dựng mái ấm gia đình, hoặc chí ít chồng cũng không được vũ phu như thế. Một bên tinh thần bị áp chế cực độ, còn một bên quyền hành phát tiết đến mức bành trướng, thế nào cũng nảy sinh bi kịch.

Gần 18 năm chung sống, lúc nào cũng cúc cung tận tụy không phải với thiên chức người vợ mà với nhiệm vụ của một nô lệ. Tất cả đau đớn, tủi nhục ê chề bị dồn nén, chất chứa để rồi trong lúc tâm thần hỗn loạn, vỡ òa thành cái siết mạnh tay sợi dây choàng qua cổ người chồng... Tôi hiểu nguyên nhân đưa đến động cơ giết người đó và cũng phần nào thông cảm cho bị cáo, ngoài ra còn nghĩ đến hai đứa con mất cha, mẹ bị tù, gia đình tan nát. Hơn bao giờ hết, các thành viên gia đình ấy cần có nhau để an ủi, vá víu lại những mảnh vụn hạnh phúc, giúp nhau vượt qua kiếp nạn.

Là một thẩm phán tôi phải xử sao cho cán cân công lý không được thiên lệch, nếu nghiêng quá về tình sẽ không giáo dục, răn đe, ngăn ngừa chung cho xã hội, và tất nhiên cũng không được nghiêng quá về phía ngược lại, bởi khi công lý bị tách rời khỏi lòng nhân ái thì rất đáng kinh hãi. Hội đồng xét xử bàn bạc và tuyên mức án 3 năm tù giam. Thấy ánh mắt đa số người dự khán đều đồng lòng với quyết định đó, tôi cảm thấy lòng nhẹ lại bởi đã có một phán quyết hợp lý, hợp tình...

Thẩm phán PHẠM HOÀNG DŨNG(chánh tòa hình sự TAND tỉnh Hậu Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên