01/05/2012 01:01 GMT+7

Hồi ức thuở học trò

PHẠM NGỌC LÂN (MỸ)
PHẠM NGỌC LÂN (MỸ)

AT - Ở nam Cali bây giờ trời đã vào hè, phượng tím (tên Mỹ là Jacaranda mimosifolia) đã nở hoa. Nhìn các cây phượng tím tôi chạnh lòng nhớ đến cây phượng đỏ nơi quê nhà.

4djbEyRE.jpgPhóng to
Ảnh: Flickr

Hè về phượng tím nở hoa Cali không có ve ca dọc đườngCách nhau vạn dặm đại dươngNhớ về trường cũ buồn ơi là buồn...

Đã gần nửa thế kỷ tôi rời xa mái Trường trung học công lập Tây Ninh vào mùa hè năm 1965.

Trường trung học công lập Tây Ninh (nay là Trường THTP Trần Hưng Đạo) tọa lạc tại ngã tư đường Trần Hưng Đạo và đường Quang Trung. Nơi các chuyến xe đò Sài Gòn - Tây Ninh đều phải ngừng lại để đón thêm khách trước khi rời khỏi tỉnh lỵ. Vào thời ấy trường rất mới, có dãy nhà hai tầng, có phòng thí nghiệm hóa học, chỗ để xe đạp... Là trường công nên thi vào trường rất khó. Do đó những học sinh ở xa như Gò Dầu, Cẩm Giang, Trảng Bàng, Long Hoa... đậu vào trường này rất hãnh diện. Kỷ niệm về thời tôi học ở Trường trung học công lập Tây Ninh nhiều lắm vì nó kéo dài tới bảy năm.

Tôi nhớ đến thầy Sĩ. Tôi không học với thầy nhưng tôi nhớ đến thầy vì trong khi sinh hoạt với gia đình phật tử, thầy có dạy cho tôi vài thế võ Thiếu Lâm và vài chiêu để tự vệ như khóa tay, mở tay... Thầy dạy “moran” rằng học võ là để tự vệ chứ không phải để đi đánh người khác. “Nhứt thế vi sư, bán thế vi sư”, do đó tôi vẫn coi thầy Sĩ (có lẽ chỉ hơn tôi 5-6 tuổi) là thầy của tôi.

Tôi nhớ thầy giám thị Quyền là người thường kể chuyện vui khi canh gác các học sinh trong lớp học lúc thầy cô đến trễ hoặc vắng mặt vào giờ học. Thầy Cố dạy toán, người có chữ viết nghiêng nghiêng mà mỗi khi tôi lên bảng, tôi bắt chước viết chữ giống y như chữ của thầy. Cả lớp cười vui vẻ, nhưng thầy Cố phê cho tôi một câu đại khái là “Em có biết rằng “nhái” (bắt chước) người khác là có tội không?”.

Tôi nhớ thầy Thọ dạy lý hóa, người mà tôi đã theo lời hướng dẫn của thầy, “bứng” các “tháp” tức là cột đất có hòn sỏi đá lớn ở bên trên khi đi leo núi Bà Đen. Thầy Thọ dạy rằng lớp đất ở trên mặt đất dốc (không bằng phẳng) bị nước mưa xâm thực, xói mòn, nhưng tại nơi có hòn đá thì nhờ sức nặng của hòn đá nên lớp đất ở bên dưới không bị xói mòn, trong khi đất ở chung quanh đã trôi đi hết nên tạo thành hình một cái tháp, một cây cột đất có hòn đá bên trên. Đất xung quanh càng trôi đi theo năm tháng thì cột tháp càng cao. Thầy Vinh dạy vẽ, là người đã chấm bản vẽ của tôi được điểm cao nhất và giao cho tôi nhiệm vụ sắp xếp lại các bản vẽ của các bạn khác theo thứ tự số điểm để phát ra trong lớp sau đó. Thầy Nghĩa dạy Hán văn, là người Việt gốc Hoa, thầy cũng cho tôi được hạng nhất trong lớp. Thầy viết tên họ của các học sinh ra chữ Hán và bắt các học sinh viết đồ lại tên mình bằng chữ Hán lớn ra để thầy chấm điểm.

Dạy tôi môn vạn vật năm đệ nhị (lớp 11) là cô Tuyết. Cô có mái tóc quăn, nước da màu bánh ít với nụ cười rất có duyên. Cô vẽ hình trên bảng cho các bài học vạn vật rất hay. Lâu lâu cô Tuyết kêu tôi lên bảng vẽ giùm. Do đó tôi nghĩ là cô “thương” đứa học trò này lắm! Đặc biệt tôi nhớ thầy Hùng, tổng giám thị, là người rất “ưu ái” tôi năm tôi học lớp đệ nhất. Khi có các buổi họp chung giữa học sinh và thầy cô thì thầy Hùng “mời” tôi lên ngồi ở bên trên với các thầy cô và chia cách tôi với đám bạn đang ngồi ở phía dưới, có lẽ để tôi khỏi “phá phách” trong buổi họp.

Tôi nhớ tới anh Xúc. Anh học không khá lắm, thường đứng cuối sổ, nhưng rất chịu chơi nên được bạn bè “thương”. Do đó, vào năm đệ tam, lớp tôi bầu anh Xúc làm trưởng lớp. Tôi làm phó trưởng lớp. Anh Xúc giữ sổ điểm danh, nếu có anh em nào vắng mặt thì tùy nghi trong buổi học đó anh Xúc sẽ du di không ghi vào sổ.

Nguyễn Văn Cười, Nguyễn Văn Vẽ và tôi là bộ “tam sên” gắn bó liền nhau vào năm cuối của thời trung học, vì hằng tuần bộ ba chúng tôi gặp nhau trên căn gác của nhà anh Vẽ để cùng nhau học toán chuẩn bị cho kỳ thi tú tài II. Tôi thường mua các trái dưa hấu nhỏ, lép một bên vì giá rẻ, hoặc hái vài trái vú sữa ở nhà tôi đem lên căn gác để “ăn và học”.

Tôi viết hồi ức này để tỏ lòng biết ơn các thầy cô đã ra công dạy dỗ lũ học trò chúng tôi trong thời niên thiếu. Những học trò tỉnh lẻ Tây Ninh chúng tôi đã học được rất nhiều điều nhờ sự dạy dỗ của các thầy cô mà đa số thầy cô đến từ Sài Gòn hoa lệ.

Công thầy luôn tạc dạTình bạn mãi ghi lòng.

7AksKXLo.jpgPhóng toÁo Trắngsố 7 ra ngày 15/04/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHẠM NGỌC LÂN (MỸ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên