28/02/2018 10:30 GMT+7

Hội ngộ khó quên trên đất Mỹ

HOÀI LÊ (Từ Mỹ)
HOÀI LÊ (Từ Mỹ)

TT - Gặp nhau tay bắt mặt mừng, những vòng tay siết chặt, nước mắt xen lẫn nụ cười. Cùng với những lời hỏi thăm là những câu chuyện tưởng chừng như bất tận về thể thao, về TP.HCM thân yêu...

Cựu vua phá lưới giải quốc gia trong màu áo đội Sở Công Nghiệp Võ Thành Sơn (bìa trái) cùng những cựu VĐV tại cuộc hội ngộ Ảnh: S.HUYÊN
Cựu vua phá lưới giải quốc gia trong màu áo đội Sở Công Nghiệp Võ Thành Sơn (bìa trái) cùng những cựu VĐV tại cuộc hội ngộ Ảnh: S.HUYÊN

Buổi họp mặt lần đầu tiên của những cựu VĐV bóng chuyền TP.HCM và thể thao VN vào cuối tuần qua tại Los Angeles (Mỹ) bắt đầu bằng những hình ảnh tràn ngập cảm xúc như vậy.

Nhớ thời bao cấp gian khó

Cuộc hội ngộ với Trần Như Hoài - cựu vô địch, kỷ lục gia VN ở cự ly 100m - sau gần 30 năm khiến chúng tôi ai cũng nghẹn ngào. Chàng trai một thời được mệnh danh là “vua tốc độ” giờ tóc bạc trắng vì năm tháng và cuộc sống mưu sinh. Vừa lái xe từ San Jose hơn 7 tiếng đồng hồ, vậy mà giọng nói vẫn rổn rảng kể về một thời hoàng kim của thể thao TP. Nhắc đến thời những năm 1980, mỗi lần ra sân thi đấu ở giải quốc gia, Hoài đã cầm chắc hai HCV ở cự ly 100m, 200m và góp phần quyết định của HCV cự ly 400m tiếp sức.

Nhưng câu chuyện về những năm tháng thiếu thốn, thiếu điện, thiếu nước tắm của anh tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn mới thật ấn tượng. Đặc biệt có lần vì không thể đón xe buýt ra Hà Nội, chàng trai miền Nam đã quyết định chạy bộ từ Nhổn ra bờ hồ (10km) vừa tập thể lực vừa để được ăn một que kem “cho biết mùi”...

Câu chuyện ăn cơm mà bo bo nhiều hơn gạo của thầy trò Tống Thành Quan (cựu trưởng bộ môn bóng chuyền Sở TDTT TP.HCM) với Nguyễn Trung Kiên trong thời gian tập huấn như nhắc về một thời gian nan. Ngày đó, mỗi lần VĐV bóng chuyền đội Công Nhân Hóa Chất ra Hà Nội tập trung, trong hành trang của họ đều có ít nhất một giỏ xoài cát Hòa Lộc. Vừa tới Hà Nội là các giỏ xoài được mang ra chợ Đồng Xuân và khoản tiền chênh lệch đủ để họ bồi dưỡng hay tiêu xài trong thời gian xa nhà. Không hề có vị đắng mà chỉ có sự lạc quan.

Khốn khó là vậy, mà thời đó TP.HCM có tới 3 đội bóng chuyền luôn nằm trong tốp bốn đội bóng mạnh nhất nước và tất nhiên trong danh sách đội tuyển quốc gia số lượng VĐV TP luôn chiếm 2/3.

Một thời tự hào

Cựu vô địch, kỷ lục gia VN ở cự ly 100m Trần Như Hoài chơi quần vợt với mái tóc bạc trắng tại cuộc hội ngộ Ảnh: SĨ HUYÊN
Cựu vô địch, kỷ lục gia VN ở cự ly 100m Trần Như Hoài chơi quần vợt với mái tóc bạc trắng tại cuộc hội ngộ Ảnh: SĨ HUYÊN

Và trong tất cả các giải thi đấu thể thao, VĐV TP.HCM khi ra sân thi đấu hay xuống nước bơi là có ngay HCV.

Cô bé 13 tuổi, kiện tướng bơi lội, HCV bơi vượt sông Mai Hằng Hà của năm 1981 giờ đã là bà mẹ có thể ngồi sui. Hà cùng chồng là Châu Bá Lễ (cựu vô địch bóng chuyền quốc gia Seaprodex) vừa sang Mỹ định cư được 9 tháng. Hà kể về chuyện là VĐV bơi trong hồ, vậy mà ra sông cô đã biết tận dụng dòng nước để bứt phá và vượt qua 3.000m đoạt ngôi vô địch. Cùng với Chung Thị Thanh Tâm (hạng nhì), Hà đã đoạt tiếp HCV đồng đội.

Câu chuyện của anh Đỗ Như Minh - HCB bơi bướm SEAP Games 1973, người thầy của nhiều VĐV sau này và anh Võ Thành Sơn - cựu tuyển thủ miền Nam, vua phá lưới giải quốc gia trong màu áo đội Sở Công Nghiệp - lại là những trăn trở cho tương lai. Thời của các anh, chỉ có bơi lội là có HCV và bóng đá với bốn đội Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Sở Công Nghiệp, Công Nghiệp Thực Phẩm cứ ra sân là khán đài đông nghẹt khán giả. Câu hỏi về lớp trẻ hiện nay của bơi lội, bóng đá TP đang đứng ở đâu của quốc gia cứ như tiếng thở dài.

Vương Hồng Khánh, tay vợt bóng bàn cùng Phạm Phú Phát, Nguyễn Vinh Hiển, Phan Huy Hoàng tung hoành ở giải trẻ những năm 1980 nhớ lại bóng bàn thời đó gần như độc chiếm huy chương ở các giải quốc gia. Và không chỉ bóng bàn. Ngọc Nga (hiện ở Texas), Mai Quyên (Virginia) vô địch cầu lông vẫn cho rằng tài năng không thiếu, quan trọng là cách khai thác và phát huy.

Cựu trưởng bộ môn bóng chuyền Tống Thành Quan (Houston) kể về một thời phải xuống các quận huyện, đến các trường để tìm năng khiếu. Và chính các lần thâm nhập thực tế như vậy mà một lớp VĐV trẻ của TP tỏa sáng sau này trong màu áo của Seaprodex, In số 2 như Lễ, Tường, Thông, Hồng Hảo... Và trong câu chuyện về sự thành danh của họ luôn đọng lại hình bóng một người anh, người thầy - cố trưởng bộ môn bóng chuyền TP Phan Phước Điền...

Người Việt ở đâu cũng vậy, đặc biệt là các VĐV thể thao. Họ một thời đã sát cánh tạo nên tên tuổi cho thể thao TP, giờ dù vì cuộc sống nhưng vẫn đau đáu nhớ về quê nhà, về thể thao TP.HCM.

Dự tính lập quỹ hỗ trợ và giúp đỡ tài năng trẻ

Cuộc gặp cuối tuần qua tại Los Angeles xuất phát từ ý tưởng của cựu VĐV Nguyễn Trung Kiên, chủ công của đội bóng chuyền Công Nhân Hóa Chất vang danh một thời. Ý tưởng này nhận được sự cộng hưởng nhiệt tình của các cựu VĐV hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ.

Tất cả đang hi vọng cuộc gặp mặt lần thứ hai ở San Jose sang năm sẽ đông đủ hơn và thiết thực hơn là một cuộc hội ngộ. Bởi không chỉ gặp nhau để nhớ, họ còn dự tính chuyện tạo quỹ để hỗ trợ đồng đội gặp khó khăn hay giúp đỡ các tài năng trẻ trong nước.

HOÀI LÊ (Từ Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên