02/01/2007 21:28 GMT+7

Hồi ký, tự truyện: Được phóng bút cỡ nào?

 LAN NGỌC Theo Thể thao và Văn hóa
 LAN NGỌC Theo Thể thao và Văn hóa

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao việc Bộ VH-TT gửi công văn trình Chính phủ đề xuất chấn chỉnh xuất bản hồi kí, tự truyện - một thể loại được coi là khá nhạy cảm và dễ “đụng chạm”.

Điều chỉnh việc viết và xuất bản hồi ký, tự truyện: Có can thiệp chuyện riêng tư?

SLozSnPD.jpgPhóng to
Nhà văn Trần Thị Trường - Ảnh: VNE

Nên để dư luận tự điều chỉnh!

* Bà có biết đề xuất chấn chỉnh hồi kí, tự truyện?

- Tôi đã theo dõi trên báo. Theo tôi, không nên hạn chế. Bởi vì, thứ nhất, có phải ai cũng có khả năng viết hồi kí, tự truyện đâu. Thứ hai, nếu những gì viết ra được độc giả tiếp nhận thì sao lại hạn chế? Thứ ba, cũng không nên hạn chế cá nhân bày tỏ ẩn ức của họ.

Mặt khác, theo tôi, nếu cơ quan quản lí muốn chấn chỉnh việc xuất bản hồi kí, tự truyện thì cũng không nên chỉ điều chỉnh đối tượng tác giả mà phải chấn chỉnh cả biên tập viên, giám đốc nhà xuất bản vì họ phải nắm rõ hơn tác giả khi duyệt bản thảo.

Thế thì có thể ta không nên đưa ra những văn bản chung chung như vậy. Rất khó để định lượng những khái niệm như “bí mật quốc gia”, “sự thật lịch sử”… chỉ nên coi cái sự thật ấy là “sự thật trong mắt ai” mà thôi. Nói cách khác, mỗi người viết phải tự chịu trách nhiệm về cái “sự thật” cuỷa mình, theo quan điểm của mình. Còn để cụ thể hóa, để cân đong đo đếm tỉ mỉ các khái niệm trừu tượng nói trên, người cầm cân nảy mực cần phải có cái nhìn sáng suốt, thấu đáo. Vì thực tế rất phong phú, có những cái tưởng là “bí mật”, té ra lại chẳng bí mật gì vì ai cũng biết cả rồi hoặc ngược lại.

* Song như vậy, không có nghĩa là cơ quan quản lí không thể điều chỉnh. Vì rằng, dư luận nhiều khi cũng sai lầm. Vì rằng, số đông chưa chắc đã đúng…

- Cũng có thể… Nhưng theo tôi, trong một xã hội hiện đại thì nên để dư luận tự điều chỉnh. Mà nếu không cho xuất bản theo cách chính thống thì tác giả của nó cũng sẽ tìm những cách khác để phát tán như photocopy, đẩy lên mạng hay thu băng cassette. Mà với những hình thức này thì càng khó kiểm soát!

Với Internet, nếu máy chủ đặt ở nước ngoài thì coi như… bó tay. Hoặc nếu tác giả viết theo lối “sự thật cộng với một chút mơ màng” thì càng không có cơ sở để xử lí! Tôi tin rằng dư luận mà đại diện là các cơ quan thông tấn báo chí đủ tỉnh táo để nhận ra bản chất vấn đề. Động cơ của người viết trong sáng hay không trong sáng cuối cùng cũng sẽ lộ cả thôi.

* Nhưng theo quan điểm của cấp quản lí thì cũng nên lường trước những hậu quả tiêu cực khi phát hành một ấn phẩm hồi kí, tự truyện với mục đích thiếu trong sáng như “trả nợ ân oán”, “thanh toán lẫn nhau”… Hơn nữa, hồi kí, tự truyện vốn là thể loại có sức tác động không nhỏ! Mà thật giả đâu phải lúc nào cũng dễ đoán định, nhất là khi tác giả hồi kí, tự truyện cố ý hư cấu hoặc cố ý xây dựng tác phẩm theo lối “hư hư thực thực”, “nửa hư nửa thực”… để “tung hỏa mù” với người ngoài cuộc!

- Nên hiểu thế này, hồi kí, tự truyện là một thể văn viết, ghi lại tư liệu có thật, thuật lại cuộc đời, sự nghiệp của một cá nhân hoặc một gia đình, dòng họ. Hồi kí, tự truyện phải là tư liệu có thật, không thể hư cấu. Tất nhiên, người ta có thể viết hồi kí, tự truyện để lăng xê cho mình, để bôi xấu người khác, để kiếm tiền… Nhưng cũng có người chỉ đơn giản là muốn kể lại một câu chuyện của đời mình.

Vấn đề ở chỗ, khi có quyền tự do làm hồi kí, tự truyện thì bất cứ ai cũng phải tuân theo luật pháp, không có quyền vu cáo, xúc phạm người khác và trước hết, người viết, người được thuê viết phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết, mình kể. Không chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật mà quan trọng hơn phải chịu trách nhiệm trước lương tâm của chính mình.

* NSND Thanh Hoa tuyên bố trên mặt báo là đang hợp tác với bà để viết hồi kí. Vậy sự thật thì bà đã viết đến đâu rồi?

- Tôi chưa viết xong.

* Vì có nhiều chuyện khó nói?

- Tôi không trả lời câu này đâu nhé!

Cục Xuất bản (Bộ VH-TT): Không hề có chuyện cấm đoán!

Theo một quan chức Cục Xuất bản (đề nghị giấu tên) thì công văn của Cục chỉ là đề xuất xin ý kiến chỉ đạo chứ không hề có chuyện cấm đoán, nhất là cấm cá nhân được kể chuyện đời tư, mà chỉ chấn chỉnh những gì liên quan đến bí mật quốc gia, sự thật lịch sử… Bởi theo cơ quan quản lí, có nhiều chi tiết trong hồi kí, tự truyện (đã xuất bản) của một số cán bộ, công chức mà không thể kiểm chứng được tính xác thực, vì các nhân chứng đều đã mất nhưng lại gây dư luận không tốt.

Tuy nhiên, vì chưa có dự thảo, cũng chưa tham khảo Pháp lệnh công chức và Pháp lệnh bí mật quốc gia nên thực tế là chính Cục Xuất bản cũng lúng túng chưa thể… hình dung được sẽ “cụ thể hóa” nội dung công văn nói trên thế nào!

Theo lộ trình, nếu Chính phủ phê duyệt thì ngay trong năm 2007, qui chế chấn chỉnh hồi kí, tự truyện sẽ có hiệu lực. Về trường hợp tự truyện Lê Vân - Yêu và sống, Cục cho biết, cơ quan quản lí không hề có văn bản nào chấn chỉnh NXB Hội nhà văn cũng như cá nhân tác giả. Chỉ khi nào có khiếu kiện thì cơ quan quản lí mới vào cuộc.

 LAN NGỌC Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên