Phóng to |
Ấp chiến lược ở phía đồng bằng nhằm qui tụ nông dân, trước kia cư trú rải rác gần ruộng đất của mình. Sáng họ ra khỏi khu, chiều họ phải trở về, điểm danh. Không được làm ruộng ở xa, câu cá, thăm bà con cũng vậy.
Lấy gì mà sống. Đã từng nghe rằng (và báo chí có đăng tải) - khu vực ấp chiến lược do nông dân địa phương và vùng lân cận xây đắp vòng ngoài, qui hoạch đường xá nhỏ trong khu, công việc xây đắp này có lính cầm súng canh phòng. So sánh với công trình của vua chúa thời xưa bên Trung Quốc, một nhà báo ở Sài Gòn đầy đủ thế lực bảo đó là xây “vạn lý trường thành”, ngụ ý mỉa mai. Đã phong kiến thì phải đi đến tuyệt đỉnh. Khi tổng thống Diệm đi thanh tra ấp chiến lược lần đầu tiên, một chủ bút đã mô tả rằng vùng ấy bấy lâu hạn hán, đất nứt nẻ, thế mà khi Diệm đến, khen ngợi thì xảy ra trận mưa rào, ngọt lịm, so sánh với “ơn mưa móc” của vua rưới lấp.
Mỹ cho thêm máy cày vì những vùng “ấp chiến lược” này trước đó hoang vu, thiếu công trình thủy lợi. Hàng chục máy cày, tàu cuốc cỡ nhỏ xuống thi công. Mỗi hộ gia đình của khu trù mật mà Mỹ thành lập để ưu đãi dân chống Cộng gần đấy lại được cấp phát cho đôi trâu mua từ Thái Lan, nhiều người chán nản, lập tức “khắc nhượng” trâu, khiến trâu què quặt. Họ báo cáo láo rằng trâu Thái Lan không hợp với khí hậu Việt Nam thì lập tức được Tổng ủy Dinh điền của quốc gia đưa xuống đôi trâu khác, thay thế. Thế là những người ở Dinh điền, đôi khi còn gọi Khu trù mật tha hồ gây thương tích cho trâu để rồi giết trâu mà ăn nhậu.
Trở lại khu vực “ấp chiến lược”, còn chuyện khôi hài, có thật. Vì tranh thủ thời gian, làm gấp để hưởng viện trợ, ngoài cổng thường trồng hoa, đặc biệt là trồng cam, quít, bưởi. Khi đi khánh thành cùng với phái đoàn Mỹ và ký giả quốc tế, ông ta hài lòng thấy chưa chi mà cam quít đã ra trái tươi tốt, bèn... sờ thử nhưng chưa chi những trái non đã rụng khi đụng vào tay Diệm. Quan khách mỉm cười, họ đã hiểu rành cái thói “chụp giựt”, làm nhanh để lấy viện trợ. Gió thổi mạnh, vài gốc cam, gốc bưởi lại ngã xuống.
Đó là những nhánh cây có trái sẵn được cắt ra, đưa đến để trồng làm cảnh. Một số người trong ấp bắt buộc ăn mặc chỉnh tề, đứng xếp hàng vỗ tay để chào đón quan khách với bản kiến nghị “suy tôn Tổng thống”, xin cất thêm trường học, bệnh xá, nguyện gìn giữ tình hữu nghị Việt-Mỹ vân vân. Dây kẽm gai buổi ấy là nhu cầu lớn của quân đội và ấp chiến lược, việc san xuất được giao phó cho vài nhà thầu người Việt, tha hồ mà đấu thầu, làm giàu nhanh.
Một nhà báo nghiệp dư là Phạm Ngọc Thảo, cán bộ ta, “nằm vùng” trong hàng ngũ Diệm đã viết bài sâu sắc trên báo Bách Khoa, xem kế hoạch lùa dân vào ấp chiến lược để cô lập các cán bộ là kiểu bắt dế nhốt trong cái bao diêm quẹt, nghĩa là chuyện khó hiệu quả, trò chơi trẻ con, sớm muộn gì con dế cũng đủ sức cắn cái bao diêm mà chạy ra ngoài. Sống nơi tù túng, nhà không có sân, xa mấy cây cảnh của ông bà để lại, xa cái ao nước, ai mà không thấy khó chịu. Nếu hy sinh cho đất nước, ai cũng vui, nhưng đó là kiểu cô lập những cán bộ nằm vùng của ta.
Trước giờ, hoặc sau giờ mở cổng ấp chiến lược, ai thấp thoáng ngoài ruộng, trên sông rạch thì quả đó là cán bộ, người bất khuất. Ta gọi đó là địch bày mưu “tát nước để bắt cá” theo kế hoạch của đế quốc xâm lược. Những số liệu do địch công bố thì có, cả phía Nam từ sông Bến Hải, địch đúc kết trễ nãi là đã lập được khoảng 2.600 ấp chiến lược, riêng ở Nam Bộ có 1.500 ấp, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 1.000 ấp.
Báo chí thuật lại sơ sài, đơn điệu, đa số là của chính phủ. Điều lấy làm lạ là báo tư nhân, thân chính phủ, thiên về khía cạnh thương mãi gần như phớt lờ, không thấy ghi lại những sự kiện có chi tiết. Vô tâm đến thế là cùng, trước bao nhiêu khổ đau của đồng bào, ngay những ký giả, nhà văn tương đối tiến bộ cũng gần như im lặng, phải chăng vì địch kiểm duyệt quá khắt khe?
Dân đã bỏ ấp chiến lược, đi chợ quân, chợ tỉnh tìm sanh kế. Khá đông người vẫn mến cảnh cũ, trốn về nền nhà xưa với cây xoài, cái ao cá, chậu cây cảnh, cái bể cạn. Phải cánh giác, địch cho từng nhóm dọ thám mặc áo đen đến rình rập, giả vờ rủ ren lập “chiến khu”, nhưng chúng nào gạt được ai vì bộ quần áo đen của chúng quá mới, chúng mang đồng hồ tay, lại giấu cái máy thu thanh bán dẫn kiểu nhỏ để nghe nhạc.
Sát bên Sài Gòn, nay khu vực Rạch Ông, quận 8 (đường Trần Xuân Soạn), buổi ấy còn đất ruộng bỏ hoang, nhiều người từ phía Cần Giuộc đến, sống bềnh bồng trên ghe, làm ruộng, mua bán vặt. Lúa chín, họ gặt mớ lúa nhưng cảnh sát “quốc gia” can thiệp, bắt buộc họ phải mang sau lưng lá cờ “ba sọc”, đề phòng khi máy bay dọ thám tới lui quan sát. Trông khôi hài như thế nào.
Một hiện tượng lạ. Lúc đa số nông dân âu lo thì ở Sài Gòn vụt nổi lên phong trào sân khấu cải lương mới. “Khi hoa anh đào nở”, thể loại cải lương “thi ca vũ nhạc kịch” ra đời, với màu sắc lộng lẫy, tự giới thiệu là loại Hương Xa, kiểu Nhật. Bấy lâu, tuồng cải lương chịu ảnh hưởng Tàu, Pháp nhưng ảnh hưởng của Nhật tại sao ào đến, như đột ngột, làm vừa lòng người xem? Ảnh hưởng của những phim Nhật đổi xác như Địa Ngục Môn, La Sanh Môn, hoặc những hàng tiêu dùng như nồi cơm điện, bếp điện, bàn ủi điện quả là tuyệt diệu (Tivi, Honda bấy giờ chưa nhập qua).
Hai soạn giả trẻ Hà Triều và Hoa Phượng, lúc kháng Pháp vào khoảng non 20 tuổi, đã được khán giả xem là nhân tài. Rạp Nguyễn Văn Hảo lớn nhất (bấy giờ chưa có rạp Hưng Đạo) trở thành náo nhiệt, phía sau có đường Bùi Viện được gọi là Ngã Tư Quốc Tế vì giới ký giả chuyên về săn tin, phê bình cải lương tụ họp lại, bàn bạc. Phần lớn nhật báo bấy giờ mở trang Kịch trường rất ăn khách, ký giả lão thành Trần Tấn Quốc chuyên về kịch trường được các đoàn hát lớn chiếu cố, thỉnh cầu đến góp ý, có người vì ganh ghét đặt cho cái biệt hiệu là “Tổng thống Kịch trường”. Sài Gòn đã mặc nhiên tiếp cận thân thiết với Nhật, một nước trước kia vốn như xa lạ.
Theo tôi, cải lương cũng như nhạc truyền thống khá mạnh và còn mãi mãi vì thực chất của nó là gợi lòng yêu nước đậm đà hoặc mơ hồ. Riêng về tân nhạc, bấy giờ gần như là thời lên ngôi của ban hợp ca Thăng Long, bên cạnh những bản đượm màu chính trị ủng hộ chế độ thì còn những bản của Văn Cao, những bản gợi hình ảnh cuộc kháng chiến chống Pháp (lời lẽ đôi khi sửa đổi). Anh em làm văn nghệ khá giả, có quân hàm của chế độ trở thành một tầng lớp “quí tộc”, tụ họp tại quán La Pagode đường Tự Do. Trong giới trẻ, nảy sinh nhiều học sinh Trung học hướng về dân tộc.
Sự can thiệp của Mỹ không che giấu được ai. Lứa học sinh mới lớn lên bám vào lý thuyết nhà Phật, vào đạo Thiền, vào chủ nghĩa Hiện sinh (mặc dầu chưa ai hiểu rành). Người Sài Gòn có phần lớn bà con đi tập kết; họ nhớ mong, gần như tuyệt vọng, sự hy vọng chỉ có thể mọc lên mầm xanh mới. Thế hệ trẻ phải làm một cái gì mới! Nhập cuộc, dấn thân, đặc biệt là giãi bày tâm sự qua thơ ca. Nhiều Thi văn đoàn mọc lên với nội san, kỷ yếu. “Bắt quân dịch”, “Xét tờ khai gia đình”, “trại giam, nhà tù” như mọc lên nhiều hơn. Bắt quân dịch là đề tài lớn, lan rộng, bao quát khoảng thời gian dài, nên nói luôn, chắc không lạc đề. Bắt ngoài đường, có thể chận bắt bất cứ lúc nào, hễ lính cảnh sát gọi thì phải dừng lại. Đi xe buýt lại càng nguy hiểm, vô phương tẩu thoát, thí dụ như kẻ đi xe đạp hoặc đi xe Vespa.
Tôi đã khỏi đi quân địch, chỉ quá hạn có 1 năm hồi 1955. Nhớ hồi thiên hạ xúm nhau cất nhà nhiều tầng cho Mỹ mướn. Đa số nhà thầu, cai thầu người Việt cố gắng tìm thanh niên trai trẻ, bọn ấy trèo leo gọn gàng nhưng rồi đa số công nhân tìm được chỉ là đàn bà con gái! Các bà các cô xây gạch từ thấp, tầng hai, tầng ba rồi lên ngồi vắt vẻo ở tầng năm tầng sáu miệng cười, ca hát tự nhiên. Nghề nào quen nghề nấy. Bọn trai tuy ham muốn tìm việc nhưng chẳng dám lên tầng thấp, tầng cao nào cả vì rủi có lính đứng chực sẵn, nhìn lên thì làm sao họ dám nhảy xuống đất, trốn lánh? Học sinh ở tỉnh phía đồng bằng lên, vào trường tư thục, vì sợ bắt quân địch nên nhiều đứa thường là ở trọ, rủ nhau cờ bạc, để thức canh chừng. Khi lính bao vây bất ngờ, chúng nó trèo lên nóc nhà, chuyền qua nhà khác, nằm trên máng xối nghe tiếng chó sủa dưới đất. Hoặc ngồi trong lu gạo của chủ nhà trọ, rủi như lính vào, giở cái nắp lu thì chúng nó tháo cái “khoen vàng một chỉ” ở ngón tay ra mà lo lót. Lính cứ lấy, im lặng đi qua nhà khác. Cái khoen vàng đeo tay thuở ấy nặng khoảng một chỉ vàng y.
- Kìa trăng lên, chúng ta cùng múa hát
Ánh trăng lên, chiếu trên cành xơ xác (?)
Chiêu (chiếu) hồn quê bao khúc ca yêu đời!
... Nào anh em ơi, giã cho thật nhiều, giã cho thật nhanh...”
Bản nhạc của Lam Phương xuất hiện trước năm đình chiến 1954 đã vang dậy mãi sau đình chiến. Lòng tôi rung động, thấy hợp thời vì rõ ràng là điệu dân ca, có lẽ cải biên chút ít. Trong quyển niên giám (almanach) do nhà xuất bản Les Editeurs Français Réunis, với xu hướng khuynh tả đã sưu tầm, ghi là dân ca (folklore). Bầu không khí vùng “quốc gia” quản lý rộn rã, không che giấu sự lạc quan, hướng vào cội nguồn thôn quê. Tuy xã hội đã công nghiệp hóa (đúng ra là đô thị hóa) nhưng hồn dân tộc vĩnh viễn còn đó, chưa mất. Lại còn khúc hát của nhạc sĩ Văn Giảng mà đài phát thanh cứ phổ biến, văng vẳng nhiều lần:
- “Trời bình minh, tia nắng ấm
Rơi rơi khắp cánh đồng.
Một đoàn nông khom mình...
Hò khoan hò, khoan hò hát ca, non sông đến ngày tươi sáng”.
Lời ca nghe chưa gọn gàng nhưng gây xúc động mạnh cho tôi. “Một đoàn nông khom mình”? Nhạc sĩ muốn mô tả nhà nông. Ở thành thị mà nhạc sĩ vẫn chịu ấn tượng sâu sắc của nhà nông, không phải là nhà nông đứng thẳng lưng cày ruộng nhưng là bóng dáng lom khom; lưng khom, đầu cúi xuống khi cấy lúa, tư thế của kẻ bị bóc lột, không có quyền nhìn trời cao đất rộng, cuộc đời chỉ là cái vòng tròn nhỏ hẹp, dưới thấp.
Trong khi ấy, nếu tôi không lầm thì hồi ở chiến khu phần lớn anh em mơ ước “tiến về thành đô”. Tuy sống ở vùng tạm gọi là “ngoại thành” nhưng tôi ít nghe câu hò, câu hát, phần lớn là nghe ca Vọng cổ mà phổ biến nhất có lẽ là “Sầu vương biên ải” của Thái Thụy Phong qua giọng ca của Út Trà Ôn (dĩa Hoành Sơn). Bài này diễn tả tâm trạng người lính đơn độc, đánh giặc lâu ngày với tâm trạng nhớ vợ, nhớ người yêu.
Đã gây xúc động đáng kể đối với lính Việt cầm súng cho Pháp, nhưng người lính trong chiến khu cũng buồn lâng lâng vì giọng ca của Út Trà Ôn quá chân thành và điêu luyện. Nếu gắt gỏng, ta có thể cho rằng đây là ván bài tâm lý chiến của Pháp đánh vào quân kháng chiến. Nhưng máy hát, đĩa hát thời ấy tối đại đa số là ở vùng địch. Nếu người lính kháng Pháp nghe được ở chiến khu thì nó gợi được tình nhân ái. Đánh giá một công trình văn nghệ trong thời chiến là chuyện tế nhị. Ta có thể đưa thí dụ những bản Ai xuôi vạn lý, Người chinh phu về của Lê Thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận