![]() |
Họ góp phần vào giọng ăn nói đượm vẻ vui tươi nhất là hài hước, khi khẩn hoang, cực khổ, bế tắc nhưng lạc quan. Thí dụ như câu hò dài, mỗi câu đâu cũng 50 tiếng, nói bắt vần; chắc là từ vùng Tiền Giang do dân khẩn hoang đem tới.
Lúc Hội khuyến học hoạt động, tôi buồn phiền vì ở Rạch Giá quê tôi có Huỳnh Mẫn Đạt giỏi về thơ ca. Có người trưng bằng cớ về sự giao du thân mật giữa Huỳnh Mẫn Đạt và Bùi Hữu Nghĩa, và chứng minh rằng bổn tuồng hát bội Kim Thạch Kỳ Duyên có phần đóng góp đáng kể của họ Huỳnh. Huỳnh Mẫn Đạt quê Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), làm chức tuần vũ ở Hà Tiên, Pháp đánh chiếm, ông về dưỡng nhàn ở Rạch Giá, bấy giờ tỉnh Hà Tiên gồm luôn Rạch Giá, ăn luôn vùng mũi Cà Mau.
Bên vợ họ Huỳnh là điền chủ, nhờ vậy mà khi hưu trí ông thỉnh thoảng đi Sài Gòn tham quan cho biết sự đổi mới của “tân trào”. Bấy giờ, chỉ dùng đường thủy, sắm chiếc tam bản có mui, với ít nhất hai người chèo, ngày đêm cực khổ, đường thủy khoảng non 300 kilômét. Theo giai thoại phổ biến thì khi đến Sài Gòn dạo chơi, họ Huỳnh tình cờ gặp Tôn Thọ Tường. Bấy giờ thắng thế, là “Việt gian” nhưng Tôn Thọ Tường vội vã xuống xe song mã, với ít nhiều mặc cảm tội lỗi, xấu hổ. Huỳnh Mẫn Đạt làm bài bát cú, với những câu:
- Đã cam bít mặt cùng trời đất,
Đâu dám nghiêng mày với ngựa xe.
Hớn hở trẻ giong dường dặm liễu,
Lơ thơ già núp cội cây hòe.
Núp nom cũng hổ, chào thêm hổ
Thà ẩn non cao chẳng muốn nghe.
Tôn Thọ Tường vội phân trần:
- Thế cuộc đổi đời đà lắm lắm,
Thiên cơ mầu nhiệm hãy còn nhiều.
Nước nong dường ấy, tình dường ấy.
Xe ngựa bao nhiêu, bụi bấy nhiêu.
Hăm hở nhạc Tây hơi trổi mạnh,
Nghe qua ngùi nhớ giọng Tiêu thiều.
Bấy giờ, chưa mở đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, những kiều tàu cuốc (xáng) chưa đưa qua Nam Bộ hòng mở mang kênh đào nhưng Tôn Thọ Tường dự đoán rất đúng rằng sức mạnh của thực dân nào phải chỉ có bao nhiêu, như đã thấy. Còn nữa và còn nữa. Năm xưa, khi Pháp mới đến, chiếm gò Cây Mai, họ Tôn bắt đầu hợp tác với giặc, thấy xốn xang: “Tò le kèn lạ mặt trời chiều”.
Nhưng giờ đây, họ Tôn thấy mình quả là có lý khi theo giặc, vì giặc quả là thật mạnh. Cũng là tiếng kèn đồng của quân đội Pháp nhưng nó không phải là “tò le” trơ trẽn mà là tiếng kèn mạnh khỏe của thế lực đang lên! Người theo giặc vẫn nhớ, qua tiếng kèn ấy, những bản Tiêu thiều với 3 hồi 9 chặp, dạng quốc ca của triều đình xưa.
Lũ học sinh trung học chúng tôi bấy giờ quả là cô đơn và rối rắm, chẳng biết nên làm gì. Học thêm quả là vô ích, xa vời, còn về tình hình thế giới và trong nước thì quả là mù tịt. Làm cách mạng kiểu nào đây? Gặp anh bạn bơi lội giỏi từng giới thiệu tôi qua phà Cần Thơ thì biết rằng các người chống Pháp, theo Cộng sản đáng tin cậy dường như lần hồi dời chỗ ở vì một đôi người ở Cầu Kè, Tam Bình bị bắt, có thể cung khai. Anh bạn của tôi kết luận, buồn buồn:
- Tụi mình nhỏ quá, chưa được 15, 16 tuổi, không đủ trí tuệ và bản lĩnh cho anh em tin cậy, lúc khó khăn nầy. Dường như Pháp và Nhật đang bắt tay nhau đàn áp. Thậm chí, người theo đạo Cao Đài cũng bị tình nghi. Thôi thì cứ chờ.
Tôi thử đi xem một phiên xử án ở Tòa đại hình Cần Thơ, cấp cao của miền Tây Nam Bộ, còn gọi Tòa áo đỏ. Không gặp buổi xử tội nhân chính trị, vì nghe đâu tội chính trị thì do tòa án Quân sự xử lý sao đó. Buổi ấy, xử tội sát nhân. Tội nghiệp vô cùng. Sát nhân với tang vật là cây phảng phát cỏ, cán không uốn 90 độ so với lưỡi, tội nhân đã “kéo cỗ”, tức là kéo lại cho lưỡi và cán nằm theo một đường thẳng, trông như lưỡi gươm dài. Chuông reo, chánh án, chưởng lý, toàn người Pháp, luật sư là người Ấn mang quốc tịch Pháp.
Cáo trạng dài dòng, đọc lên toàn tiếng Pháp. Can phạm bị còng tay, đứng cúi đầu, buồn bã, ở hàng khán giả, dường như có thân nhân. Hơn một giờ sau, chánh án hỏi vài câu, qua thông dịch viên. Và can phạm trả lời, có thông dịch viên. Như vậy là công lý à? Cam phạm chẳng hiểu gì ráo để vào giờ chót, có thể tự bào chữa.
Lúc gọi phạm nhân đến trước vành móng ngựa, nói rõ tên họ và quốc tịch, nói tiếng Pháp; xin tạm dịch là người nước An Nam nhưng không phải đặt dưới sự cai trị của vua nước An Nam ở xứ bảo hộ Trung Kỳ. Mà là con dân tay sai của nước Pháp ở xứ Nam Kỳ! Tôi thấy nản, nói theo ngày nay là kiểu “buồn nôn”. Bèn đi tìm anh bạn đồng môn để bàn tán bâng quơ về Tôn Thọ Tường khi gặp Huỳnh Mẫn Đạt tại Sài Gòn. Tôi chê họ Tôn nhưng cũng khen sơ sài. Anh bạn ngắt lời:
- Không thể so sánh chê khen người của thế kỷ trước, hồi Tây mới đến. Hoàn cảnh bây giờ có khác. Ai cũng sống với thực dân Pháp đâu từ hồi ông nội, chẳng lẽ mọi người đều đầu hàng giặc? Nên suy nghĩ lại trước tình hình mới. Thực dân bắc cầu, bồi lộ, mở trường trung học... với thuế má và mồ hôi của dân mình. Nhưng tụi học trò như mình kém cỏi quá.
Tôi lại buồn. Họ không ra học. Đánh thực dân là chuyện ôi thôi, khó quá. Nam Kỳ khởi nghĩa năm trước bị dập tắt quá nhanh, thêm người hy sinh.
Bạn tôi nói:
- Đọc báo thấy kể chuyện Nhật Bổn đang chiếm nước Tàu. Bên ấy kêu gọi “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” hoặc “Cởi áo cà sa khoác chiến bào”, hoàn cảnh đó chắc còn lâu mới xảy ra ở Cần Thơ!
Tôi rất yêu thơ vì thơ là sức mạnh âm thầm nhưng bền bỉ, vương vấn nhiều năm. Lòng yêu nước của tôi dính dấp với thơ, mông lung, lắm khi tiêu cực. Khó đoán về con người qua lời thơ do họ sáng tác hoặc thơ mà họ yêu thích. Một người bạn bỗng thử nghiệm dạng thơ tắc tị, khó hiểu, có lẽ ảnh hưởng của Xuân Thu Nhã Tập đã bỏ ra một tháng để làm mấy câu sau đây:
- Lạnh nhạt mai chiều duyên cỏ sương
Rót niềm cô tịch, mộng cơ đơn.
Mắt xanh lãnh đạm người tay trứng.
Dú ép bên lòng quả nhớ thương.
Tình ngại sang sông đuối giữa dòng.
Đành cam lấp hận dưới chờ mong.
Ngày xanh đêm trắng buồn tơ đỏ
Hờ hững sông trong nắng rải hồng!
Siết tay cho chết niềm sương cỏ
Nuốt hết muôn đời lệ cỏ sương.
Xây nốt trường thành muôn bóng đỏ,
Ngăn hồn bướm dại mộng yêu đương.
Tôi nhớ mãi vì người làm thơ nầy nhà rất nghèo, đi học mặc áo vá nhưng học quá giỏi, nhớ dai các bài học. Về sau, khi Cách mạng tháng Tám nổi lên, anh ta gia nhập quân đội Vệ quốc đoàn, chỉ huy một trung đội đánh trận Vàm Nhon (Cần Thơ), hy sinh oanh liệt, đơn vị của anh đâu chừng năm cây súng lửa, kiểu súng bắn chim tịch thâu từ mấy vị điền chủ, vì họ được phép sắm súng. Trong khi ấy, không ít anh bạn đồng lớp với tôi làm thơ nghe tràn “khẩu khí” nhưng chưa chi đã vội theo giặc, đánh phá cách mạng rất hung hăng.
Học hành cầm chừng, chờ bãi trường, sáng chủ nhật nọ, vì không tiền dằn túi, tôi ở lại trường để “đọc sách ngâm thơ”. Đột nhiên vào khoảng 7 giờ sáng, viên giám thị báo tin rằng cha tôi đến thăm và giám thị cho phép tôi ra ngoài chơi, trọn ngày chủ nhật. Tôi mừng thầm. Cha tôi còn mạnh khỏe nhưng ốm yếu hơn mọi khi, phải chăng vì ông mặc chiếc áo lãnh màu đen, mềm mại mà khi ở nhà tôi chưa bao giờ thấy.
Áo hơi cũ, chắc là mượn của ai để khi lên thủ phủ miền Tây nầy thiên hạ không chê khen. Ở môi trường nầy, kiểu áo ấy rõ ràng là trơ trẽn, chưa hài hòa, đúng ra, phải mặc áo sơ mi trắng, như bao nhiêu phụ huynh khác. Một ý nghĩ thoáng qua giây phút: Cũng hài hòa, còn hơn là vài phụ huynh giữ cái búi tó. Một truyện ngắn nào đó khá cảm động đã kể lại, người viết truyện tỏ ra tự tin và hãnh diện.
Tình thế đất nước như vầy mà còn xúc động, tủi thân à? Phải hãnh diện chứ. Trung nông ở rừng U Minh xa lơ xa lắc, nghe cái tên đất nhưng mấy ai đã đi đến?
Cha tôi và tôi đi bên cạnh, sát lề đường. Cha tôi bảo là tìm trường học nầy không khó vì Cần Thơ chỉ có một trường Phan Thanh Giản mà thôi. Cha tôi bảo là có chút ít tiền, muốn đi dạo một vòng chợ. Nó rộng rãi, đâu có khúm núm như chợ Rạch Giá, Long Xuyên. Trường học nầy Tây xây cất lớn quá, hồi năm nào?
Vì Cần Thơ quá rộng, tôi bèn gọi chiếc xe kéo, hai cha con ngồi lên. Tôi chỉ dẫn vài dinh thự, nhà lồng chợ, Ngân hàng Canh nông rồi dừng lại để uống cà phê, ăn hủ tíu. Bên cạnh quán cóc này là con rạch Cần Thơ, đổ ra sông Hậu. Tôi giải thích rằng sông Hậu nầy đổ ra biển, phía Sóc Trăng, nhưng nếu đi ngược lên phía tay trái của mình là phía Bắc thì nước đổ xuống từ nước Cao Miên, Lào. Một bên là Lào, bên kia bờ là Xiêm, ăn lên nữa tới ranh Miến Điện, gặp Trung Quốc rồi lên Tây Tạng cao ráo và to rộng, nơi có dãy Hy Mã Lạp Sơn.
- Chừng bao nhiêu cây số?
- Tới Hy Mã Lạp Sơn khoảng hơn 4 ngàn cây số.
- Xa quá chừng, như vậy sao? Từ đây tới nhà mình ở U Minh đã xa rồi, nhưng mới được 160 cây số. Tao nghe nói ở Tây Tạng còn nhiều điều bí mật lắm. Thiên cơ bất khả lậu. Nhiều người tu luyện ở xứ đó sống vài trăm năm, nhịn đói mà mạnh khỏe, nhờ bùa phép, thần chú.
Rồi cha tôi nói tóm tắt rằng từ mấy tháng qua, nhiều người ăn mặc kỳ lạ, bới tóc, mái tóc quá dài, lắm khi quấn chung quanh cổ, đội nón vải màu ngũ sắc, tự xưng là dân Tây Tạng, truyền rao sắp đến lúc tận thế, muốn được cứu rỗi thì cứ tụng câu thần chú: Úm-ma-ni bắt-mi-hồng; tụng mỗi đêm trước khi ngủ chừng mươi lần... Năm nay, ít người chịu làm ruộng, phần lớn già trẻ đều mang bịnh sốt rét, thêm bệnh ghẻ hờm, lở lói.
Ăn điểm tâm rồi, cha tôi đi theo mé sông, như buồn rầu, cho biết gia đình dạo nầy túng bấn. Tôi nghĩ mình đã lớn khôn, buột miệng hỏi:
- Thưa cha, như vậy là nhà túng bấn, chắc cái bộ lư thờ trong nhà không bao giờ chuộc nổi. Bộ lư đem cầm ở tiệm ngoài Rạch Giá hồi mấy năm trước.
Cha nói tỉnh táo:
- Món thờ cúng, của ông bà để lại. Làm sao đủ tiền chuộc, cứ đôi ba tháng, mấy năm rồi, ba tới đóng tiền lời. Riết rồi ba xin bán rẻ cho tiệm cầm đồ, lấy mấy đồng bạc, ăn xài cũng hết.
Thấy tôi lặng thinh hồi lâu, ba tôi gật gù:
- Con là đứa có hiếu, còn nhớ chuyện bộ lư. Học hành dở dang là do thời cuộc. Thí dụ như thi đậu thì đi làm công chức cho ai? Tụi Tây coi bộ không còn lâu! “Thần suy quỉ lộng”. Hương quản là người giữ trật tự, bắt trộm cướp vậy mà từ mấy tháng nay lại chứa chấp bọn trộm cướp, đành rằng không phá phách làng mình nhưng lại đi phá làng khác, bày tiệc ăn mừng, om sòm trong xóm.
Đối với tôi, ba tôi khi gọi bằng con, khi bằng mầy, trong tình thân mật:
- Mầy tính chuyện nghỉ học là vừa. Muốn học thêm nữa, ba cũng không có tiền gởi hàng tháng. Ba thấy đi học không ích lợi gì hết, mấy năm nay.
Tôi đáp thật tình:
- Coi vậy chứ cũng ích lợi về văn chương Việt Nam và thế giới. Mình biết nhiều điều hơn hồi ở bậc tiểu học. Chữ Pháp giúp cho mình thấy chân trời quá rộng, tùy theo quyển sách mình đọc và mình hiểu.
- Mầy thí dụ cho tao nghè.
Thật là khó tìm một vài thí dụ... Hồi lâu, tôi cố trả lời:
- Nhà văn Pháp nọ, Anatole France, được trích văn làm bài học trong lớp ghi lại rằng con đường mà học trò mỗi buổi sáng đi trước khi đến trường là bài học về cuộc sống. Học trò thấy nào xe cộ, người bán thức ăn, những món quà vặt... ai ai cũng góp phần cho xã hội. Và học trò đã đi tung tăng ngang qua công viên cây xanh to rộng, nơi chưng bày nhiều pho tượng đá xinh đẹp. Lớn lên, người học trò năm xưa trở thành nhà văn Anatole France. Hai chục năm qua, tác giả đã đi được phân nửa đường đời, trời vẫn như xưa, đất cũng như xưa, chỉ thiếu bóng dáng cậu học sinh là mình đây tươi trẻ, thuở nào. Tác giả ao ước đứa con trai của mình cũng hiền lành, lạc quan như cha nó ngày nào.
Nghĩ đến đó, tôi giựt mình, cúi mặt. Cha tôi mỉm cười, nụ cười hiền lành của một người lão thành:
- Tao có đi học hồi nào đâu mà viết văn tả lại cho mầy đọc. Họa chăng mầy viết lại cho con mầy. Hồi đó, rừng rậm vùng U Minh, không bao nhiêu căn chòi.
Không muốn xin lỗi cha, tôi nhớ, theo lời kể lại thì cha đã tự học chữ quốc ngữ rất khó khăn. Mãi đến sau nầy, ông viết chữ khá to, bỏ dấu kỹ lưỡng, quanh quẩn viết vài chữ như tỉnh Rạch Giá, làng Sóc Sơn, làng Đông Thái, giấy còn dư thì ông cứ ký tên nhiều kiểu, chữ tháo, gạch đích ngắn hoặc dài, xem chữ ký như là tín hiệu biểu lộ nhân cách của mình.
Thế là xong cuộc đời nhà trường. Còn vài tháng nữa mới bãi trường, nhà nước còn nuôi cơm, ngu dại gì mình không ăn. Về nhà sớm, ích lợi gì. Ở Cần Thơ, nhiều người bạn tốt, có sách báo đọc. Sách từ Hà Nội đưa vào khá nhiều, in trên giấy bản đen đúa, giá khá cao. Mấy đứa bạn yêu sách, nhờ gia đình khá giả đã chịu khó mua. Những người bạn mà chắc không bao giờ mình còn gặp được trên cõi đời.
Ngỡ rằng thực dân Pháp chừng vài tháng nữa sẽ bị lật đổ nhưng không phải vậy.
Mùa khô 2001
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận