Phóng to |
4-XII-1966, đến khi muốn xuất bản thì lục đục mãi... Cho đến ngày nay vẫn chưa thành hình. Sách soạn rồi, tôi có việc phải ra Huế. Chớ chi khi ấy, tôi để nó lại, giao cho một bạn chuyên môn đánh máy giùm thì hay biết mấy. Đàng này tôi không làm như vậy. Tôi làm biếng không muốn tự mình dò xem lại, nên mới ra cớ đỗi. Tôi cố nán ở lại Sài-Gòn, để đến ngày 18-12-1966 được nghe nhà học-giả Hồ-Hữu-Tường diễn-thuyết về đề tài “Kỷ niệm 50 năm cải-lương”.
Chớ chi tôi đừng đi nghe, chẳng là may cho tôi và may cho cuốn sách. Đến nghe diễn-thuyết nơi trường Quốc-gia Âm-nhạc, tôi gặp y: một cựu sinh-viên trường Đại-học Sư-phạm, nay đã đỗ đạt làm giáo-sư kiêm nghề xuất bản sách. Tự y, y xưng là có học với tôi. Gặp y, cái mới xúi quảy. Sau buổi diễn-thuyết, y theo tôi về nhà trong Gia-Định, nài lấy cho được tập bản thảo, hứa sẽ cho đánh máy kỹ càng, lãnh bao gồm kiểm duyệt và sẽ rán in cho kịp để bán sốt dẻo trước xuân Đinh-mùi. “Thầy để người ta thủ lợi, - lời y nói với tôi, sao cho bằng thầy giao sách cho tôi xuất bản, như vậy tình thầy trò thêm mặn mòi, thầy có cơm, tôi cũng có cháo”. Nghe bùi tai, tôi trao bản thảo cho y. Ngày 19-12-1966, tôi lên đường ra Huế, lại có khoe trước với các bạn sinh viên Đại-học Văn-khoa ngoài ấy rằng hãy chờ ít ngày sách rao bán, nhớ mua giùm, đó cũng là mớ tài-liệu thuộc môn đang học: văn-chương miền Nam. Đi Huế về, vẫn không tin tức cuốn sách... Pháo Đinh-mùi nổ giòn. Tết qua đã lâu hoắc, nóng lòng tôi đi tìm y. “Thầy” về đi, - y nói tỉnh khô, - rán chờ đến ngày 2-3-1967, tôi sẽ đem vô nhà thầy mớ nhắm, độ một phần ba tiền nhuận bút. Sách in đã gần xong, chỉ còn độ hai xấp nữa là rồi. Kẹt vì bị nghỉ Tết và thợ bị bắt đi lính bộn”. Cẩn thận, y đưa tôi ra cửa, lại có trả cho tôi tập bản thảo kèm thêm một bản đánh máy. Tôi đem về, đêm ấy đem ra đọc, khiến trọn đêm không ngủ được. Đọ từng chữ thì, trời ôi, sách đánh máy sai bét hết, trật ráo hết. Văn tôi vốn là văn miền Nam, nay đổi thành văn giọng Bắc. Mỗi trang mỗi có bốn năm lỗi. Từ cái “chụp chõa” (tôi viết) đổi ra “cái chũm chọe” (bản đánh máy): Nguyễn Ánh (viết tay) ra Nguyễn Oánh (đánh máy); Trần-Ngọc-Viện (viết tay) trở nên Trần-nữ-viên,... v.v. và v.v...
Nếu cứ theo bản đánh máy nầy mà in sách, sắp chữ và lên khuôn, thì cuốn sách in ra sẽ làm cho độc giả cười tôi thúi đầu. Trông đến sáng, 13-2-67, tôi lật đật vô nhà y, đòi lại tập bản thảo số II (phụ lục bài ca), đem hết về nhà, và từ ấy hai tập sách nằm chình ình trong tủ, hôi duyên như gái ế chồng, như bánh mắc mưa... Sau đó tôi có gởi cho y hai bức thư đảm bảo, một bức đề ngày 4-3-67, một bức đề 20-3-67, xin y hãy bỏ công đánh máy, bỏ công in mấy xấp dở dang nửa chừng, đặng cho tôi in sách lại, nhưng y không trả lời... Tôi tưởng cuốn sách đã hết xui, ngờ đâu vẫn còn. Sau đó, có người giới thiệu đàng hoàng, tôi giao sách cho một cơ quan xuất bản khác. Sách giao ngày 1-7-1967. Cho đến ngày 13-4-1968, tôi đi mấy lần mới lấy được sách về... Sau khi in mấy hàng khơi màu rao sẽ xuất bản, rồi công việc đâu lại hoàn đó, vẫn nằm ỳ không cục cựa.
Đó là lần nhì cuốn sách sa lầy.
Nay tôi cặm cụi tự đánh máy lấy mà trong thâm tâm lòng tin đã mất. Tôi tưởng hay là số mạng? Nhớ lại ngày 16-11-1918, có một nhóm ký-giả già tổ chức tại rạp hát Tây đường Catinat (Tự-Do ngày nay) một buổi hát. Theo tôi, đó là buổi hát khởi đầu khiến người thuở ấy nảy ra ý nghĩ tiếp tục mãi, trình diễn và sửa đổi mãi và mở màn cho lối hát cải-lương ngày nay. Nếu sách tôi chào đời kịp bán lối tháng mười-một năm 1968, thì đúng lúc làm kỷ-niệm 50 năm Cải-lương và tập hồi-ký 50 năm mê hát nầy cũng chưa là quá mùa. Cho nên tôi nói: “hay là số mạng và tiền định”? Nay lời tựa, viết tại ĐẠT-CỔ-TRAI, Mái Tây VÂN-ĐƯỜNG Phủ, số 5 đường Nguyễn-Thiện-Thuật (Gia-Định)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận