Các nước này cùng với năm thành viên luân phiên khác chưa hết nhiệm kỳ là Bosnia, Brazil, Gabon, Libăng và Nigeria dự kiến sẽ tạo ra những nét mới tại cơ quan được xem là “lực lượng bảo vệ hòa bình cho thế giới”, nhất là trong bối cảnh các cường quốc mới nổi đang nhăm nhe muốn có thêm những chiếc ghế thường trực HĐBA cho phù hợp với tình hình mới.
Trước hết, các thành viên mới sẽ đưa ra nhiều hơn các quan điểm từ phía các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là từ các nước có nền kinh tế được coi là tăng trưởng nhanh. “Việc hai cường quốc khu vực Nam Á và châu Phi (Ấn Độ và Nam Phi) tham gia HĐBA có thể đem lại luồng sinh khí mới cho các nước đang phát triển” - tờ Christian Science Monitor nhận định.
Ngoài ra, việc xuất hiện năm thành viên mới cũng có nghĩa là toàn bộ thành viên của nhóm siêu cường tiềm năng (BRIC) là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc đã cùng có mặt tại cơ quan lớn nhất hành tinh. Nga và Trung Quốc là thành viên thường trực, có quyền phủ quyết cùng với Anh, Pháp và Mỹ. Nhưng các cường quốc mới nổi cũng đang muốn có những quyền đó. Năm thành viên mới tham gia HĐBA cũng đưa số nước từ lâu muốn trở thành thành viên thường trực và đề nghị mở rộng HĐBA tăng lên, từ đó có thể tạo ra những áp lực thay đổi cải tổ cơ quan này.
Trong vài ngày tới, mối quan hệ và hợp tác giữa Đức, Ấn Độ, Nam Phi cùng một số thành viên mới khác như Bồ Đào Nha và Colombia sẽ được “thử lửa” khi phải cùng giải quyết khủng hoảng chính trị tại Bờ Biển Ngà, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cuộc trưng cầu ý dân ở Sudan (có thể khiến quốc gia châu Phi lớn nhất này bị chia nhỏ) và việc Palestine đẩy mạnh nỗ lực đòi được công nhận là quốc gia độc lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận