![]() |
Sinh hoạt cộng đồng - một trong những cách giáo dục chia sẻ, gắn kết -Ảnh: Gia Tiến |
Sáng chủ nhật bọn trẻ trong xóm hay đến nhà tôi chơi. Có lần, tôi kể cho các em nghe câu chuyện trên báo về một bà mẹ bị con trai kiện giành tài sản. Nghe chuyện, một số em chảy nước mắt thương xót cho tình cảnh đau lòng của người mẹ, nhất là khi nghe người mẹ nói câu cuối cùng: “Con thắng hay mẹ thắng thì mẹ con ta đều là người thua cả. Ngay từ đầu mẹ đã thấy mình thua rất lớn là mất con, mất cháu...”.
Sòng phẳng và chuyện riêng tư?
Hầu hết bọn trẻ đều tỏ thái độ lên án người con nhẫn tâm, chỉ riêng bé Hòa không nói gì. Bình thường, các em đến đây trò chuyện thì Hòa đi theo, chăm chú lắng nghe, nhưng rất ít lần đưa ra ý kiến, trừ khi được mọi người đặt câu hỏi. Lần này cũng vậy, tôi và cả nhóm quay sang Hòa đề nghị em nói lên suy nghĩ của mình. Và tất cả chúng tôi đã không khỏi trố mắt ngạc nhiên bởi câu nói của cô bé: “Dù là cha mẹ với con cái cũng cần phải sòng phẳng (!)”.
Một lần trên đường đến trường tôi chứng kiến một đám đông đang tụ tập. Đến gần, tôi nhanh chóng phát hiện trong đám đông ấy có nhiều học sinh trường tôi, đặc biệt có cả một số em tôi từng dạy. Bất ngờ hơn khi đám đông đó đang xem hai nữ sinh đánh nhau, không một ai vào ngăn cản. Một số em trông thấy tôi vội hét toáng lên: “Cô giáo đến chúng mày ơi! Giải tán...!”. Đám đông lúc đó mới dần dần tản ra.
Vô cảm: kết quả của tiêu cực lặp đi lặp lại Xét từ góc độ tâm lý, vô cảm không phải là một căn bệnh mà là kết quả của quá trình tác động tiêu cực của gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu sự vô cảm cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thì hậu quả là trẻ sẽ trở nên thờ ơ, dửng dưng với tất cả những gì xảy ra xung quanh; hững hờ với hoàn cảnh, khó gây được hứng thú và cảm xúc, tình cảm. Đặc biệt trẻ thụ động lờ đờ, không thiết tha, nằm lì trên giường hoặc lánh ra một chỗ. |
Lần khác, trong lúc đi dạo công viên, tôi bắt gặp những đứa trẻ 13-14 tuổi vô tư bẻ các cành cây, lấy lá đắp lên thảm cỏ ngồi hóng mát, rồi thản nhiên để nguyên như thế khi ra về. Tôi chạy theo nhắc khéo: “Sao các cháu không dọn dẹp cho sạch sẽ? Cũng không nên bẻ cành hái lá như vậy nữa nhé!”. Nhóm trẻ ngơ ngác nhìn tôi từ đầu đến chân như nhìn người trên trời rơi xuống. “Việc gì liên quan đến cô!”- một đứa trong nhóm lạnh lùng buông lời.
Tạo môi trường sống yêu thương
Trẻ vô cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trầm cảm. Để giúp trẻ khỏi vô cảm, những người trong gia đình cần...yêu thương nhau và thể hiện tình thương đó một cách chuẩn mực (để trẻ bắt chước). Không chỉ làm “người mẫu”, người lớn trong nhà cần thường xuyên giáo dục tình yêu thương cho trẻ bằng những việc hết sức cụ thể, chẳng hạn như giúp đỡ người thiệt thòi, dẫn trẻ đến thăm trại mồ côi, mua vé số ủng hộ người khuyết tật mưu sinh...
Ở trường, dạy trẻ “có cảm xúc” không thể chỉ là những bài học đạo đức suông. Nhà trường cần chủ động tạo điều kiện để trẻ được tham gia lao động công ích, sinh hoạt dã ngoại qua đó kết tình đồng đội, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, đi làm công tác xã hội... Những cách nghĩ, thái độ, hành vi vì cộng đồng phải được tuyên dương công khai, và những cách hành xử ngược lại phải bị phê phán. Thầy cô giáo không chỉ là người dạy mà còn phải thật sự sống cảm xúc để làm gương cho học sinh của mình.
Hiện nay, trẻ không khó để có thể tham gia các tổ chức xã hội, cộng đồng từ rất sớm, kể cả cộng đồng mạng. Nhìn chung, người lớn cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia các tổ chức xã hội tốt và những hoạt động vì cộng đồng vừa sức, phù hợp lứa tuổi. Các tổ chức xã hội này nên tránh cách làm hình thức mà cần tổ chức các hoạt động thật cụ thể, bổ ích và hấp dẫn để khi tham gia trẻ dần biết sống “mọi người vì mình - mình vì mọi người”; từ đó hình thành ý thức cộng đồng, biết hi sinh lợi ích của bản thân trước lợi ích tập thể và biết nâng niu, trân trọng những giá trị của cộng đồng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận