25/02/2015 10:40 GMT+7

​Học trò vùng cao “hạ sơn” sau tết

NGUYỄN THẾ LƯỢNG (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ)
NGUYỄN THẾ LƯỢNG (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ)

TT - Nghỉ tết, đối với thầy cô giáo vùng cao quả là vất vả khi xuống núi, còn đối với học trò thì hành trình “hạ sơn” để tiếp tục đến trường với bao nỗi nhọc nhằn.

Những lớp học ở vùng cao sau tết thường thưa thớt học trò - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Các em để lại sau lưng mình niềm vui đón năm mới, những trò chơi dân gian và sự nô nức của ngày hội bản để xuống núi học chữ. Vui xuân mới nhưng trường học vùng cao lại đan xen với nỗi lo về sĩ số sau tết.

Sau nghỉ Tết Nguyên đán, chúng em xuống núi và ở nhà bán trú, được thầy cô cho ăn uống đầy đủ, có chăn ấm và yên tâm ở trường học chữ
Em LÝ VĂN BÌNH
(học sinh lớp 8B Trường THCS Tân Tiến, Lào Cai)

Chuyện cơm bữa

Có những câu chuyện về việc xuống núi học chữ của học trò vùng cao sau mỗi kỳ nghỉ tết khiến thầy cô không khỏi lo lắng và phiền muộn. Có em học sinh ở tận bản xa về nghỉ tết, được gia đình lấy chồng cho và bỏ học luôn.

Có em nghỉ nhiều ngày nên khi đi học, trời rét, đường xa nên bỏ học. Có nhiều em mải mê với ngày hội vui của bản đến tận rằm tháng giêng mới xuống núi.

Vì vậy, việc đầu tiên phải làm ngay sau nghỉ tết, trong ngày “khai xuân” là các nhà trường phải ổn định sĩ số, nếu chưa đủ phải cử giáo viên đến tận bản để đón học trò.

Đó là thực tế của trường học vùng cao trong những năm gần đây khi mà nhận thức của phụ huynh, ý thức của mỗi học sinh còn hạn chế. Hơn nữa do điều kiện về địa lý, thời tiết cùng những phong tục đón tết rườm rà, kéo dài ngày ở nhiều bản vùng cao, nhiều em hoàn cảnh khó khăn... nhiều lắm, khó kể hết được.

Những lý do đó khiến sĩ số của nhiều trường học vùng sâu, vùng xa thưa thớt sau tết.

Lo lắng cho học trò trước và cả sau tết là chuyện “đã quen rồi” của thầy cô giáo vùng cao. Nghe tưởng như chuyện ngược đời nhưng đó là những câu chuyện khó nói thành lời ở nơi sơn thẳm này khi tết đến xuân về.

Ở những điểm trường vùng cao, trước tết thầy cô gồng mình để lo tặng quà, áo ấm, đưa học trò về bản ăn tết, còn sau tết chỉ lo các em không xuống núi như đúng hẹn.

“Năm hết tết đến người ta vui vẻ đi sắm tết, còn chúng tôi phải lo cho học trò cả trước và sau tết” - thầy giáo Lý Gìn Phù (điểm trường Tổng Kim,  Lào Cai) chia sẻ.

Thầy Phù và các thầy cô nơi đây tâm sự trước tết các em về bản, thầy cô cắt cử nhau đưa các em về thăm nhà, chúc tết, tặng quà rồi dặn dò phụ huynh và học sinh vui tết nhưng nhớ xuống trường cho đúng hẹn. Chuyện tưởng đùa mà “như cơm bữa với chúng tôi ở đây” - thầy Phù tâm sự.

Sau tết, thầy cô đến điểm trường đúng lịch để tiếp tục công việc nhưng học trò thưa thớt lắm.

Theo lời kể của thầy cô ở nhiều điểm trường vùng cao thì năm nào cũng thế, nghỉ tết xong thay vì du xuân, gặp mặt đầu xuân, thầy cô lại phải lặn lội lên các bản Mông cheo leo trên đỉnh núi, hay vào các bản Tày sâu hun hút ven suối để vận động học trò, thông báo phụ huynh đưa con em ra lớp. Phải mất đến hơn một tuần, sĩ số mới thật sự ổn định và công việc “gieo chữ” lại bắt đầu.

Đến trường sẽ ấm áp hơn

“Sau nghỉ tết, công việc vận động của giáo viên chúng tôi vất vả lắm vì bọn trẻ thường không để ý gì đến lịch tập trung nữa” - cô giáo Hoàng Thanh Huyền, phụ trách điểm trường mầm non Tổng Mo (Lào Cai), chia sẻ.

Vào bản ở vùng cao đâu phải cứ “cưỡi” lên chiếc xe máy ung dung đến nhà phụ huynh mà phải cuốc bộ hàng chục cây số theo đường rừng, qua mấy con suối mới tới được, nhiều khi lên đỉnh dốc mà thở không ra hơi. Đó là thổ lộ của nhiều thầy giáo, cô giáo phụ trách các điểm trường ở vùng cao xa xôi.

Để cải thiện tình trạng thưa thớt học trò sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà trường ở vùng cao như Tân Tiến, Sín Chéng (Lào Cai), Thu Cúc, Đồng Sơn (Phú Thọ), Tà Xi Láng, Pá Hu (Yên Bái), Háng Đồng (Sơn La) đã chuẩn bị tốt ngay từ đầu những điều kiện để đón các em ra lớp, ổn định buổi đầu tại nhà bán trú.

Không để các em bỡ ngỡ và thiếu thốn việc ăn ở sinh hoạt sau tết, các nhà trường vùng cao đã tổ chức nấu ăn, dọn dẹp phòng ở và tổ chức các em ăn ở học tập bình thường. Nhờ thế, phụ huynh đã yên tâm khi sau tết, nghỉ dài ngày, con em mình đến trường sẽ có chỗ ăn ở chu đáo và ấm áp.

Theo các thầy cô giáo ở các điểm trường vùng cao thì nhờ có mô hình trường bán trú, những năm gần đây tỉ lệ học sinh nghỉ học sau Tết Nguyên đán không nhiều như những năm trước, các em được ở tại nhà bán trú, có chăn ấm và chế độ ăn uống hợp lý nên các trường vẫn duy trì được lịch học.

Tại Trường THCS Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu), theo thầy hiệu trưởng Đồng Xuân Lợi, nhờ có mô hình bán trú nên sau tết khi xuống núi, các em có chỗ ăn ở để chuẩn bị tâm thế cho công việc học tập nên đã hạn chế hẳn tình trạng học sinh bỏ học và chậm trễ đến trường sau tết.

Sau nghỉ tết, thầy cô vùng cao khăn gói “thượng sơn” và học trò “hạ sơn” đến trường học chữ. Hai hướng đi tưởng như ở hai phía đầu dốc núi nhưng hai chặng đường ấy cùng gặp gỡ ở chặng cuối là mang theo bao nỗi lo và niềm mong mỏi cho một hành trình gieo con chữ được bắt đầu cùng với cái ấm áp của mùa xuân.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên