14/12/2015 08:25 GMT+7

Học sử ở bảo tàng

PHẠM ĐƯỢC
PHẠM ĐƯỢC

TT - Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 
22-12, Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) tổ chức cho 460 học sinh khối lớp 12 tham quan, học tập tại Bảo tàng Quân khu 5 và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn tham quan, học tập tại Bảo tàng Quân khu 5 - Ảnh: Phạm Được
Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn tham quan, học tập tại Bảo tàng Quân khu 5 - Ảnh: Phạm Được

Đây là năm thứ 10 việc học sử ở bảo tàng diễn ra đối với thầy trò của ngôi trường mang tên năm ngọn núi này.

“Từ đề xuất của giáo viên môn lịch sử về việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại bảo tàng, từ năm 2005 chúng tôi triển khai thực hiện ý tưởng này. Nhận thấy đây là hình thức giáo dục hiệu quả, chúng tôi đã duy trì hoạt động, đến nay là đã 10 năm” - thầy hiệu trưởng Trần Đạt cho hay.

Theo thầy Đạt, việc học sử ở bảo tàng giúp học sinh trực tiếp quan sát tranh ảnh, sự kiện, hiện vật... qua đó khắc sâu hơn kiến thức được học trong sách vở, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống hào hùng của cha anh. Từ đó sẽ ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương, phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.

Cô Võ Thị Hiền, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn, cho biết để việc tham quan, học tập ở bảo tàng đạt hiệu quả, học sinh được nghe, ghi chép đầy đủ. Sau đó, các em làm bài tập thu hoạch kể lại câu chuyện lịch sử liên quan đến sự kiện, tranh ảnh, hiện vật khi tham quan ở bảo tàng mà em thấy ấn tượng.

“Chúng tôi cảm nhận rõ sự hiệu quả khi các em chăm chú nghe, hào hứng xem tranh ảnh, hiện vật được trưng bày. Khi chấm bài thu hoạch có nhiều bài viết rất tốt, cho thấy học sinh không hề thờ ơ với lịch sử dân tộc” - cô Hiền chia sẻ.

Nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn sau khi tham quan Bảo tàng Quân khu 5 và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã bày tỏ: “Ước gì học sử hấp dẫn như ở bảo tàng” là đủ thấy hiệu quả giáo dục như thế nào.

Trong bài thu hoạch sau khi tham quan, bạn Phạm Thị Lấm (lớp 12/11) viết: “Học sử ở bảo tàng thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ khắc sâu vì có hình ảnh trực quan sinh động. Ví dụ, nói về tình cảnh nông dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, sách giáo khoa viết: “Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 đầu năm 1945 có khoảng 2 triệu đồng bào ta chết đói. Chỉ là con số khô khan, dù đó là con số 2 triệu đồng bào ta chết đói cũng không tác động nhiều tới tình cảm học sinh bằng tại bảo tàng treo hình ảnh người nông dân gầy gò, ốm yếu, tiều tụy, giơ xương, trông thê thảm vô cùng. Hình ảnh đó không thể không thương cảm, không thể không uất hận, căm thù Pháp - Nhật đã đẩy đồng bào ta ra nông nỗi đó”.

Không chỉ em Phạm Thị Lấm giỏi sử, mê sử mới cảm nhận được điều đó, mà tất cả học sinh đều chăm chú, say sưa nghe cô hướng dẫn viên bảo tàng nói chuyện. Một hình ảnh trái ngược với không khí học ở lớp, nhiều em không tập trung, ngáp lên ngáp xuống.

Vậy tại sao các cô chú ở bảo tàng không phải là giáo viên mà “dạy” học sinh chăm chú và thích thú như thế? Có lẽ không khó để giải thích vấn đề này, bởi bài học ở bảo tàng có hình ảnh trực quan sinh động, lồng vào đó là những câu chuyện kể lịch sử hết sức hấp dẫn liên quan đến hình ảnh, nhân vật, sự kiện. Còn cô chú hướng dẫn viên trong vai trò giáo viên không lo “cháy” giáo án, lịch sử được “mềm” hóa bằng những câu chuyện như thế học sinh không mê mới lạ.

Thế nên, việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở bảo tàng, di tích rõ ràng là cực kỳ hữu ích, cần được nhân rộng. Bởi việc dạy và học lịch sử không nên giới hạn trong sách giáo khoa và bốn bức tường!

PHẠM ĐƯỢC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên