02/11/2005 06:12 GMT+7

Học phí phải được tính toán sòng phẳng

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TT - Tăng học phí nhưng người nghèo vẫn có thể đi học ĐH. Điều chỉnh học phí nhưng phải đi đôi với sự điều chỉnh về giá trị học bổng, số lượng học bổng, cách thức cấp học bổng cho SV.

WnOoeQsK.jpgPhóng to
GS.TS Trần Hồng Quân

Học phí không phải điều kiện duy nhất để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn có yếu tố: cơ cấu các loại hình trường lớp, sự đầu tư của Nhà nước...

Đó là ý kiến của GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - về vấn đề điều chỉnh học phí đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay. Ông Quân cho biết:

- Nền giáo dục đòi hỏi sự đầu tư hết sức to lớn trong khi ngân sách lại hạn chế, không đủ sức để tạo đà tăng trưởng đương nhiên ta phải tính đến những nguồn khác. Nhưng nếu chỉ tính đến nguồn học phí thôi thì chưa đủ, giải pháp nâng mức học phí thôi cũng chưa đúng.

* Như vậy, theo GS, tăng học phí là cần thiết?

-Tôi thấy rằng đề án chưa đánh giá đúng hiện trạng về học phí, học bổng. Chế độ học bổng, thu học phí hiện nay ở các trường ĐH mang tính chất bao cấp và rất mất công bằng. Tôi được biết chi phí đầu tư cho một SV trường công lập (CL) khoảng 10-12 triệu đồng/năm/SV. Học phí các trường thu khoảng 1,8 triệu đồng/năm/SV. Tính ra Nhà nước bao cấp trên dưới 10 triệu đồng/năm/SV cho tất cả SV trường CL. Trong đó, SV diện chính sách, con nhà nghèo được cấp học bổng không nhiều lắm, tỉ lệ con em gia đình khó khăn vào ĐH cũng vẫn còn thấp. Suy ra Nhà nước bao cấp cho người giàu là chính.

Việc điều chỉnh học phí phải tính toán một cách sòng phẳng và cụ thể: ví dụ như Nhà nước “gánh” 3 triệu đồng/tổng chi phí 12 triệu đồng/năm, phần còn lại tất cả SV đều phải đóng như nhau (tức 9 triệu đồng/năm). Chỉ khác một chỗ: người giàu sẽ phải tự bỏ tiền để đóng 9 triệu đồng/năm, còn người nghèo sẽ được Nhà nước cho 9 triệu đồng (thông qua chế độ học bổng) để đóng học phí.

Bên cạnh đó tín dụng giáo dục cũng nên thay đổi: không phải cho vay với mức thấp và thủ tục cực kỳ khó khăn như hiện nay. SV phải được vay một khoản đủ để chi tiêu cho ăn, ở, sinh hoạt, học hành, sau này ra làm việc sẽ trả dần. Như ở Thụy Điển, SV ra trường đi làm việc đến khi mức lương vượt mức đủ sống mới bắt đầu trả nợ. Trả đến 65 tuổi không hết thì thôi. Như thế ai có khả năng học tập đều được đi học.

Chúng ta thực hiện chính sách xã hội, công bằng xã hội không thể lấy học bổng từ nguồn quĩ của ngành giáo dục, không thể ép ngành giáo dục không được thu học phí cao hơn, kể cả đối với người giàu. Bản thân giá trị học bổng phải nâng lên và số lượng học bổng cũng phải tăng lên. Người học được quyền chủ động chọn trường, chọn ngành, chọn địa điểm học và họ cũng có quyền đòi hỏi nhà trường phải có những dịch vụ tương xứng với số tiền họ bỏ ra.

* Có phải ngành giáo dục hiện nay không huy động được các nguồn lực trong xã hội để phát triển? Và cơ cấu các loại hình trường ĐH hiện nay là một ví dụ?

- Lâu nay ta sống trong cơ chế tập trung bao cấp nên nhiều người quan niệm rằng cái gì của Nhà nước luôn luôn tốt hơn. Trong giáo dục cũng thế. Cách nhìn nhận của xã hội đối với trường ngoài CL vẫn còn nhiều định kiến, còn sự phân biệt. Trường ĐH ngoài CL phát triển cực kỳ khó khăn, đến thời điểm này vẫn chưa khẳng định được mình vì quá nhiều sự ràng buộc. Chưa kể thủ tục mở trường ĐH ngoài CL hiện nay cực kỳ nặng nề và nhiêu khê.

Có những nhà giáo tìm được nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế hẳn hoi nhưng đi lên đi xuống qua bao nhiêu bộ, ban, ngành mất 3-4 năm trời vẫn chưa xong làm nản lòng những người tâm huyết. Việc qui định mức “trần” học phí cũng thế, nó là hình thức qui định mức “trần” chất lượng bởi không ai dại gì lại đầu tư cao hơn mức thu vào.

Có thể nói toàn bộ cơ chế quản lý đối với trường ngoài CL mang tính không khuyến khích phát triển. Tất cả chủ trương đưa ra từ phương pháp tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, mức trần học phí... đều không cần biết trường ngoài CL sống chết như thế nào.

Tôi lấy ví dụ như chỉ tiêu tuyển sinh chẳng hạn: cơ chế xin - cho vẫn tồn tại, trường nào tồn tại, phát triển, qui mô lớn hay nhỏ đều phụ thuộc chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Bộ cho nhiều được nhiều, cho ít được ít chứ không phải sự khẳng định của nhà trường. Thực tế có trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang nhưng không xin được chỉ tiêu đành cho trường CL thuê.

Hoặc tôi biết một số trường muốn đầu tư, có khả năng đầu tư mở rộng phòng ốc nhưng họ vẫn do dự vì sợ không xin được chỉ tiêu. Đó là chưa kể ĐH dân lập, tư thục không được đào tạo tại chức, không được đào tạo sau ĐH không hiểu vì sao?

Tất cả những qui định, qui chế ấy đã hạn chế tốc độ phát triển của hệ thống trường ngoài CL. Nếu ta đừng phân biệt đối xử, đừng quản lý theo kiểu “bó chặt” tạo điều kiện cho hệ thống trường ĐH ngoài CL tự phát triển (tôi chỉ nói nó tự phát triển, chưa dám nói đến chuyện hỗ trợ của Nhà nước như cho vay vốn, giao đất xây trường...) thì sẽ thu hút được mọi nguồn lực trong xã hội.

* Nhưng nguồn lực chỉ là một trong những điều kiện phát triển. GS có nghĩ rằng một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển giáo dục là sự đầu tư không hiệu quả và quá dàn trải của Nhà nước vì hệ thống trường CL hiện nay quá lớn?

- Đúng là hệ thống trường CL hiện nay quá lớn, sự đầu tư của Nhà nước không hiệu quả. Mục tiêu Chính phủ đề ra là từ nay đến năm 2010 số SV học trường ngoài CL phải đạt 40%, mở thêm 110 trường ĐH, CĐ trong đó chủ yếu là trường ngoài CL. Thế nhưng mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo lại khác với quản lý thực tế.

Đề án qui hoạch mạng lưới trường ĐH của Bộ GD-ĐT vừa được Chính phủ thông qua lại không cho mở thêm trường ĐH ngoài CL ở Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh khác cũng chỉ được mở tối đa hai trường. Do đó, tỉ lệ 40% SV ngoài CL theo tôi là hợp lý nhưng sẽ rất khó thực hiện.

Ta nên điều chỉnh cơ cấu các loại hình trường theo đúng chủ trương của Chính phủ. Nếu ta chuyển bớt một số trường CL sang ngoài CL, tăng số lượng trường ngoài CL, lúc ấy nguồn lực Nhà nước chỉ tập trung vào các trường sau: trường trọng điểm chất lượng cao mang tính mũi nhọn (dành cho những người thật sự giỏi); trường không thể tư nhân hóa như trường đào tạo quân đội, lực lượng vũ trang, bộ máy nhà nước, một số ngành kỹ thuật - công nghệ không tham gia thị trường lao động xã hội như: khí tượng thủy văn, địa chất... (tuyển chọn SV có khả năng phù hợp, có triển vọng tham gia bộ máy quản lý nhà nước); trường đào tạo cho đối tượng chính sách như ĐH ở miền núi, vùng hẻo lánh xa xôi, vùng khó khăn (dành cho đối tượng chính sách, gia đình nghèo).

Không thể đầu tư dàn trải cho quá nhiều trường ĐH CL như hiện nay. Còn giáo dục ĐH đại trà nên giao cho trường ngoài CL thực hiện. Dĩ nhiên, Nhà nước cũng nên khuyến khích trường ngoài CL đầu tư đạt chất lượng cao.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên