![]() |
Nói đến nghề người mẫu, một người chuyên tổ chức show diễn đã nhận xét thẳng: “Đi sưng cả chân, ê cả người suốt hai tiếng đồng hồ mà cũng chỉ được thù lao 400.000đ. Có lẽ chẳng nghề nào lại phải đi đứng cực hơn vậy nữa. Nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Tuy vậy, vẫn có khá nhiều bạn trẻ khao khát trở thành người mẫu dẫu chưa rõ vinh nhục thế nào...
Kiếm tìm một thế hệ người mẫu qua trường lớp
“Nào, các bạn hãy cố gắng lên! Đi thẳng người vào! Mắt nhìn phía trước, cân bằng hai vai...”. Tiếng người mẫu Xuân Lan đều đặn vang lên thúc giục các học viên luyện tập cách đi của người mẫu.
Trong căn phòng rộng chưa tới 20m2 nằm ở khuôn viên Trung tâm Văn hóa Q.3 (TP.HCM), các học viên chỉ mới đi qua đi lại vài vòng là đã than mệt, đau chân. Mà đau chân cũng phải bởi hầu hết học viên đều đi giày cao 8-10cm. Thế mà Xuân Lan còn gợi ý: “Lần sau các bạn phải đi giày càng cao càng tốt, bởi nếu cứ tập giày thấp thì khi đi giày cao sẽ bị mất thăng bằng, dáng đi sẽ xấu và loạng choạng ngay”.
![]() |
Các học viên của Elite trong giờ tập catwalk - Ảnh: ELITE |
Khi được hỏi tại sao muốn trở thành nam người mẫu, H.V., sinh viên năm 1 ĐH Văn Hiến, trả lời: “Tôi muốn đem lại cái đẹp cho đời” (?)... Lớp học này do Trung tâm Văn hóa Q.3 tổ chức, học thứ bảy, chủ nhật với học phí chỉ 200.000đ/hai tháng.
Anh Nguyên Phúc, người hướng dẫn về bộ môn thời trang của Proffesional Look, cho biết: “Với lớp học 200.000 - 300.000đ/khóa/ hai tháng thì thực chất những lớp học này chỉ là nơi để các bạn trẻ đến sinh hoạt, tư vấn về kiến thức và phát hiện là chủ yếu. Bạn nào có tố chất, năng khiếu, trung tâm sẽ đào tạo thêm”.
Chủ nhiệm CLB người mẫu Hoa Học Đường Tạ Nguyên Phúc cho biết NVH Thanh niên TP.HCM vừa quyết định hình thức kỷ luật các người mẫu tham gia thực hiện chương trình video “Tuyển chọn nghệ sĩ” là khai trừ các người mẫu này ra khỏi CLB. NVH Thanh niên cũng đã cử một cán bộ làm chủ nhiệm CLB, còn Tạ Nguyên Phúc làm phó chủ nhiệm. |
Và sau đó những trung tâm đào tạo người mẫu tại các nhà văn hóa, lớp đào tạo người mẫu của Công ty Babi, Elite, Proffesional Look... đã có mặt. Một “thế hệ người mẫu qua trường lớp” ra đời.
Tuy vậy, điều này không bảo đảm rằng sẽ có một đợt người mẫu mới chuyên nghiệp hơn. Bởi thực tế cho thấy những người mẫu có nghề, uy tín thì đã đến “tuổi về chiều”, còn thế hệ kế thừa thì chưa có gương mặt sáng giá.
Học bài bản chưa hẳn đã hái ra tiền
![]() |
Dù không học qua lớp đào tạo người mẫu nhưng Ngân Hà đã được Elite "săn lùng", chọn làm thí sinh đại diện VN đi thi Hoa hậu trái đất |
Như trường hợp chị Hằng, có con trai T.L. (15 tuổi, đang học lớp 9, cao 1,74m, nặng 70kg) học tại lớp đào tạo của Elite (Hà Nội). Chị cho biết gia đình không hướng T.L. theo nghề người mẫu nhưng vẫn tuần hai buổi chở con đi học và đưa đón khi con đi diễn thực tập hay tập quay quảng cáo. Lý do: để T.L. có một nơi sinh hoạt, tập giao tiếp với bạn bè, tập những kỹ năng, cách chăm sóc bản thân, phong thái... Sau hai tháng học lớp cơ bản, chị thấy con trai dạn dĩ, tự tin hơn.
Thế nhưng có quá nhiều học viên nghĩ rất đơn giản về công việc được cho là mau bị đào thải nhất này. Như Th., học viên của Trung tâm Proffesional Look, thật thà: “Mình là dân tỉnh, lại không được học hành nhiều nên rất khó xin việc ở thành phố này. Nghe nói nghề người mẫu kiếm được nhiều tiền. Ngoại hình mình cũng ưa nhìn nên muốn thử thời vận xem sao”.
Người mẫu Hoài Nam:
Không muốn mang tiếng là vô học Nam có được may mắn là đến với nghề khá dễ dàng. Mười năm về trước, thời còn là sinh viên, vì rất thích hoạt động phong trào nên Nam đã đăng ký tham gia CLB Hoa Học Đường của Nhà văn hóa Thanh niên. Ngay từ lúc ấy Nam nghĩ rằng đây chỉ là hoạt động để mình có thể thư giãn, giải trí chứ không phải là nghề chính. Cái thời xách chiếc xe cuộc vừa đi diễn vừa đi học (Hoài Nam học Đại học Tổng hợp khoa Pháp văn) đã trở thành những năm tháng đẹp nhất trong đời Hoài Nam. Nhiều lúc thấy vất vả, tính bỏ học, nhưng rồi Nam muốn thay đổi quan niệm nhiều người cho rằng người mẫu không có học thức nên Nam quyết tâm trở lại. Hiện Nam đang làm nhân viên kinh doanh Hãng hàng không Pháp. Thỉnh thoảng Nam đi diễn và chụp hình quảng cáo. Đã có nhiều vụ xìcăngđan trong giới người mẫu, nhưng nói gì thì nói, nghề người mẫu giúp Nam trở nên tự tin trong cuộc sống rất nhiều... |
Trong tất cả các trường nhận đào tạo người mẫu hiện nay thì Công ty Elite được coi là đào tạo có bài bản nhất, phân ra hai nhóm: nhóm người mẫu sàn diễn và nhóm người mẫu ảnh, quảng cáo với ba cấp đào tạo: cơ bản, nâng cao và siêu mẫu. Học phí nơi đây cũng khá “nặng ký”: 1,5 triệu đồng cho lớp cơ bản, 2 triệu đồng lớp nâng cao cho một khóa học dài hai tháng. Còn lớp siêu mẫu thì... chưa có vì chưa có học viên đạt tiêu chuẩn 1,75m.
Dẫu có một chương trình đào tạo bài bản, cụ thể, kết hợp đầy đủ giữa thực và hành, nhưng những nhà đào tạo của Elite vẫn khẳng định theo nghề được hay không là do lòng đam mê, ý chí và bản lĩnh của học viên.
Trong thời buổi “sống với quảng cáo” như hiện nay thì người mẫu là không thể thiếu. Ai cũng thấy rằng cầu “hàng chất lượng cao” đang tăng nhưng cung thì giảm rõ rệt.
Cứ mỗi lần có một cuộc thi người đẹp ở nước ngoài như Hoa hậu trái đất, Hoa hậu thế giới, Hoa hậu du lịch, Người mẫu nam... thì Công ty Elite (“chuyên gia” cung cấp người mẫu đại diện VN tại các cuộc thi) đều khốn đốn đi tìm người mẫu, bởi người mẫu của ta không thiếu nhưng người mẫu có sắc vóc đạt tiêu chuẩn, biết diễn xuất trước ống kính, trình độ ngoại ngữ khá thì... quá hiếm!
Được mặc đồ đẹp, được lên bìa các báo, tạp chí, xuất hiện duyên dáng, tươi trẻ trên các spot quảng cáo trên truyền hình, biểu diễn trên sân khấu với ánh đèn hào nhoáng, phía dưới bao cặp mắt nhìn ngưỡng mộ... đã là ước mơ của bao nhiêu chàng trai cô gái có sắc vóc. Tuy nhiên hầu hết những người đào tạo đều khẳng định trở thành người mẫu không phải là chuyện đơn giản.
Đây không phải là công việc dễ kiếm tiền như nhiều bạn trẻ mơ tưởng. Ngược lại, người mẫu là nghề nhạy cảm và mau bị đào thải nhất. Đứng vững được trên sàn diễn phải là những người chịu khó học hỏi, yêu nghề và có bản lĩnh. Khẳng định mình đã khó, giữ được mình càng khó hơn.
“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” - một số người mẫu vì không cưỡng lại được sự cám dỗ vật chất đã đánh mất không chỉ tên tuổi của mình mà còn làm xấu bộ mặt xã hội. Chính điều này đã khiến một số bạn trẻ có đủ điều kiện cần và đủ để trở thành người mẫu vẫn không muốn vào nghề hoặc theo nghề tới cùng, vì những tai tiếng do “những con sâu làm rầu nồi canh” mang lại. Cứ vậy, nghề người mẫu cứ bị trói buộc trong cái vòng luẩn quẩn ấy...
Bà Thu Hiên(chuyên viên tư vấn tâm lý, nguyên hội trưởng Hội Người mẫu TP.HCM 1990-1995): Một số người mẫu VN thiếu rèn luyện nhân cách Hầu hết người mẫu còn quá trẻ, xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau, trình độ học vấn không cao, môi trường gia đình không thật sự hoàn thiện. Sau khi đăng quang trong cuộc thi sắc đẹp và được giới biểu diễn săn lùng, lăngxê, họ trở thành những nhân vật đặc biệt được công chúng chú ý. Sự thay đổi về cuộc sống quá nhanh trong khi về tâm lý họ chưa kịp thích ứng, thêm vào tính hiếu thắng của tuổi trẻ, người mẫu nào cũng muốn mình là “sao” nên đôi khi họ đi sai đường. Tuy không phải là tất cả nhưng một số người mẫu đã lợi dụng tên tuổi của mình xâm nhập giới thượng lưu, tìm một Việt kiều hoặc ngoại kiều để hưởng cuộc sống an nhàn. Nghiêm trọng hơn, về sau họ còn săn lùng các đại gia để moi tiền, hoặc đến các vũ trường để tìm khách như báo chí đã đăng... Khi bị báo chí phê phán đã tham gia các băng đĩa hải ngoại có nội dung xấu, các người mẫu lại ngây thơ cho rằng mình không biết là đã vi phạm, là bị lừa. Xin thưa, các cô ấy đều biết hết, nhưng quan điểm của họ là càng nhiều xìcăngđan càng nổi tiếng! Theo tôi, vấn đề hiện nay là ở chỗ người mẫu cần có trình độ xã hội đúng đắn. Họ phải nhận thức mình là người của công chúng, nhờ có công chúng mà mình có được vị trí này. Mặt khác nghề người mẫu ở ta hiện nay quá dễ dãi. Không phải chỉ cần bước lên sàn diễn, õng ẹo vài cái là trở thành người mẫu, mà người mẫu phải là những người có khả năng trong nghề nghiệp và có đạo đức. Chúng ta cũng nên thành lập những tổ chức để quản lý họ. Những buổi sinh hoạt bồi dưỡng về vấn đề giao tế nhân sự, cách ăn nói, ứng xử rất cần thiết, bởi suy cho cùng những người mẫu của ta cũng đang ở độ tuổi trên đường hình thành nhân cách. Điều đó là rất khó nhưng cần phải làm. |
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận