21/06/2008 04:01 GMT+7

Học làm "kiếm sĩ"

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Hơn 5g sáng, Câu lạc bộ bơi lặn Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM còn khá vắng vẻ thì ở góc sân một nhóm bạn trẻ đã có mặt, vai mang túi đen dài lỉnh kỉnh... Họ mặc giáp, đeo mặt nạ trông rất ngầu, rút kiếm tre từng cặp bắt đầu tập luyện chan chát.

Bql0IIdN.jpgPhóng to

Các bạn trẻ tập kendo ở Câu lạc bộ bơi lặn Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

TT - Hơn 5g sáng, Câu lạc bộ bơi lặn Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM còn khá vắng vẻ thì ở góc sân một nhóm bạn trẻ đã có mặt, vai mang túi đen dài lỉnh kỉnh... Họ mặc giáp, đeo mặt nạ trông rất ngầu, rút kiếm tre từng cặp bắt đầu tập luyện chan chát.

Những tiếng hét "men", "do"... dũng mãnh của các "kiếm sĩ” xé toang khoảng không tĩnh lặng. Họ là những võ sinh môn kendo (kiếm đạo).

Kiếm sĩ thời nay

Kendo đang là môn võ "hot" trở lại trong hè này ở TP.HCM. Chúng tôi đến Trung tâm thể thao Tinh Võ Q.5 vào một chiều. Phòng tập kendo khá nhỏ nằm trên lầu có hơn chục "kiếm sĩ” trong bộ giáp, mặt nạ kín mít đang say sưa luyện kiếm. Chị Trần Thị Ngọc Thảo, huấn luyện viên lớp kendo Q.5, cho biết: "Môn kendo có tính sôi nổi, khá hấp dẫn bạn trẻ. Hè này nhiều bạn đã đến hỏi xin tập". Hiện Trung tâm thể thao Tinh Võ Q.5 đang có ba lớp kendo với hàng chục học viên theo học.

Ở sân kendo Câu lạc bộ bơi lặn Nguyễn Tri Phương Q.10, một người tình nguyện đeo mặt nạ, mặc giáp đứng ra cho cả chục người luyện kiếm. Những động tác di chuyển nhanh, đường kiếm dứt khoát và chắc chắn, mỗi khi ra đòn đều hét lớn "men" (đầu), tiếng kiếm tre chạm vào giáp che đầu côm cốp chắc chắn là "cao thủ”. Còn những tay kiếm mới vào nghề như cô bạn Kim Chi, đang làm việc tại một công ty tư nhân, mới nhập môn ra đòn yếu ớt, rụt rè… "Trước đây từng học võ khác nhưng không tập nổi. Học kiếm vài hôm thấy phù hợp với sức khỏe của mình. Đi làm mệt mỏi, tập kiếm khỏe hẳn"- Chi cho biết. Còn Thanh Tuyên (SV ĐH Kinh tế TP.HCM) dành ba buổi tối đều đặn mỗi tuần đến sân kendo tập kiếm vì "với mình, tập kiếm sảng khoái, giảm stress hữu hiệu".

Để thắng chính mình

Hiện nay, ở TP.HCM có gần chục điểm dạy kendo, trong đó có ba trung tâm thu hút nhiều học viên: hồ bơi Nguyễn Tri Phương Q.10: 5g30-7g sáng thứ 3-5-7; Trung tâm thể thao Tinh Võ, Q.5: có ba lớp vào buổi tối tất cả các ngày trong tuần, có lớp dành cho thiếu nhi; 25 bis Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 có hai lớp tối 2-4-6 và 3-5-7. Học phí 50.000 -150.000đ/tháng.

Kendo là môn đấu kiếm xuất phát từ Nhật, có mặt tại VN hơn chục năm nay. Do kendo là môn võ sử dụng vũ khí nên vấn đề an toàn rất quan trọng. Khi tập buộc phải có giáp bảo hộ. Bộ "đồ nghề" đầy đủ giá khá cao có lẽ là một trong những lý do kendo ở VN chưa phát triển mạnh mẽ. Để khắc phục khó khăn này, một vài người tự nghiên cứu, bỏ tiền làm kiếm, may giáp... trang bị cho kiếm sinh.

Trong đấu kiếm tinh thần rất quan trọng, không quá nóng vội, tập trung quan sát, phán đoán và phản xạ nhanh nếu không sẽ dính đòn. "Người học kiếm được rèn tinh thần rất hay, biết kiềm chế, giữ được bình tĩnh" - Thanh Thảo (SV ĐHDL Công nghệ Sài Gòn) luyện kiếm gần bốn năm trong bộ hakama khá lãng mạn, vui vẻ nói.

Người Nhật tin rằng trẻ em được tập luyện kendo từ nhỏ, khi trưởng thành sẽ có thể chất mạnh mẽ, tinh thần luôn cầu tiến, lạc quan… Theo chị Ngọc Thảo, nhiều người nghĩ kendo là môn đối kháng (khi tập chỉ đấu với nhau) nhưng thật ra cái cốt lõi của kendo không phải để thắng người khác mà là tự thắng chính mình. Luật thi đấu kendo không theo hạng cân, mà so tuổi gần bằng nhau là đấu chung. Điều này tạo tâm lý tự tin cho kiếm sinh sẵn sàng gặp đối thủ to, mạnh hơn mình.

Sự tự chủ cao độ khi biểu dương chính mình qua các đòn thế mạnh mẽ, chính xác. Mỗi ngày kiếm sinh đều phải rèn luyện những tính cách này. Anh Trần Đình Tỵ, một "kiếm sĩ” lâu năm, cho rằng: "Trong cuộc sống có những điều như những chiêu kiếm khó, không phải làm được liền, buộc người học đặt mục tiêu phấn đấu tập sự kiên nhẫn. Điều này rất quan trong đối với người trẻ như mình".

Môn kendo có triết lý nêu cao tinh thần võ sĩ đạo, khi thi đấu không được đánh sau lưng đối phương, phải đánh trước mặt. Đánh phải hét báo cho đối phương biết đánh chỗ nào. Một điều trong tinh thần võ sĩ đạo qui định không thành văn là truyền thống nhưng kiếm sinh kendo nào cũng biết là sự vị tha. Cụ thể khi thi đấu nếu giỏi hơn đối phương phải hạ thấp kỹ thuật và tốc độ để hơn đối thủ một chút… "thắng không kiêu, bại không nản" - một "kiếm sĩ” cho biết.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên