![]() |
Nhiều chiến sĩ lần đầu tiên giặt quần áo, khi phơi lên vẫn còn đầy xà phòng. |
Ở nhà, ăn cơm có người bưng tận nơi, quần áo đã có máy giặt, chăn màn đã có người giúp việc thu dọn, các em chỉ việc ăn, học và chơi. Vì vậy, việc sống trong môi trường khắt khe và kỷ luật của quân đội đã khiến các em từ lạ lẫm đến bức bối, thậm chí giận hờn. Thế nhưng 10 ngày tham gia Học kỳ quân đội tuy ngắn ngủi nhưng đã khiến các em bản lĩnh hơn, rắn rỏi hơn...
Giã từ “nệm êm, chăn ấm”
Chương trình thống nhất danh xưng như cách gọi trong quân đội. Các em tham gia chương trình được gọi là chiến sĩ. Bốn ngày đầu của chương trình, các chiến sĩ đóng quân tại doanh trại của Trung đoàn 88 (Đồng Nai) và tham gia những hoạt động không khác những quân nhân thực thụ.
Buổi giao ban của ngày đầu tiên, sau khi động viên chiến sĩ mạnh dạn phát biểu, các vị chỉ huy trong quân đội phải che miệng cười vì những ý kiến rất thực tế. Một em phàn nàn: “Món cá hơi cay nhưng trong mâm cơm hổng có để ly nước cho em uống đỡ cay”. Em khác thì: “Món cá bị nát và trình bày không đẹp mắt!”. Có em lại thắc mắc: “Em không thấy có cái vòi hoa sen trong nhà tắm, làm sao tắm đây?”...
Đêm đầu tiên, nhiều chiến sĩ không ngủ được. Sáng ra, vừa gặp nhau các em đã xôn xao chuyện “cái giường thì cứng ngắc”, “chăn mỏng nên lạnh quá”...
Ngày thứ hai bắt đầu từ năm giờ sáng. Nhiều chiến sĩ len lén thở dài, giấu nỗi thất vọng trước bữa ăn sáng. Có chiến sĩ ngạc nhiên: “Buổi sáng cũng ăn cơm nữa hả?” rồi ngồi xuống ăn qua loa, tranh thủ về phòng uống... viên C sủi cho lại sức! Nhiều chiến sĩ bứt rứt vì không được chơi game, không được nhắn tin cho cô bạn dễ thương của mình...
Nhưng mọi sự băn khoăn, lạ lẫm đã biến mất trong ngày thứ hai khi người chỉ huy giải thích cho các chiến sĩ những điều kiện bắt buộc của quân đội. Các chiến sĩ hiểu ra và chấp nhận những khó khăn như đang đối đầu với những thử thách mà một chiến sĩ phải vượt qua.
Các em lóng ngóng tập làm quen những công việc tự giặt quần áo, quét dọn phòng, khó nhất là tập gấp chăn màn “vuông như hộp diêm” rồi những hoạt động tăng gia sản xuất như nhổ cỏ, trồng rau, quét dọn sân vườn.... - những việc mà chỉ hai ngày trước các em chưa từng nhúng tay.
Nước mắt ngày trở về...
Đêm chia tay Trung đoàn 88 để tiếp tục chặng hai của chương trình tại rừng Nam Cát Tiên, nhiều tiểu đội ngồi lặng lẽ, buồn rơi nước mắt. Nữ chiến sĩ Vĩnh Hảo viết nhật ký về buổi chia tay với tiểu đội trưởng của tiểu đội mình: “Anh Vũ thì cười nhưng nhìn vô mắt ảnh, mình cảm nhận nỗi buồn. Qua bốn ngày trong quân đội, anh Vũ đã huấn luyện mình thành người chiến sĩ thực thụ. Mình biết thế nào là tình đồng đội, thế nào là sự cảm thông, chia sẻ, biết an ủi, giúp đỡ người khác và biết thế nào là tính kỷ luật quân đội...” Một đoạn nhật ký khác: “Hôm nay đi chơi rừng, bạn nào cũng háo hức nhưng cũng có nhiều bạn buồn vì phải xa doanh trại, có vài bạn khóc (Thế mới biết tình cảm của các bạn sâu đậm thế nào).”
![]() |
Ôm nhau thật chặt rồi chia tay trong nước mắt. |
Rời Trung đoàn 88, các chiến sĩ hành quân vào rừng Nam Cát Tiên, làm quen với môi trường thiên nhiên hoang dã. Tại đây, các chiến sĩ được hành quân trong rừng, học cách mắc võng, nhận biết thảo dược, xử lý tai nạn, tìm đường ra khỏi rừng nếu bị lạc...
Làm quen với kỷ luật quân đội, học cách sống tự lập, thích ứng với môi trường xung quanh, các chiến sĩ còn học cách chia sẻ với mọi người khi đến thăm các bé tại Trung tâm Thị Nghè. Lê Thị Hạnh Nguyên - học sinh lớp 9 trường Úc Châu đã không kềm được lòng, tháo huy hiệu chiến sĩ trên áo mình tặng cho một em bé tại trung tâm. Hạnh Nguyên tâm sự: “Nhà em mới chuyển về gần đây hơn một năm nhưng em không biết trung tâm này, giờ mới biết. Sau khi kết thúc Học kỳ quân đội, em sẽ đăng ký làm tình nguyện viên tại trung tâm”.
Ngày chia tay, các chiến sĩ tặng khăn tay, xin chữ ký của nhau làm kỷ niệm. Sau khi thả đèn trời chở ước mơ của mình bay cao khuất tầm mắt, họ vẫn đứng đó, ôm chầm lấy nhau trong nước mắt. Không phân biệt nam nữ, không phân biệt cấp chỉ huy hay ban tổ chức, họ ôm lấy nhau, cảm động và ngậm ngùi hẹn gặp lại trong chương trình năm tới...
Ôm nhau thật chặt rồi chia tay trong nước mắt.
Trưởng thành từ Học kỳ quân đội
![]() |
Để tôi giúp đồng chí “xếp nội vụ” vuông vức giống tôi nhé! |
Còn Nguyễn Ngọc Oanh Vũ hồ hởi khoe: “Ngoài những điều khác mà em có được như rèn luyện sức khỏe, rèn luyện tinh thần..., tự mình giặt quần áo, gấp chăn màn, em cũng thấy tự tin hơn và có thể bắt chuyện với các bạn. Thậm chí khi tập văn nghệ, nhiều bạn mệt không muốn tập, em đã động viên và thuyết phục được các bạn”.
Để tôi giúp đồng chí “xếp nội vụ” vuông vức giống tôi nhé!
Với các bậc phụ huynh, việc con mình tham gia chương trình này khiến họ rất hài lòng và công nhận “cháu có bước trưởng thành rõ rệt” như lời anh Võ Thành Văn - phụ huynh chiến sĩ Võ Thành Đạt. Anh vui vẻ khoe: “Chưa biết cháu sẽ thay đổi như thế nào trong sinh hoạt hàng ngày nhưng trong lễ tổng kết, tôi đã thấy cháu tự tin hơn nhiều. Lần đầu tiên cháu đã biết lấy thức ăn mời ba mẹ, điều mà trước đây cháu chưa bao giờ làm”.
Còn phụ huynh em Trần Duy Dũng kể: “Lá thư cháu gửi về nhà cũng là lá thư đầu tiên cháu viết cho ba mẹ. Cháu viết lần đầu tiên cháu giặt đồ vẫn còn xà phòng nhưng những lần sau sẽ cố gắng giặt sạch hơn. Tôi đọc thư rất cảm động vì cháu biết tự làm những công việc trong sinh hoạt hàng ngày”.
Thượng tá Vũ Xuân Kiểm, Chính ủy Trung đoàn 88: Thành công ngoài mong đợi
10 ngày - 3,7 triệu đồng Chương trình Học kỳ quân đội diễn ra từ ngày 1 đến 12-7, dành cho HS-SV, thanh niên 14-20 tuổi. Kinh phí 3,7 triệu đồng/trại sinh. Chương trình kéo dài 10 ngày với các hoạt động chính: bốn ngày trong quân đội tập huấn thể lực và kỹ thuật quân sự, điều lệnh nội vụ, sơ cấp cứu, sinh hoạt tập thể... Ba ngày kế tiếp, các chiến sĩ được huấn luyện kỹ năng sinh hoạt trại và hành quân trong rừng tại rừng Nam Cát Tiên. Thời gian còn lại dành cho việc tập huấn các kỹ năng mềm và hoạt động xã hội như thăm viện dưỡng lão, trung tâm trẻ khuyết tật, sơn sửa Công viên Hoàng Văn Thụ tại TP.HCM. Chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Dự kiến đợt hai sẽ diễn ra vào dịp nghỉ Tết nguyên đán. Học kỳ quân đội do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam phối hợp với với Trung đoàn 88 tổ chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận